Lạ lùng chưa, giá đất ở đây đang tăng chóng mặt theo cục bê tông
Những ngày gần đây, giá đất tại nhiều xã thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hoà) đang tăng chóng mặt sau khi những thông tin đồn thổi về một đại dự án sắp được đầu tư xây dựng ở đây. Đáng chú ý, việc nhiều nhóm người từ nơi khác đến chôn các trụ bê tông cắm mốc có ghi những ký tự “mập mờ” càng khiến cho giá đất sôi sục.
Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, trên nhiều tuyến đường thuộc các xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) xuất hiện nhiều nhóm người đi ô tô bán tải chở các khối bê tông nhỏ hình vuông rồi chôn dọc hành lang đường.
Trên bề mặt những khối bê tông này có ký hiệu và dòng chữ như “điểm toạ độ”, “BTN&MT” cùng với đó là kí hiệu làm người quan sát dễ liên tưởng đến tên gọi của một tập đoàn bất động sản lớn.
Đáng chú ý là theo phản ánh của người dân địa phương, ngay sau khi những điểm mốc được chôn xuống thì giá đất ở đây cũng được đẩy lên chóng mặt. Cụ thể, giá đất khu vực này trước đây cao lắm cũng chỉ tầm 70 triệu đồng một mét ngang thì nay đã tăng lên 100 triệu, thậm chí có vị trí được “hét” lên đến 130 triệu đồng.
Theo tìm hiểu, việc giá đất đang tăng dựng đứng ở Cam Lâm xảy ra ngay sau khi có những thông tin về việc một tập đoàn bất động sản lớn đang đề xuất đầu tư dự án ở đây. Những người đang tạo “sóng” chủ yếu là đến từ địa phương khác, lý do giá đất tăng là để đón đầu trước khi đại dự án trên thành hình.
Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Cam Lâm khẳng định, thông tin doanh nghiệp xin đề xuất dự án ở địa phương là có thật song đây chỉ là bước đầu chưa chưa có chủ trương cũng như phê duyệt dự án gì cả.
Lãnh đạo huyện cũng cho biết, hiện có nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin trên để gây sốt đất ảo, phục vụ mục đích phân lô bán nền… địa phương này cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và quản lý đất đai trên địa bàn.
Anh Bình, một nhà đầu tư bất động sản cho biết, những gì đang diễn ra ở Cam Lâm cũng tương tự như Bình Ba (Bà Rịa – Vũng Tàu) năm 2020 hay Hớn Quản (Bình Phước) đầu năm 2021.
Điểm chung của những cơn sốt đất này là một nhóm người lợi dụng thông tin chưa rõ ràng về một dự án cơ sở hạ tầng hay một doanh nghiệp lớn xin làm dự án đô thị để thổi giá đất nhằm trục lợi.
Cụ thể, tại Bình Ba ngay sau khi có thông tin về việc một tập đoàn đề xuất xin khảo sát thực hiện hai dự án quy mô hơn 800ha thì cơn sốt đất diễn ra từng ngày. Giá đất mặt tiền tuyến đường nơi khu vực khảo sát từ 200 – 250 triệu đồng/ một mét ngang chỉ trong vài ngày đã chạm ngưỡng 550 – 600 triệu đồng.
Tuy nhiên, cơn sốt đất chỉ xảy ra khoảng hai tuần rồi hạ nhiệt. Khu vực trở lại yên bình, nhiều nhà đầu tư ôm đất sau cùng không thoát được, trong khi thông tin dự án của tập đoàn kia cũng không còn xuất hiện.
Tương tự tại Hớn Quản, chỉ từ một đề xuất xin khảo sát xây dựng sân bay lưỡng dụng của lãnh đạo tỉnh này đã khiến giá đất leo thang. Thời điểm đó, nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về, ô tô nối đuôi nhau ken kín những nẻo đường quê. Thậm chí, nhiều vườn điều, cao su nhanh chóng được đốn hạ, san ủi để phân lô bán.
Giá đất mặt tiền tuyến đường liên xã từ 100 triệu đồng một mét ngang trong vài ngày đã tăng lên 300 – 400 triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng như cơn sốt đất khác, cơn sốt đất này nhanh chóng nguội lạnh. Hệ quả để lại là người dân, những người đầu tư “đu đỉnh” và chính quyền địa phương phải giải quyết.
Theo anh Bình, đây thực chất là cuộc chơi của những nhóm “đội lái”. Những người này có tài chính và nắm bắt các thông tin nhanh nhạy và sớm hơn. Họ là những người tạo ra cơn sốt đất, đẩy giá đất đạt đỉnh chốt lời rồi rút lui. Những người nhảy vào sau cùng sẽ “chết chìm”.
“Với những người đã có kinh nghiệm thì không khó để tránh những cơn sốt đất ảo này, tuy nhiên với những người mới lần đầu hoặc quá máu lửa, ham giàu nhanh vì giá tăng liên tục sẽ rất dễ lãnh hậu quả”, anh Bình nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận