Kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng
Nhiều cơ sở để khép lại năm 2023, kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù còn nhiều vấn đề cần giải quyết, sẽ hướng tới tiếp tục củng cố nền tảng, phát triển ổn định, lành mạnh.
Tính cuối tháng 11/2023, theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, đã có 77 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với khối lượng 220 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã tích cực bố trí nguồn lực thanh toán TPDN đến hạn và thực hiện đàm phán với nhà đầu tư cũng như tái cơ cấu và gia hạn TPDN nhằm giảm áp lực trả nợ gốc, lãi khi TPDN đáo hạn.
Thị trường TPDN còn nhiều dư địa phát triển
Khối lượng mua lại TPDN tính đến hết tháng 11/2023 đạt 207,5 nghìn tỷ đồng; gần 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp đã có phương án đàm phán.
Đánh giá chung về thị trường tài chính năm 2023, trong đó có thị trường chứng khoán (TTCK), trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, mặc dù đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chính trị thế giới, TTCK Việt Nam vẫn cho thấy vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Nói riêng về thị trường TPDN, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, quản lý giám sát để vừa ổn định, khôi phục niềm tin của thị trường TPDN, vừa chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tăng cường thanh tra, giám sát, đẩy mạnh việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để lành mạnh hóa thị trường.
"Các chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành đã góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, giãn áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn". "Trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu phục hồi, doanh nghiệp tăng nhu cầu tiếp cận vốn để đầu tư, việc phát triển thị trường TPDN là rất cần thiết để cung ứng nguồn vốn dài hạn, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, với quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng sự vào cuộc chung tay của các doanh nghiệp, người dân, thị trường bảo hiểm, chứng khoán, TPDN còn nhiều dư địa phát triển, sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Chờ đợi những chính sách mới trong năm 2024
Mặc dù vậy, vẫn phải nhìn nhận trên thị trường TPDN, khép lại 2023, vẫn còn những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của giai đoạn 2022 và những tác động từ thị trường bất động sản vẫn còn chưa hoàn toàn phục hồi mạnh mẽ trở lại.
Năm 2023, ngân hàng dẫn đầu về phát hành TPDN (51% tổng giá trị toàn thị trường). Xếp sau là nhóm ngành bất động sản (BĐS) với tổng giá trị phát hành đạt 77.100 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), chiếm tỷ trọng 29%. Các doanh nghiệp BĐS phát hành giá trị lớn nhất gồm có: Công ty TNHH Capitaland Tower (12.200 tỷ đồng), CTCP Vinhomes (9.000 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô Thị Hưng Yên (7.200 tỷ đồng). Ngân hàng và BĐS cũng là 2 nhóm dẫn đầu về giá trị TPDN mua lại trước hạn trong năm qua; trong khi đó nhóm BĐS sẽ có khối lượng TPDN đáo hạn cao nhất toàn thị trường trong 2024
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong năm 2024, giá trị trái phiếu đáo hạn được dự báo đạt đỉnh với khoảng 329.500 tỷ đồng, cao nhất trong ba năm qua (tăng hơn 21% so với năm 2023 và gấp 2,3 lần giá trị trái phiếu đáo hạn trong năm 2022).
Dự kiến chỉ riêng nhóm ngành bất động sản, trái phiếu đáo hạn vào năm 2024 đã lên tới hơn 123.000 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, để thị trường TPDN dần tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân hoặc phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần phải có thời gian và thông qua một tiến trình chuyển đổi phù hợp. Cùng với đó, rất cần thiết để gia hạn thời gian áp dụng hai quy định nói trên tại Nghị định số 08/2023 thêm 12 tháng, tức đến hết năm 2024 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cũng như thị trường có thêm thời gian phục hồi.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Tài chính tổ chức vào cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp nhằm kiểm soát tốt dòng tiền, không để xảy ra rủi ro mất an toàn thị trường tài chính. Với thị trường TPDN, Bộ Tài chính cần có giải pháp đa dạng hoá sản phẩm, hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức. Bộ Tài chính cần rà soát khả năng chi trả của doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn thanh toán năm 2024. Từ đó, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ, tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư.
Đáng chú ý, riêng với Nghị định 08/2023 (về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần sớm có báo cáo tới Chính phủ. “Nghị định 08 với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chỉ còn vài ngày sẽ hết hiệu lực. Tôi đã yêu cầu Bộ Tài chính đánh giá về nghị định này. Bộ Tài chính cần sớm báo cáo Chính phủ về việc có tiếp tục kéo dài một số quy định của Nghị định 08 hay không”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu.
Bên cạnh kỳ vọng sẽ có chính sách xem xét và gia hạn một số nội dung của quy định của Nghị định 08 vào đầu năm 2024, các chuyên gia cho rằng những động thái xem xét, sửa đổi chính sách từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng sẽ có ý nghĩa hỗ trợ cho thị trường TPDN trong năm mới.
Trong đó, việc NHNN triển khai lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, với nhiều quy định mới sẽ góp phần hỗ trợ theo dõi, giám sát tình hình sử dụng tiền thu được từ phát hành TPDN, tăng cường minh bạch thông tin, hỗ trợ thị trường TPDN phát triển bền vững; đồng thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng mua - bán TPDN không bị hạn chế về thời gian và các điều kiện kèm theo như quy định trước đây.
"Trong thời gian tới, khi thị trường TPDN chưa hoàn toàn tỏa hấp lực để hấp dẫn nhà đầu tư cá nhân tham gia, việc tiếp thêm nguồn lực để tạo thanh khoản và hỗ trợ các tổ chức phát hành huy động vốn và vô cùng cần thiết để tăng tốc đầu tư, sản xuất, đẩy mạnh phục hồi và cải thiện sức khỏe tài chính, khả năng thanh toán trong năm 2024. Tuy nhiên, để tiếp thêm dư địa cho thị trường TPDN, vẫn rất cần cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khung chính sách liên quan đến các quy định nhằm nâng cao chất lượng minh bạch thông tin và đánh giá hàng hóa của tổ chức phát hành ra công chúng, chẳng hạn như xếp hạng tín nhiệm nhằm tạo ra các công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Đồng thời, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trường giao dịch trái phiêu riêng lẻ với sự hiện diện đầy đủ của các tổ chức phát hành, đã phát hành và bắt buộc thực hiện đăng ký niêm yết trái phiếu theo quy định", một chuyên gia khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận