Làn sóng phát hành cổ phiếu để huy động vốn đang diễn ra ồ ạt
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang liên tiếp tạo những đỉnh giá mới. Tâm lý tích cực của nhà đầu tư giúp cho doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ một cách dễ dàng hơn. Nhiều doanh nghiệp đã hoặc đang lên kế hoạch huy động hàng ngàn tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu, kể đến như HNG, GEX hay THD.
VN-Index - chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam đã băng băng qua mốc 1,200 điểm từ đầu tháng 4/2021 và tiếp tục vươn lên 1,300 điểm vào tháng 5. Hàng loạt cổ phiếu tăng giá tích cực đi cùng với thanh khoản dạt dào như sóng vỗ. Tâm lý nhà đầu tư đang thể hiện sự lạc quan, cởi mở hơn đối với thị trường chứng khoán. Không ít chuyên gia nhận định 2021 sẽ là năm thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trên sàn thực hiện tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu.
Quan điểm này càng được củng cố hơn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 được dự báo sẽ hạ nhiệt hơn so với năm trước. Thực tế, trái phiếu đã chững lại từ cuối năm trước. Do tác động của Nghị định 81 (hiệu lực từ tháng 9/2020), khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm rõ rệt trong cả 4 tháng cuối năm 2020.
Nhiều thương vụ huy động hàng ngàn tỷ đồng
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường hồi đầu năm, cổ đông HAGL Agrico (HOSE: HNG) đã thông qua phương án chào bán hơn 741 triệu cp riêng lẻ. Trong đó, HNG sẽ chào bán 550 triệu cp để hoán đổi nợ và hơn 191 triệu cp còn lại sẽ dùng để bổ sung vốn hoạt động. Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá 10,000 đồng/cp đạt hơn 7,414 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên gần mức 18,500 tỷ đồng.
Vì không đủ điều kiện để chào bán cổ phiếu ra công chúng, HNG chỉ có một phương án duy nhất là phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, HNG sẽ hoán đổi hầu hết khoản nợ của CTCP Nông Nghiệp Trường Hải (Thagrico) nhằm cải thiện các chỉ số tài chính để Công ty tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trường hợp huy động hơn ngàn tỷ khác là Thiết bị Điện Việt Nam (HOSE: GEX). Cụ thể, GEX dự kiến phát hành 293 triệu cp với giá 12,000 đồng/cp. Số tiền dự kiến thu được từ việc chào bán là 3,515 tỷ đồng. Trong đó, GEX sẽ dùng 2,300 tỷ đồng để triển khai các dự án nhà máy điện gió thông qua CTCP Hạ tầng Gelex và dự án “Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê”. Số tiền còn lại hơn 1,215 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Lãnh đạo GEX cho biết, tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu là 70% phần vốn dự kiến từ đợt chào bán để thực hiện dự án. Nếu thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán , Công ty sẽ bù đắp bằng cách vay vốn ngân hàng và phát hành trái phiếu. Nếu chào bán thành công trọn vẹn, GEX có thể nâng vốn điều lệ thêm 2,929 tỷ đồng, đạt mức 7,811 tỷ đồng.
Một thương vụ đã hoàn tất ngay đầu năm 2021 là Thaiholdings (HNX: THD). Tháng 1/2021, THD phát hành thành công 296.1 triệu cp, nâng vốn điều lệ lên thành 3,500 tỷ đồng. Đồng thời, THD cũng trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HNX (trên 55,000 tỷ đồng tại thời điểm 25/01/2021). Đáng chú ý giá phát hành là 10,000 đồng/cp, chỉ bằng 1/16 thị giá lúc bấy giờ.
Tấp nập doanh nghiệp bất động sản
Xét theo số lượng, bất động sản chính là nhóm ngành đang tích cực thực hiện tăng vốn nhất, kể đến những gương mặt điển hình như THD, SAM, CRE, EVG, HTN, AGG…
Tháng 3/2021, SAM Holdings (HOSE: SAM) đã phát hành 93.4 triệu cp với giá 10,000 đồng/cp, thu về hơn 934 tỷ đồng. Trong đó, SAM chào bán ra công chúng 86.3 triệu cp, còn lại hơn 7 triệu cp chào bán cho 2 cá nhân. Theo đó, Công ty đã nâng vốn lên mức 3,500 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thường niên 2021 của An Gia (HOSE: AGG) đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành là 100%, tức gần 83 triệu cp. Giá chào bán thấp nhất là 10,000 đồng/cp, dự kiến trong quý 3-4/2021. Song song đó, AGG cũng muốn phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông với tỷ lệ 10%. Tính chung, AGG dự kiến sẽ phát hành hơn 91 triệu cp, nâng vốn điều lệ lên mức 1,738 tỷ đồng.
Một trường hợp khác, Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, HOSE: CRE) cũng dự kiến triển khai phương án tăng vốn qua phát hành cổ phiếu trong năm 2021. Cụ thể, CRE muốn phát hành gần 106 triệu cp, trong đó chào bán cho cổ đông hiện hữu chiếm hơn 91 triệu cp (tỷ lệ 100:95), còn lại là phát hành để trả cổ tức 2020 và thực hiện ESOP.
Với số tiền huy động từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu 912 tỷ đồng (dự kiến), CRE sẽ dùng 400 tỷ đồng trong đó để nhận chuyển nhượng bất động sản, còn lại dùng trả nợ vay. Nếu phát hành hoàn tất, vốn điều lệ của CRE sẽ nâng từ 960 tỷ đồng lên gần 2,016 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp đã và dự kiến thực hiện tăng vốn qua phát hành cổ phiếu trong năm 2021
Nhóm doanh nghiệp “trà đá” tìm kiếm “cơ hội đổi đời”?
Làn sóng tăng huy động vốn trên sàn còn có sự góp mặt của nhóm doanh nghiệp vốn hóa nhỏ (Small & Micro Cap), thậm chí là những doanh nghiệp có thị giá chưa tới 10,000 đồng/cp. Phần lớn trong số này đều là những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh đang khá chật vật.
Nhiều doanh nghiệp Small & Micro Cap cũng tham gia làn sóng tăng vốn trong năm 2021
Các doanh nghiệp này cho biết mục đích phát hành cổ phiếu có bổ sung vốn, tháo gỡ khó khăn hay tái cấu trúc doanh nghiệp.
Như Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF), theo BCTC kiểm toán năm 2020, Công ty đang chịu khoản lỗ lũy kế hơn 3,000 tỷ đồng và tổng nợ phải trả đã vượt tổng tài sản. TTF còn đang có khoản vay ngân hàng và bên thứ ba đã quá hạn hơn 124 tỷ đồng. Theo đó, khả năng hoạt động liên tục đã bị nghi ngờ đáng kể.
Ban lãnh đạo TTF đề ra 3 phương án để khắc phục tình trạng trên. Một là, cải thiện hoạt động kinh doanh. Hai là, phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Ba là, cơ cấu lại các khoản đầu tư. Với phương án tăng vốn, doanh nghiệp gỗ ở Bình Dương muốn huy động 1,000 tỷ đồng thông qua phát hành 100 triệu cp ưu đãi để trả khoản vay ngân hàng đã quá hạn. Dự kiến phương án sẽ triển khai vào quý 3 hoặc đầu quý 4/2021, kết hợp với kết quả kinh doanh nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng vốn sở hữu âm.
Một trường hợp khác là Thăng Long Deco (HOSE: TLD). Để đảm bảo có đủ nguồn vốn cho dự án đầu tư xây dựng tại huyện Thanh Oai, Hà Nội, ĐHĐCĐ thường niên 2021 đã thông qua phương án phát hành 30 triệu cp riêng lẻ.
Nhớ lại trong năm 2020, TLD cũng thực hiện tăng vốn hàng trăm tỷ đồng, mục đích đầu tư xây dựng nhà máy, mua máy móc thiết bị. Công ty đã phát hành hơn 19 triệu cp, tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đạt 381 tỷ đồng. Dù đã tăng vốn đáng kể, song tình hình kinh doanh của TLD vẫn khá phập phù. Doanh thu 3 năm gần đây (2018-2020) chưa vượt 400 tỷ đồng, còn lãi ròng vẫn ngụp lặn trên dưới 20 tỷ đồng. Công ty cũng không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra 2020.
Kết quả kinh doanh của TLD từ 2017-2020 và kế hoạch 2021
Đvt: Tỷ đồng
Một điểm đáng chú ý nữa là thị giá TLD ghi nhận biến động bất thường. Cổ phiếu này tăng giá gấp 4 lần kể từ đầu năm 2020 cho đến giai đoạn phát hành cổ phiếu vào tháng 9/2020, đạt đỉnh 16,700 đồng/cp (28/09/2020). Song, cũng từ đây, thị giá TLD lao một mạch về 5,100 đồng/cp trong vòng 3 tháng (đến 12/2021), tức “bốc hơi” tới 70%. Đến nay, TLD vẫn quanh quẩn dao động từ 5,000-8,000 đồng/cp.
Diễn biến giá cổ phiếu TLD từ năm 2020 đến nay
Những hệ lụy có thể xảy đến
Với việc cho phép huy động vốn khi được ĐHĐCĐ thông qua cũng là bước đi thích hợp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt hay tái cấu trúc hoạt động của mình.
Trong trường hợp này, công ty thu tiền mua cổ phiếu từ tay nhà đầu tư/cổ đông hiện hữu. Vấn đề chúng ta cần phải quan tâm là đánh giá xem liệu công ty sử dụng vốn tăng lên như thế nào? Nếu vốn tăng thêm được sử dụng để mang lại mức sinh lợi cao hơn chi phí vốn thì giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu công ty sử dụng vốn không hiệu quả hay mang lại mức sinh lợi thấp hơn chi phí vốn thì công ty đó không những không làm gia tăng giá trị cho cổ đông của mình mà còn làm suy giảm giá trị của cổ đông.
Hiện nay, vấn đề đáng ngại là nhiều công ty đua nhau phát hành cổ phiếu thu tiền vốn từ cổ đông nhưng mục đích sử dụng vốn, hiệu quả và thời hạn mà hiệu quả đó có thể được duy trì lại không được tường minh. Nhà đầu tư quyết định mua cổ phiếu phát hành thêm vì nghĩ rằng phát hành ưu đãi sẽ kích thích tăng giá mà chưa đánh giá kỹ càng hiệu quả sử dụng vốn tăng thêm của công ty.
Hơn nữa, nên lưu ý rằng việc một số cổ đông lớn nắm giữ lượng lớn cổ phiếu, có tính chi phối nên họ dễ dàng thông qua tờ trình/phương án huy động vốn. Hay cũng có những cổ đông biểu quyết thông qua phương án tăng vốn nhằm mục đích vực hay đỡ giá cổ phiếu, sau đó tìm cách bán lượng đang nắm giữ. Điều đó có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư đến sau.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận