24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Lãi suất thấp hỗ trợ doanh nghiệp sống lại và trỗi dậy

Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào, một phần bởi cho vay khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới về hoạt động kinh doanh nhiều doanh nghiệp trong quý IV/2021 với tác động không nhỏ từ lãi suất thấp.

Tiền gửi dân cư tăng chậm

Chị N.H.Nhung ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại Ngân hàng S hiện là 6,42%/năm, trong khi gửi tiết kiệm online ở Ngân hàng T chỉ có 5,4%/năm mà kèm điều kiện đi cùng, còn lãi suất được Ngân hàng B niêm yết là 6,1%/năm. Chị đã quyết định gửi tiền tại Ngân hàng S.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, chị Thanh Hà, nhân viên giao dịch Ngân hàng S trên đường Nguyễn Thị Định nhận xét, việc khảo sát lãi suất các ngân hàng để chọn ra ngân hàng có lãi suất cao gần như khách hàng nào cũng thực hiện.

Chị Hà cho hay, một khách hàng lớn tuổi của Ngân hàng vừa đến giao dịch chia sẻ, do rảnh việc bởi con cháu ở nhà tự trông nhau trong bối cảnh giãn cách xã hội nên hai vợ chồng đã gọi điện thoại tới nhiều ngân hàng khảo sát xem lãi suất nơi nào cao nhất. Vị khách này còn cho xem tờ giấy ghi lại các mức lãi suất tính đến cuối tháng 8 thay đổi như thế nào so với cuối tháng 7 và đánh dấu các ngân hàng có lãi suất cao.

Theo đó, mức lãi suất tiền gửi cao nhất cho kỳ hạn 1 - 3 tháng thuộc về GPBank với 4%/năm, các ngân hàng khác dao động từ 3 - 3,5%/năm. Đối với tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, CBBank và SCB áp dụng lãi suất lần lượt là 6,35%/năm và 6,42%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại Nam A Bank và SCB là 6,8%/năm.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã giảm nhẹ lãi suất huy động như BIDV từ mức 5,6%/năm xuống 5,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng; mức giảm tại Techcombank, Sacombank, HDBank, MB từ 0,1 - 0,5%/năm, tùy từng ngân hàng và kỳ hạn.

Theo kiểm soát viên giao dịch Nguyễn Thị Tới, trong bối cảnh giãn cách nhằm phòng chống dịch Covid-19, lượng khách hàng đến giao dịch ít hơn trước, phần lớn mở sổ tiết kiệm mới và đổi sổ tiết kiệm do đến hạn, hoặc có nhu cầu bổ sung tiền gửi hay chuyển tiền cho người thân ở xa đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

“Khách hàng của Ngân hàng khá đặc thù, người cao tuổi là chủ yếu. Các bác không rành về công nghệ nên vẫn đến Ngân hàng thực hiện các giao dịch theo kiểu truyền thống”, chị Tới nói.

Thực tế, nhiều người vẫn có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, dù không ít doanh nghiệp đang “lùng sục” tìm khách hàng để chào mua trái phiếu với lãi suất gấp 1,5 - 2 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Dữ liệu thống kê cho thấy, người dân gửi nhiều tiền hơn vào ngân hàng tính từ tháng 7/2020 đến cuối tháng 6/2021. Tuy nhiên, so với cùng kỳ nhiều năm trước, tăng trưởng tiền gửi ở mức thấp nhất. Con số tuyệt đối của cùng kỳ năm 2019 và 2020 lần lượt là 348.400 tỷ đồng và 245.850 tỷ đồng.

Xét giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng ròng tiền gửi của dân cư trong hệ thống ngân hàng bình quân khoảng 330.000 tỷ đồng/nửa đầu năm. Năm 2013 và 2014, lãi suất huy động phổ biến từ 7 - 9%/năm, tăng trưởng tiền gửi của dân cư cùng kỳ so sánh từng lên tới 13,55% và 9,83%. Nhưng cùng kỳ hai năm gần đây, tiền gửi dân cư chỉ tăng 3,37% tại tháng 4/2020 và thấp nhất là tăng 2,34% tại tháng 4/2021.

Lãi suất cho vay có thể giảm thêm

“Lượng khách gửi tiết kiệm giảm so với những năm trước, nhưng thanh khoản toàn hệ thống vẫn đang rất dồi dào”, bà Trịnh Thị Thanh, Giám đốc Nguồn vốn SCB cho biết.

Ngân hàng Nhà nước tăng cường giám sát các ngân hàng trong việc thực hiện cam kết giảm lãi suất, để doanh nghiệp có sự hỗ trợ thực chất nhất.

Tuần cuối tháng 8/2021, các hoạt động thị trường mở không phát sinh giao dịch mới, trong khi đó, việc thực hiện các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng giai đoạn tháng 1 và tháng 2 đã kết thúc với tổng giá trị thực hiện ước tính khoảng 5,5 tỷ USD, thấp hơn so với lượng đăng ký do có một số hợp đồng bị hủy ngang. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trong tuần giảm 6 - 11 điểm cơ bản, kết thúc tuần ở mức 0,75%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 0,90%/năm cho kỳ hạn 1 tuần. Như vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm khoảng 15 điểm cơ bản trong tháng 8, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào nhờ nguồn cung VND từ hợp đồng bán ngoại tệ.

“Thanh khoản dồi dào cũng một phần bởi cho vay khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước. Như tại chi nhánh của tôi, KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) là “an toàn sức khoẻ là số 1”. Thời điểm này không thể đốc thúc nhân viên tìm kiếm khách hàng vay vốn bởi quá rủi ro về mọi mặt”, giám đốc một chi nhánh Ngân hàng T tại Bắc Ninh chia sẻ.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể tăng trưởng khoảng 4,8% với giả định đợt dịch Covid-19 hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để kinh tế phục hồi trong quý IV.

Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin diện rộng, sao cho ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch mới. Trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ vẫn sẽ là nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách khác nhau và cho phép tái cơ cấu các khoản nợ.

Đồng thời, Chính phủ có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công. Các dự án này đang gặp khó khăn do biện pháp hạn chế đi lại liên quan đến đợt bùng phát dịch kể từ cuối tháng 4, nhưng dự kiến sẽ được triển khai hết tốc lực trong quý cuối năm. Các cấp có thẩm quyền cần mở rộng hỗ trợ tài chính thông qua kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt và trợ giá, như đã bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 7, mặc dù kết quả triển khai có tốt hay không còn phụ thuộc vào phạm vi của gói hỗ trợ và khả năng tiếp cận những người lao động bị mất việc làm.

“Đối với khu vực kinh tế đối ngoại, dự báo trên giả định rằng quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn ra sẽ đảm bảo duy trì nhu cầu cao đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ở những thị trường xuất khẩu chủ lực”, bà Dorsati Madani nói.

Theo đó, các doanh nghiệp có cơ hội “sống lại và trỗi dậy” và lãi suất cho vay thấp sẽ là đòn bẩy vốn giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Liên quan đến lãi suất, Ngân hàng Standard Chartered vừa hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống 4,7% cho năm 2021, đồng thời nhận định, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất đầu vào giảm sẽ hỗ trợ lãi suất đầu ra giảm và mức giảm khoảng 0,5%/năm là phù hợp.

Giám đốc tiền tệ một ngân hàng nước ngoài 100% vốn tại Việt Nam cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường giám sát việc thực hiện những cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để doanh nghiệp có sự hỗ trợ thực chất nhất. Các ngân hàng hiện nay phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết với cơ quan quản lý.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả