Lãi suất cho vay bao giờ chạm tới doanh nghiệp?
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay VND phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 9,3%/năm.
Lãi suất cho vay giảm chậm
Cụ thể, phân tích về tình hình diễn biến lãi suất thời gian qua và mặt bằng lãi suất hiện nay, NHNN cho biết, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và của Chính phủ. Nhưng áp lực trong lẫn ngoài đối với lãi suất vẫn còn cao.
Trong đó, có yếu tố đáng lưu ý là hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống là trung dài hạn) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động.
Theo báo cáo của NHNN, đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã dần ổn định, nhiều NHTM đã giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay VND phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 9,3%/năm (giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022).
Dữ liệu từ thị trường và các Công ty Chứng khoán phản ánh, lãi suất vẫn đang neo cao.
Trước đó (trước báo cáo của NHNN cách một tuần), nhiều doanh nghiệp trong một hội thảo nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng đã kiến nghị lên Thống đốc NHNN là xem xét làm sao để hạ lãi suất vay, thậm chí mong được hạ lãi suất ngay trong tháng 5 này để các NHTM qua đó cũng sẽ hạ lãi suất cho vay xuống dưới 10%.
Theo dữ liệu của CTCK DSC, tại cuối tháng 4/2023, với tác động tích cực từ giảm lãi suất điều hành, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi của các NHTM đã giảm trung bình ~0,5% (kì hạn dưới 6 tháng) và ~1,5 - 2% (kì hạn trên 6 tháng).
Tuy nhiên, lãi suất cho vay đến doanh nghiệp thực tế mới chỉ giảm 0,5 - 1%, lãi suất cho vay trung bình (>12 tháng) vẫn đạt 11-13%, tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp.
Bao giờ lãi suất vay chạm tới doanh nghiệp?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các dữ liệu kinh tế đang dẫn đến khả năng NHNN có thể giảm lãi suất điều hành thêm trong quý II.
Trong đó, yếu tố hấp thụ tín dụng thấp và đặc biệt “tăng trưởng kinh tế chững lại” - như nhận xét của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - khiến thị trường kỳ vọng giảm lãi suất để hỗ trợ lấy lại đà phục hồi sẽ diễn ra sớm hơn, bên cạnh là sự mở rộng tài khóa để kích thích tăng trưởng.
Thống đốc NHNN đã khẳng định: Thời gian tới, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN sẽ nghiên cứu điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời tiếp tục khuyến khích các TCTD triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chứng khoán DSC phân tích, lãi suất cho vay giảm chậm đến từ 2 nguyên nhân: (1) cung tiền tăng trưởng thấp - tính đến cuối tháng 2, tổng cung tiền (M2) chỉ tăng 0,3% (so với T12/2022) và (2) nợ xấu tăng cao - nợ xấu đã tăng từ 2% (Q4) lên tới 2,9% (cuối tháng 4).
Với NHNN đề xuất tiếp tục giảm lãi suất điều hành và nhiều gói hỗ trợ (ví dụ gói 120.000 tỷ hỗ trợ cho vay BĐS) được ban hành, DSC kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn trong quý 2 này.
Trên thực tế, các NHTM cũng đã và đang hạ lãi suất đầu vào đặc biệt từ tháng 5. Nhưng đi sâu vào số liệu sẽ thấy chủ yếu các NHTM vẫn giảm lãi suất huy động sâu cho các kỳ hạn dưới 6 tháng (theo tác động hạ trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng của NHNN).
Thống kê chung về lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, Chứng khoán VNDirect cho rằng của các NHTM đã giảm 50 điểm cơ bản so với mức đỉnh trong tháng 1/2023, hiện đang dao động từ 7,1% - 8,4%. Công ty này đặt kỳ vọng lãi suất huy động sẽ giảm thêm cho đến cuối năm 2023, dựa trên những lý do sau: Thứ nhất, Fed có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá VND cũng như lãi suất của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023. Thứ hai, nhu cầu tín dụng suy yếu do các doanh nghiệp hạn chế mở rộng hoạt động kinh doanh do lo ngại về tiêu dùng suy yếu. Ngoài ra, thị trường bất động sản nhà ở ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Tính đến ngày 25/4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,75% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,2% cùng kì năm trước. Thứ ba, Chính phủ thúc đẩy đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 12 tháng (của cả NH tư và NH quốc doanh) sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống 7,0%/năm trong 2023”, ông Đinh Quang Hinh - Chuyên viên phân tích VNDirect - nhận định.
Như vậy, tiền đề của giảm lãi suất vay chạm tới doanh nghiệp - tức chạm tới kỳ vọng lãi suất vay dưới 10% của doanh nghiệp trên thực tế và với hầu hết mọi khoản vay - đang được đặt ra ở phía “nghiên cứu, xem xét” của nhà điều hành, làm sao để có thể tạo động lực cho lãi suất huy động kỳ hạn dài có thể giảm xuống như kỳ vọng. Bởi với lãi suất kỳ hạn dài đang dao động 7,1% - 8,4%, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay chỉ lấy ở mức thấp 3%, thì lãi suất cho vay thực tế cũng đã khó về dưới 10%. Chưa kể, chênh lệch này có thể chưa tính toán phí, bảo hiểm.v.v
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng như bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc, cũng chia sẻ là NHNN phải đảm bảo cùng lúc nhiều mục tiêu, lãi suất không phải là mục tiêu duy nhất. Bên cạnh đó, tỷ lệ dư nợ/GDP của Việt Nam cao theo thống kê của World Bank là trong 4 nước có tỷ lệ này cao nhất thế giới; Ngoài ra là rủi ro của hệ thống tài chính toàn cầu, khiến nhà điều hành sẽ không thể chỉ nhìn lạm phát thấp, tăng trưởng cần vốn, doanh nghiệp chờ lãi suất thấp... để có thể lập tức ra quyết định.
Một chuyên gia vì vậy cho rằng NHNN tạm thời "cõng áp lực" nhưng dư địa thực tế không còn lớn. "NHNN đã và đang phải chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí, vận động họ hạ lãi suất cho vay. Điều này cũng cho thấy cái khó của nhà điều hành trong bối cảnh hiện nay".
Từ đầu tháng 5 đến nay, thị trường đã chứng kiến các đợt giảm lãi suất đầu vào của các NHTM:
Vietcombank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng còn 4,6%/năm, 3 tháng còn 5,1%/năm, 6-9 tháng còn 5,8%/năm. Lãi suất từ 12 tháng trở lên được duy trì ở 7,2%/năm. Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2%, xuống 7,2%/năm.
VietinBank cũng áp dụng lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 3 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm; từ 2 đến dưới 6 tháng giảm từ 5,4%/năm xuống 5,1%/năm...
Agribank giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,2%/năm xuống còn 7%/năm, lãi suất các kỳ hạn 1-2 tháng tại Agribank hiện là 4,6%/năm và 3-5 tháng là 5,1%/năm.
BIDV áp dụng lãi suất tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ dành cho khách hàng cá nhân từ 3,1%/năm - 5,5%/năm dành cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng. Lãi suất gửi tiền tại kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng sẽ được hưởng lãi suất là 4%/năm, không đổi so với trước. Ngoài ra lãi suất ngân hàng BIDV dành cho kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng đồng loạt ở mức là 5,5%/năm. Đây cũng là lãi suất cao nhất ghi nhận được trong tháng 5.
Dữ liệu tại 19/5 của WiChart ghi nhận lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng của MBB, ACB, TCB và VPB là 5,1%; 6-9 tháng là 6,9% và 13 tháng là 7,2%. Như vậy, nhóm này cũng đã giảm nhẹ lãi suất đầu vào chẳng hạn như mức giảm của VPB ở khoảng 0,2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Trong khi đó ở nhóm NHTM nhỏ hơn, sự phân hóa diễn ra khi một số NH có khả năng cho vay ra vẫn giữ lãi suất huy động nhích hơn so với mặt bằng, trong khi 1 số TCTD tuột dốc tăng trưởng dư nợ, khó cho vay ra, đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động sâu. Chẳng hạn như tùy từng kỳ hạn mà lãi suất của OCB, ABBank vẫn từ 7,7-9%; lãi suất của SCB thì giảm xuống kỳ hạn 6 tháng giữ mức cao nhất 7,46%, trong khi kỳ hạn 24 tháng chỉ còn 6,59%...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận