Lãi suất cho vay “đủng đỉnh”, doanh nghiệp địa ốc lo lắng
Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã bắt đầu giảm, nhưng lãi suất cho vay thì vẫn “đủng đỉnh”, mới chỉ giảm nhẹ, khiến các doanh nghiệp bất động sản “đứng ngồi không yên”.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm một số loại lãi suất điều hành thêm 0,5 - 1%/năm, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động tiền gửi.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) công bố biểu lãi suất mới cao nhất là 9% cho tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, giảm 0,2 - 0,5% so với mức lãi suất đầu tháng 3. Chỉ còn một số ngân hàng duy trì mức lãi suất cao nhất trên 9%/năm.
Lãi suất huy động tiền gửi bao giờ cũng tăng - giảm tỷ lệ thuận với lãi suất cho vay. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, lãi suất huy động tiền gửi đã giảm 2 - 3%/năm so với đầu năm, mà lãi suất cho vay thì vẫn “đủng đỉnh”, chỉ giảm 0,5 - 1%/năm.
Cụ thể, lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng thương mại áp dụng cho cá nhân vẫn duy trì mức 13 - 14,5 %/năm; áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp khoảng 10 - 13 %/năm, tùy theo từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể.
Việc giảm lãi suất “không đều” này của các nhà băng khiến nhà đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản “đứng ngồi không yên”.
Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý nhà toàn cầu (Global Home) chia sẻ, nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, lãi suất cho vay cao sẽ giúp kiểm soát thị trường bất động sản khỏi những đợt tăng trưởng nóng, sốt đất. Song, điều này cũng gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh và đầu tư trên thị trường.
Khi lãi suất cho vay cao, những người dân có nhu cầu vay vốn để mua bất động sản sẽ phải cân nhắc, tính toán rất kỹ về khả năng trả nợ. Lãi suất cao không những khiến lợi nhuận của nhà đầu tư bị ảnh hưởng, mà còn có thể gây ra rủi ro với những khách hàng dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản.
“Hệ quả là, các doanh nghiệp lâm vào khó khăn khi thị trường chậm thanh khoản, dự án khó bán hàng, chậm thu hồi dòng tiền”, ông Thành nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property cũng cho rằng, lãi suất cho vay giữ ở mức cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến “sức khỏe” của doanh nghiệp bất động sản trên nhiều khía cạnh, trước hết là về thanh khoản. Thị trường chậm thanh khoản, các doanh nghiệp cạn dòng tiền, các dòng vốn đều ách tắc, trong khi thời hạn trả nợ trái phiếu đang đến gần. Khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối diện là rất lớn.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới. Qua đó, định hướng để giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước là bước đầu tiên trong quá trình nới lỏng tiền tệ. Nếu các diễn biến kinh tế đồng thuận cho quá trình này, có thể, tới đây sẽ có các đợt giảm trần lãi suất huy động và giảm lãi suất điều hành.
Tuy nhiên, muốn kéo giảm lãi suất cho vay xuống 8 - 9%/năm, cũng phải có lộ trình, cần có độ trễ để các ngân hàng trung hòa hết vốn lãi cao. Do vậy, có thể khoảng 1 - 3 tháng tới, lãi suất cho vay mới có thể giảm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận