Lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng dịp cuối năm
Đầu tháng 11 đến nay, lãi suất tại nhiều ngân hàng có xu hướng tăng do nhu cầu vốn của doanh nghiệp, hộ sản xuất tăng lên.
Khảo sát trên thị trường lãi suất ngân hàng có thể thấy một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ từ 0,1 - 0,3% ở kỳ hạn dưới 3 tháng và từ 12 tháng trở lên.
Đơn cử như tại Sacombank, biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy của nhà băng này mới đây đã tăng nhiều kỳ hạn, với mức tăng phổ biến 0,4 điểm %; Eximbank cũng điều chỉnh tăng 0,1 điểm % lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và tăng 0,1-0,2 %/năm lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng.
Tương tự tại SHB, biểu lãi suất tiết kiệm của tiền gửi có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ áp dụng cho các khoản dưới 2 tỷ đồng được ngân hàng điều chỉnh tăng thêm 0,4%, lên mức 6,1% đối với kỳ hạn 24 tháng. Với các khoản tiền gửi từ trên 2 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng, SHB áp dụng mức 6,2% đối với kỳ hạn dài 24 và 36 tháng.
BaoVietBank tăng 0,15% lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm, tăng 0,1% lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6,35%/năm. Ở các kỳ hạn từ 13 - 36 tháng, lãi suất tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ được ngân hàng này áp dụng ở mức 6,5%/năm.
Mặc dù lãi suất tiết kiệm có dấu hiệu tăng nhiệt tại một số ngân hàng thương mại, song lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay vẫn được giữ ở mức 7,1%/năm. Theo đó ACB và Techcombank (TCB) là 2 ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất này.
Theo các chuyên gia, hiện lãi suất chỉ tăng nhẹ cục bộ tại một số ngân hàng nên không tác động đến mặt bằng chung lãi suất trên thị trường.
Tuy nhiên, việc lãi suất huy động bất ngờ tăng trở lại ở một số ngân hàng có thể do tác động của đợt dịch vừa qua khi nhiều tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách kéo dài. Những ngân hàng như Sacombank, Eximbank,… có thị trường chủ yếu ở phía Nam đã ghi nhận tiền gửi bị ảnh hưởng trong quý 3/2021.
Như tại Sacombank, khách hàng đã rút ròng hơn 15.000 tỷ đồng tiền gửi trong quý 3/2021, còn Eximbank cũng ghi nhận sụt giảm 55 tỷ đồng.
Trong báo cáo vừa phát hành của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, TS Cấn Văn Lực cũng đưa ra dự báo trong những tháng cuối năm, lãi suất sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp khi kinh tế bước đầu vào quá trình phục hồi.
Tuy nhiên, trong năm 2022, lãi suất sẽ chịu nhiều áp lực tăng nhẹ (đặc biệt là trong nửa cuối năm) khi kinh tế phục hồi mạnh hơn khiến nhu cầu tín dụng tăng lên và xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận