menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Xuân Hòa

Lạm phát 2022: Ẩn số của sức cầu

Lạm phát năm nay được kỳ vọng sẽ ở mức thấp nhưng dự báo sẽ tăng mạnh trong năm sau.

Dù kỳ vọng lạm phát bật cao trong năm sau, nhưng sự lo lắng của nhiều chuyên gia không chỉ là giá hàng hóa tăng cao, mà còn là ẩn số của sức cầu.

Không nên quá lo về lạm phát

Sau khi TP.HCM và khu vực phía Nam mở cửa và khởi động lại nền kinh tế từ đầu quý IV đến nay, lạm phát vẫn đi “đủng đỉnh” dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng sau 2 tháng giảm liên tiếp với mức tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,1%, cao hơn so với tháng 10 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu.

Theo đánh giá của World Bank, xu hướng này một phần phản ánh chi phí nhóm giao thông cao hơn (tăng 3,1% so với tháng trước) do giá nhiên liệu tăng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước về các sản phẩm ngoài lương thực, thực phẩm đang phục hồi và chi phí logistics gia tăng. Giá lương thực, thực phẩm vẫn theo xu hướng đi xuống, giảm 0,2% so với tháng trước nhờ chuỗi cung ứng được duy trì ổn định.

Lạm phát 2022: Ẩn số của sức cầu

Dù vậy, lạm phát năm nay được kỳ vọng sẽ ở mức thấp nhưng sẽ vọt lên mạnh trong năm sau. Chẳng hạn, báo cáo kinh tế về Việt Nam của HSBC ước tính lạm phát năm nay đạt trung bình khoảng 1,9%, nhưng sẽ tăng lên 2,7% trong năm sau. Ngân hàng UOB thì dự báo lạm phát năm 2022 xấp xỉ 3,2%, còn Công ty Chứng khoán VNDirect ước khoảng 3,45%.

Mặc dù tăng mạnh trong năm sau và đi cùng bức tranh chung về lạm phát cao trên toàn thế giới, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, viễn cảnh lạm phát của Việt Nam không đáng ngại. Theo Tiến sĩ Yen Chen-Hui, Giám đốc Chiến lược Yuanta Investment Consulting, Đài Loan, lạm phát hiện nay là kết quả của việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng, khiến cầu cao hơn cung tạm thời, chứ không phải là lạm phát cơ bản. “Lạm phát năm sau vẫn sẽ ở mức cao, nhưng Việt Nam nên coi lạm phát tăng là bình thường. Các nhà đầu tư cũng không nên lo lắng quá mức về câu chuyện lạm phát trong năm sau”, ông Yen chia sẻ quan điểm.

Tương tự, báo cáo chiến lược của VNDirect mới đây cho rằng khả năng kiểm soát lạm phát và tỉ giá của cơ quan quản lý trong quá khứ là rất tốt, và hiện còn rất nhiều công cụ để giúp kiểm soát nên thị trường chỉ cần thận trọng chứ không nên quá lo ngại về lạm phát. Mặt khác, khả năng lạm phát sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến phía cầu chứ không chỉ là sức ép tăng giá từ phía cung. “Chúng tôi không quá lo ngại về rủi ro lạm phát trong năm tới do cầu tiêu dùng cần nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn”, báo cáo của VNDirect đưa ra nhận định.

Lạm phát 2022: Ẩn số của sức cầu

Lo đến sức cầu

Theo VNDirect, lạm phát kỳ vọng tăng mạnh trong năm sau là vì nhu cầu nội địa phục hồi, đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ của giao thông, du lịch khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ quý I.

Sức ép lạm phát còn đến từ áp lực giá chi phí đầu vào vẫn giữ mức cao trên thế giới. Mặt bằng giá hàng tiêu dùng trong năm sau cũng có thể tăng lên khi các yếu tố đầu vào như giá xăng dầu, hóa chất, phân bón, than, sắt thép... đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Giá năng lượng cũng là điểm cần chú ý, đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự báo nói rằng giá năng lượng tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm sau. Theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, thị trường cần theo dõi sát giá năng lượng đang tăng lên để tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế trong tương lai. “Hệ quả kéo theo là chi phí vận chuyển gia tăng nhanh chóng và trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong nước”, ông Tim Evans nói.

Sức cầu tiêu dùng cũng là một ẩn số trong năm sau. Theo đánh giá của HSBC, động lực chính của lạm phát là do giá năng lượng tăng, nhưng lạm phát do cầu kéo vẫn yếu. Do đó, đơn vị này cho rằng nhu cầu trong nước phục hồi từng bước có thể bù đắp cho giá năng lượng cao, đẩy lạm phát tăng lên nhưng vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của Chính phủ.

Cũng không loại trừ trường hợp xấu là sức cầu yếu đi, tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Lúc này lạm phát dường như sẽ tốt hơn là giảm phát.

Yếu tố ảnh hưởng đến sức cầu hiện vẫn là đại dịch COVID-19, đặc biệt là khi biến chủng Omicron xuất hiện. Nhằm ứng phó với số ca nhiễm tăng trở lại, nhiều địa phương như TP.HCM đã nhanh chóng thay đổi quyết định và tiếp tục tạm ngừng hoạt động trong một số lĩnh vực không thiết yếu. “Lạm phát do nhu cầu còn yếu bởi những hạn chế vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn. Điều đó đồng nghĩa với tình hình nhu cầu trong nước sẽ còn giảm trong một thời gian nữa”, ông Tim Evans đánh giá.

Lạm phát 2022: Ẩn số của sức cầu
Khả năng lạm phát sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến phía cầu chứ không chỉ là sức ép tăng giá từ phía cung. Ảnh: Quý Hòa

Cũng theo đại diện HSBC Việt Nam, yếu tố bất ổn nhất vẫn chính là COVID-19. Trong tương lai, bất kỳ đợt bùng dịch nào cũng cần được kiểm soát bằng giải pháp hạn chế hoặc giãn cách khoanh vùng thay vì áp dụng trên diện rộng như nhiều nước đã triển khai trong năm 2021 và để lại hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế.

Việc tăng hay giảm chỉ số CPI sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, đa số chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế ít nhất trong nửa đầu năm sau. “Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ giữ nguyên chính sách lãi suất ổn định để hỗ trợ cho nỗ lực phục hồi”, báo cáo của Ngân hàng UOB về triển vọng kinh tế Việt Nam quý I/2022 nhận định.

Một nỗi lo khác là khả năng tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm sau. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế của Yuanta Việt Nam, câu chuyện này sẽ không tạo nhiều ảnh hưởng vì Việt Nam có yếu tố nội lực khá mạnh mẽ với dòng vốn ngoại, dự trữ ngoại hối, xuất khẩu tăng tốc sau đại dịch. Việc tái mở cửa nền kinh tế trong bối cảnh thị trường tiền tệ ổn định, lạm phát được kiểm soát và tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam trong năm sau.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

3,546.00

+8.00 (+0.23%)

Biểu đồ mã Steel
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại