Làm rõ việc người nước ngoài sinh sống trong khu nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị UBND 2 tỉnh Bắc Giang , Bắc Ninh kiểm tra, làm rõ và giải quyết vụ người nước ngoài sống ở nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng vừa ban hành 2 công văn gửi UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thực hiện quy định pháp luật về nhà ở xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, thời gian vừa qua, báo chí phản ánh nhiều người nước ngoài thuê và sinh sống lâu dài trong các dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Bắc Ninh - nơi vốn dành cho công nhân, người thu nhập thấp.
Căn cứ Khoản 15 Điều 75 Nghị định số 100 (ngày 26/7/2024) của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ và giải quyết, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật và báo cáo kết quả giải quyết về Bộ Xây dựng trước 3/10/2024.
Một khu nhà ở xã hội tại Bắc Ninh. |
Theo quy định của Luật Nhà ở 2024, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội gồm: Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn; Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị;
Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác.
Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại Khoản 4 Điều 125 của Luật này, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật này.
Hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở; Học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập; Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.
Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội không có người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Trước đó, Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND các địa phương định kỳ hằng năm phải thực hiện công bố danh sách cá nhân được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn để tránh trục lợi chính sách.
Theo báo cáo về tình hình triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến cuối tháng 8/2024, cả nước đã hoàn thành 79 dự án với hơn 40.600 căn nhà ở xã hội. So với mục tiêu đề án là hoàn thành 428.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 thì số lượng nhà hoàn thành thấp hơn nhiều, mới đạt gần 9,5%.
Hiện có 128 dự án đã khởi công xây dựng (gần 111.700 căn hộ) và 412 dự án (hơn 409.000 căn hộ) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Như vậy, số lượng căn hộ đã khởi công, hoàn thành từ năm 2021 đến nay đạt khoảng 35,6% mục tiêu của đề án đặt ra đến năm 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận