Làm thế nào để dòng tiền nhàn rỗi trong dân chảy vào các quỹ đầu tư?
Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành FIDT, cho biết nguồn vốn trong dân rất lớn, và để dòng tiền này có thể chảy vào các quỹ, tạo động lực phát triển kinh tế, cần phải nâng cao dân trí tài chính. Bên cạnh đó, việc phát triển đội ngũ tư vấn tài chính cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng.
Kỳ vọng lợi nhuận đầu tư còn nhiều sự sai lệch
Theo ông Ngô Thành Huấn, ở các quốc gia phát triển, người dân có nhận thức cao về tài chính, thị trường ổn định và kỳ vọng lợi nhuận trong đầu tư được xác định rõ ràng. Ví dụ, tại Úc, khi nhà đầu tư kỳ vọng mức lợi nhuận 7-8%/năm, họ sẽ biết phân bổ tài sản vào các công cụ như chứng chỉ quỹ, trái phiếu, ETF với tỷ trọng hợp lý.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhận thức về tài chính và kỳ vọng đầu tư có sự khác biệt lớn. Kỳ vọng lợi nhuận của nhà đầu tư còn nhiều sai lệch do dân trí tài chính chưa được nâng cao.
Ông Huấn dẫn chứng, có nhà đầu tư mong muốn đạt lợi nhuận 30-40% mỗi năm để đạt được các mục tiêu như du học hay hưu trí ở tuổi 50, nhưng khi được tư vấn, họ nhận ra rằng chỉ cần lợi nhuận 10% là đủ để đạt các mục tiêu đó.
Ngược lại, một số nhà đầu tư lại chia sẻ rằng họ đã đạt lợi nhuận 20-30% mỗi năm, nhưng theo quy tắc 72 trong tài chính vĩ mô, với mức tăng trưởng bình quân 10% mỗi năm, tài sản sẽ chỉ tăng gấp đôi sau 7 năm. Thực tế, dù có dòng tiền thặng dư mỗi tháng và tốc độ tăng trưởng 20%, nhưng sau 8 năm, tài sản vẫn chưa tăng gấp đôi.
“Bản chất tài sản chỉ tăng 4-5%, mức này vẫn thấp hơn so với việc đầu tư vào các chứng chỉ quỹ mở hoặc quỹ trái phiếu”, ông Huấn cho biết thêm.
Ngoài lý do về sự nhận thức, ông Huấn còn chỉ ra ảnh hưởng của chu kỳ từng loại tài sản. Chẳng hạn, nhiều nhà đầu tư vàng từ 2013 đến 2019 đã không thấy lợi nhuận khi giá vàng giảm rồi mới quay lại mức cũ. Nếu thay vì mua vàng, họ gửi tiền vào ngân hàng, số tiền đó đã tăng lên đáng kể.
“Điều quan trọng ở đây là khả năng quản lý tài chính cá nhân của người dân Việt Nam”, ông Huấn nhấn mạnh.
Cần có một thế hệ tư vấn tài chính (Financial Advisor)
Theo ông Huấn, phần lớn người dân Việt Nam chưa quan tâm và chưa hiểu rõ các chính sách, thông tin vĩ mô về tài chính và kinh tế. Một giải pháp hiệu quả là phát triển đội ngũ Financial Advisor, giống như cách Mỹ đã làm trong những năm 1970, giúp người dân hiểu rõ về đầu tư vào các quỹ mở cổ phiếu, trái phiếu và tác động của chúng đến tương lai của họ và gia đình.
“Cần một cố vấn tài chính để giúp người dân đạt được mục tiêu tài chính”, ông Huấn khẳng định.
Để dẫn dắt dòng vốn vào các quỹ, phù hợp với khẩu vị rủi ro, năng lực và nhận thức của mỗi cá nhân, cần có đội ngũ tư vấn tài chính. Những người này sẽ truyền đạt các quyết sách vĩ mô thành ngôn ngữ tài chính dễ hiểu. “Thậm chí một bà bán trà vỉa hè cũng có thể hiểu được vì sao họ cần làm như vậy”, ông Huấn ví von.
Vì vậy, để dòng vốn từ người dân chảy vào các quỹ và góp phần phát triển kinh tế, việc xây dựng một thế hệ tư vấn tài chính cá nhân là rất cần thiết. Khi giải quyết được vấn đề này, việc đưa dòng vốn của các gia đình vào thị trường vốn và phát triển thị trường trong tương lai sẽ dễ dàng hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường