Làm gì để ứng phó với hàng nhập giá rẻ từ Trung Quốc?
Để bảo vệ nhiều lĩnh vực sản xuất quan trọng đang chịu áp lực cạnh tranh (thậm chí là bất bình đẳng) trên “sân nhà” trước hàng nhập giá rẻ từ Trung Quốc, điều mong mỏi là cần nhiều hành động cụ thể hơn nữa, từ kỳ vọng biện pháp chống bán phá giá cho đến nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý. Không những vậy, khâu hoạch định chính sách và bản thân các doanh nghiệp sản xuất nội địa cũng nên thay đổi linh hoạt để việc “chống đỡ” hiệu quả hơn.
Báo cáo mới cập nhật trong tháng 10/2024 về ngành Tôn mạ từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) có lưu ý tình trạng dư thừa sản lượng sản xuất tôn mạ và ống thép của Việt Nam tại thị trường nội địa hiện tại vào khoảng trên 1,2 triệu tấn giữa bối cảnh chịu áp lực cạnh tranh về giá với các sản phẩm tôn mạ nhập khẩu (đặc biệt là từ Trung Quốc).
Kỳ vọng biện pháp chống bán phá giá
Đơn cử như tôn mạ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam bán giá thấp hơn khoảng 30-40% so với tôn mạ do Việt Nam sản xuất. Với lượng nhập khẩu cao và phá giá từ Trung Quốc nên sản phẩm tôn mạ Việt Nam không thể cạnh tranh với tôn mạ giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước thực trạng này, từ 4 tháng trước, Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc. Thời gian điều tra xác định thiệt hại là từ 1/4/2018 đến 31/3/2024. Biên độ phá giá của thép mạ từ Trung Quốc là 69,23%.
Và theo dự kiến thời điểm áp thuế chống bán phá giá tạm thời cho sản phẩm tôn mạ rơi vào giữa tháng 12/2024 (thời gian từ lúc khởi xướng điều tra đến áp thuế chống bán phá giá tạm thời khoảng 6 tháng) và chậm nhất là cuối năm 2025 sẽ kết thúc điều tra và đưa ra kết luận có chính thức áp thuế chống bán phá giá hay không.
Như nhận định của BVSC, việc áp thuế chống bán phá giá thép mạ từ Trung Quốc sẽ giúp tăng sức cạnh tranh về giá cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất tôn mạ tại Việt Nam, kỳ vọng chậm nhất đến tháng 12/2025 sẽ chính thức áp thuế. Điều đó có thể sẽ góp phần tăng sản lượng tiêu thụ nội địa của một số DN tôn mạ hàng đầu trong nước trong năm 2025 như CTCP tập đoàn Hoa Sen (ước tính tăng khoảng 11%, đạt hơn 1 triệu tấn), CTCP thép Nam Kim (dự tính tăng 7%), CTCP Tôn Đông Á (có thể tăng 10%).
Không riêng gì ngành Tôn mạ, để bảo vệ nhiều lĩnh vực sản xuất quan trọng khác trong nước đang chịu áp lực cạnh tranh trước các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có dấu hiệu bán phá giá, điều mong đợi là các biện phòng vệ thương mại của Việt Nam cần nhanh chóng, kịp thời hơn nữa.
Thực tế cho thấy áp lực cạnh tranh (thậm chí là bất bình đẳng) của các DN sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là điều thấy rõ. Điều này được thể hiện qua số liệu báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan vừa gửi lên Thủ tướng Chính phủ cho thấy nhập siêu từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu của năm 2024 tăng cao nhất từ trước tới nay với 60,6 tỷ USD, tăng mạnh 66% so với cùng kỳ năm 2023 (tương ứng tăng 24,06 tỷ USD).
Cụ thể hơn nữa, nhập khẩu từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đạt mức cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay với 104,81 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2023 (tương ứng tăng 25,63 tỷ USD).
Ngoài việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, để “chống đỡ” sức tấn công mạnh mẽ từ hàng nhập giá rẻ của Trung Quốc vẫn cần rất nhiều hành động cụ thể hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý, khâu hoạch chính sách và bản thân các DN sản xuất trong nước.
Chẳng hạn như trước “làn sóng” hàng nhập giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập và cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường Việt Nam thông qua các kênh thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, Sở Công Thương Tp.HCM vừa đề xuất lên Bộ Công Thương là cần chặn quảng cáo hiển thị đối với các sàn TMĐT xuyên biên giới vi phạm về quảng cáo, khuyến mãi vượt 50% giá trị hàng hóa (có đưa ra dẫn chứng về vi phạm quảng cáo trên Temu - sàn TMĐT xuyên biên giới hàng đầu của Trung Quốc mới tiếp cận thị trường Việt Nam).
Phải nâng trách nhiệm quản lý
Song song đó, Sở Công Thương Tp.HCM còn đề xuất tạm ngưng hoặc đình chỉ hoạt động của các nền tảng TMĐT tái phạm nhiều lần, ban hành quy định về thuế và hải quan nhằm tạo nền tảng pháp lý cho việc quản lý hiệu quả TMĐT xuyên biên giới, đảm bảo thu thuế công bằng và kiểm soát hàng hóa chặt chẽ.
Trong vấn đề các sàn TMĐT của Trung Quốc bán hàng giá rẻ, giới chuyên gia cho rằng hành động cụ thể là các cơ quan quản lý phải kiểm soát gian lận thương mại một cách chặt chẽ và có biện pháp quản lý thu thuế một cách hiệu quả để đảm bảo công bằng cho các DN sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm các cơ quan quản lý cũng cần được nâng cao hơn nữa nhằm chủ động nắm bắt kịp các vi phạm và sớm đưa ra chế tài quản lý, xử lý. Như trường hợp sàn TMĐT Temu mặc dù chưa đăng ký với cơ quan quản lý Việt Nam nhưng mới đây lại có app (ứng dụng) cho người dùng ở Việt Nam mua bán. Điều này đặt ra dấu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý đang ở đâu?
Mặt khác, khâu hoạch định sách cũng nên tham khảo cách làm một số quốc gia, khu vực trong thời gian gần đây với hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Chẳng hạn như trong tháng 10/2024, để bảo vệ các DN nhỏ và vừa trong nước, Indonesia đã yêu cầu Apple, Google chặn ứng dụng nền tảng TMĐT giá rẻ Temu của Trung Quốc trên các cửa hàng ứng dụng tại nước này.
Thậm chí, Indonesia còn lập ra ứng dụng Tokopedia, hoàn toàn bằng tiếng Indonesia và ra điều kiện các sản phẩm Trung Quốc ít nhất sẽ phải thông qua nhập khẩu (nhà nước có thể kiểm soát thuế và chất lượng hàng hóa) rồi mới chào bán trên gian hàng Tokopedia thông qua các nhà nhập khẩu và phân phối Indonesia.
Hoặc như Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đề xuất bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu hiện tại đối với các đơn hàng có giá trị dưới 150 euro. Đề xuất này chủ yếu ảnh hưởng đến các nền tảng TMĐT của Trung Quốc gồm Temu, Shein và AliExpress, thuộc sở hữu của Alibaba.
Về phía bản thân các DN Việt, nếu muốn “chống đỡ” hiệu quả hơn trước hàng nhập giá rẻ của Trung Quốc đòi hỏi họ cũng phải có những hành động thay đổi nhất định để tăng sức cạnh tranh, từ việc giảm giá thành, đổi mới mẫu mã và nâng chất lượng sản phẩm, cùng các hình thức tiếp cận người tiêu dùng phù hợp với xu thế mới, áp dụng các công nghệ số trong bán hàng.
Như với trào lưu livestream (phát sóng trực tiếp) để bán hàng trên mạng xã hội, Ts. Jasper Teow, chuyên gia về Digital Marketing, cho rằng khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các DN Việt cần lưu ý rằng nếu livestream trở nên quá bão hòa sẽ dễ khiến người tiêu dùng cảm thấy mệt mỏi. Cho nên các nhãn hàng cần phải đưa ra những phương pháp đổi mới và sáng tạo hơn để duy trì sự quan tâm và tương tác của người mua trên các kênh livestream.
Còn theo chuyên gia Umair Akram (Đại học RMIT), các DN Việt nên chú tâm nhiều hơn về tiềm năng của các hệ thống dựa trên Trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc xác định những sản phẩm thu hút sự tương tác của khách hàng trên mạng xã hội. Họ nên phát triển những chiến lược tương tác và trải nghiệm với khách hàng thông qua công nghệ AI nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh tốt hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường