Lãi của Habeco dự kiến giảm hơn 370 tỷ đồng
Các thương hiệu bia thuộc Habeco đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng loạt sản phẩm cùng phân khúc của các đối thủ. Ban lãnh đạo công ty đặt kế hoạch lãi năm nay chỉ khoảng 255 tỷ đồng.
Tự tin nắm 38,5% thị phần về sản lượng
Trong nội tại, Tổng Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã: BHN) đang loay hoay với thoái vốn tại công ty thành viên có kết quả kinh doanh thua lỗ cũng như trái ngành.
Còn ngoài thị trường, các thương hiệu bia thuộc Habeco đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với hàng loạt sản phẩm cùng phân khúc của các đối thủ, với các cái tên mà ban lãnh đạo Habeco nhắc đến là Heineken Việt Nam, Sabeco và Carlsberg.
Lượng bia được tiêu thụ nội địa trong năm qua sụt giảm mạnh so với năm 2019 vì tác động kép của dịch bệnh và Nghị định 100.
Ban lãnh đạo Habeco cho rằng, sản lượng tiêu thụ của Habeco cũng như Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) có mức giảm tương đương nhau và khu vực miền Bắc, Bắc Trung Bộ (thị trường chính của Habeco), lượng bia được tiêu thụ có sự sụt giảm mạnh hơn so với các khu vực khác trên cả nước.
Dù vậy, ban lãnh đạo Habeco tự tin doanh nghiệp này vẫn giữ vị trí là nhà sản xuất dẫn đầu tại khu vực nói trên.
Cụ thể, sau thời gian giãn cách xã hội trong quý I và đầu quý II/2020, Habeco đã có sự phục hồi phục hồi mạnh mẽ trong 3 tháng liên tiếp vào mùa hè và hết năm 2020, công ty này có 38,5% về thị phần về sản lượng.
Kết quả năm 2020, tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm của Habeco đạt 309,9 triệu lít, trong đó 307,8 triệu lít là bia các loại.
Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính (đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) đạt 5.893 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 625,3 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch 52,2%.
Ban điều hành Habeco cho rằng, các đối thủ đối thủ cạnh tranh trong năm vừa qua đã tập trung nguồn lực rất lớn vào việc thực hiện các chương trình khuyến mại xuyên suốt trong năm, đầu tư rất nhiều cho hệ thống phân phối.
Đồng thời, các đối thủ liên tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới nhằm đa dạng danh mục sản phẩm và cạnh tranh trực tiếp vào phân khúc phổ thông, vốn được cho là thế mạnh của Habeco.
Cụ thể, tháng 04/2020, Heineken Việt Nam tung ra sản phẩm bia Việt và 2 tháng sau đó, Sabeco ra mắt bia Lạc Việt.
“Đây là những sản phẩm thuốc phân khúc phổ thông cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm bia Hà Nội. Tháng 09/2020, Sabeco tiếp tục tung sản phẩm Saigon Chill thuộc phân khúc cao cấp với mục tiêu cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm Hanoi Premium, Hanoi BOLD và Hanoi Light. Carlsberg cũng cho thấy những nỗ lực bằng việc mở rộng hệ thống phân phối các sản phẩm HUBA tại thị trường miền Bắc”, theo báo cáo của ban lãnh đạo Habeco.
Năm nay, Habeco đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vị thế số 1 tại thị trường miền Bắc và Bắc miền Trung, đưa ra thị trường khoảng 280 triệu lít (trong đó khoảng 278,2 triệu lít bia); tái cơ cấu danh mục thương hiệu và sản phẩm để nâng cao thị phần tại các khu vực.
Hiện Bộ Công Thương là cổ đông chi phối với gần 82% vốn đang xem xét về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 của Habeco.
Khó thoái vốn vì không ai mua khoản lỗ
Habeco đang loay hoay trong việc thoái vốn tại công ty thành viên có kết quả kinh doanh thua lỗ và thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Cụ thể, với kết quả kinh doanh thua lỗ, tình hình tài chính của Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) đang tiềm ẩn rủi ro cao.
Từ năm 2018, Habeco đã tiến hành các công việc cần thiết để thoái toàn bộ phần vốn tại Halico và mong muốn được thực hiện chào bán cổ phần tại Halico cho các nhà đầu tư khác.
Đồng thời, công ty này đã xây dựng phương thức thoái vốn, tuy nhiên các phương thức đều đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc.
Nguyên nhân do kết quả kinh doanh thua lỗ, Halico không đáp ứng được các điều kiện về chào bán theo phương thức đấu giá công khai theo quy định tại Luật chứng khoán, đồng thời, biên độ giá giao dịch và tính thanh khoản của cổ phiếu này trên thị trường ở mức rất thấp.
Do đó, Habeco chưa thể thực hiện được việc chào bán thông qua hình thức giao dịch khớp lệnh trên sàn và đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phương án thoái vốn, cập nhật tiến độ cũng như vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để báo cáo, đề xuất ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương- đơn vị nắm 81,79% vốn của Habeco.
Còn về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Habeco đang góp vốn đầu tư tại 05 công ty hoạt động ngoài ngành bao gồm 03 trong hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (Công ty cổ phần Harec Đầu tư và Thương mại; Công ty cổ phần bất động sản Lilama và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Habeco), 01 công ty đào tạo (trường đại học Công nghiệp Vinh) và 01 công ty hoạt động kinh doanh tổng hợp (Công ty cổ phần sành sứ thủy tinh Việt Nam).
04/05 đơn vị nêu trên đều có kết quả kinh doanh yếu kém (trừ Harec Đầu tư và Thương mại).
Thế nên, hiệu quả công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Habeco trong những năm qua chưa đạt kỳ vọng và có 02 khó khăn, vướng mắc chính được ban lãnh đạo Habeco đưa ra.
Thứ nhất, chưa có văn bản hướng dẫn phương thức chào bán cổ phần thông qua đấu giá đối với các công ty chưa phải công ty đại chúng.
Đồng thời, việc chuyển nhượng vốn có thể được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng, tuy nhiên do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị này kém hiệu quả, gây khó khăn trong việc tìm đối tác chuyển nhượng cổ phần.
Thứ hai, đối với Công ty cổ phần sành sứ thủy tinh Việt Nam đã đăng ký giao dịch chứng khoán trên Upcom nhưng kết quả kinh doanh thua lỗ và khoản lỗ lũy kế tại đơn vị này khiến việc thoái vốn càng trở nên khó khăn (tương tự tại Halico).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận