Kỳ vọng hệ sinh thái của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Petrolimex tham gia cuộc đua tỷ USD
Định hướng phát triển của Petrolimex trong thời gian tới là tham gia cuộc đua bán lẻ và hậu thuẫn cho hướng đi mới này hệ sinh thái của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Theo đó, nếu thương vụ sáp nhập giữa HDBank và PGBank thành công thì Petrolimex với vai trò là cổ đông lớn của HDBank sẽ có nhiều lợi thế trong cuộc đua bán lẻ.
CTCP Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) vừa công bố định hướng phát triển của Petrolimex trong thời gian tới với một điểm nổi bật là khai thác tối đa mạng lưới bán lẻ rộng khắp cả nước để mang lại các nguồn lợi nhuận khác ngoài xăng dầu.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra mới đây, ban lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã: PLX) đã tiết lộ về tiến trình sáp nhập giữa PGBank và HDBank sau hơn 1 năm công bố.
Theo ông Lưu Văn Tuyển, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Petrolimex, lộ trình thoái vốn tại PGBank đã được Petrolimex xây dựng từ năm 2015 khi ký hợp đồng với Vietinbank. Tuy nhiên đến tháng 4/2018 tập đoàn đã ký hợp đồng sáp nhập PGBank với HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về mặt nguyên tắc. Việc phối hợp giữa HDBank và PGBank trong quá trình sáp nhập rất tốt và vẫn đang chờ quyết định cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước. Theo lãnh đạo PLX, kỳ vọng trước tháng 6/2020 thương vụ này sẽ hoàn thành.
Petrolimex gặp gỡ nhà đầu tư
Theo công ty chứng khoán Bản Việt, tập đoàn Petrolimex hiện nắm giữ 40% cổ phần tại PGBank và là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này. Sau khi hợp nhất giữa HBBank và PGBank, Petrolimex sẽ sở hữu 5,8% cổ phần của HDBank, đồng thời ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường khoảng 730 tỷ đồng (theo giá hiện tại của HDBank là trên 28.000 đồng/cổ phiếu), giúp lợi nhuận năm 2020 tăng thêm khoảng 15%.
Tuy nhiên, đó có lẽ không phải là mục tiêu cao nhất mà “ông lớn” xăng dầu hướng đến. Mà hơn thế nữa, cú bắt tay với ngân hàng của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ giúp các bên khai thác tối đa mạng lưới bán lẻ rộng khắp cả nước để mang lại nguồn lợi lớn hơn cho cả 2 bên.
Theo đó, sự hợp tác này không những bổ sung lợi thế về quy mô và nguồn lực tài chính cho HDBank và PGBank (Quy mô ngân hàng sau sáp nhập lên tới trên 11.000 tỷ đồng) mà còn góp phần mở rộng khả năng phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có của cả Petrolimex và HDBank, đặc biệt là hoạt động bán lẻ và hoạt động dịch vụ do mạng lưới phân phối lớn hơn.
Đối với HDBank, đây là cơ hội để nhà băng này mở rộng tệp khách hàng bởi khi việc sáp nhập đi đến hồi kết thì HDBank có cơ hội tiếp cận với những khách hàng tiềm năng của cả PGBank và cổ đông lớn của PGBank là Petrolimex. Đây là điều kiện thuận lợi để HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hướng đến trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu.
Nói lợi ích HDBank có được khi bắt tay với “ông lớn” Petrolimex thông qua việc sáp nhập cùng PGBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị HDBank, từng cho biết việc sáp nhập sẽ giúp cho HDBank có được nhiều thứ, trong đó đáng kể nhất là hệ sinh thái khách hàng đến từ Petrolimex. Cụ thể, HDBank sẽ có khả năng tiếp cận với thêm hơn 20 triệu khách hàng cá nhân, gần 2.500 điểm bán lẻ xăng dầu và khoảng 4.000 đại lý của Petrolimex.
Và với những tính toán ban đầu, HDBank cho rằng việc sáp nhập trong năm nay có thể giúp ngân hàng tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng và có lãi ngay tổng cộng 4.700 tỷ đồng, chứ không phải mức hơn 3.900 tỷ của ngân hàng không sáp nhập.
Trong khi đó Petrolimex, đơn vị sở hữu 40% vốn cổ phần ở PGBank, cũng được đánh giá là có lợi hơn nhiều nếu hợp tác cùng ngân hàng của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bởi khi “bắt tay” cùng HDBank có nghĩa là Petrolimex cũng sẽ có sự hợp tác với cổ đông lớn của ngân hàng này là Vietjet Air – công ty đang chiếm gần nửa thị phần hàng không Việt Nam, để cung cấp các dịch vụ do Petrolimex đang triển khai.
Khi được hỏi về quan điểm của Petrolimex ra sao khi hợp tác cùng HDBank, chính lãnh đạo của tập đoàn này cũng thừa nhận, việc tìm kiếm đối tác trong lĩnh vực ngân hàng là điều quan tâm của HĐQT nhằm tối đa hóa quyền lợi và giá trị, khả năng hợp tác của tập đoàn với việc đầu tư vào định chế tài chính trong đó có ngân hàng.
Mới đây nhất, Petrolimex vừa công bố định hướng phát triển của Petrolimex trong thời gian tới với một điểm nổi bật là khai thác tối đa mạng lưới bán lẻ rộng khắp cả nước để mang lại các nguồn lợi nhuận khác ngoài xăng dầu.
Theo đó, Petrolimex sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo hướng đầu tư các cửa hàng diện tích lớn từ 2.000m2 trở lên để tích hợp các dịch vụ gia tăng đi kèm (rửa xe, bảo dưỡng xe, café, nhà hàng, cửa hàng tiện ích,…) nhằm mang lại nguồn lợi nhuận khác ngoài xăng dầu.
Petrolimex cũng đã lập ban thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng tại tất cả cây xăng để công nghệ thanh toán này áp dụng cho tất cả các loại thẻ credit, debit, ví điện tử…Tập đoàn đang hướng tới thí điểm mỗi bơm sẽ có một thiết bị công nghệ để triển khai việc tự trả tự phục vụ.
Điều đáng nói, những dịch vụ gia tăng của Petrolimex nhắm tới đều hướng tới các sản phẩm và dịch vụ mà các tỷ phú USD Việt như ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Bá Dương hay bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang triển khai, vừa là cung cấp, vừa là bổ trợ cho hoạt động của các ông lớn này.
Petrolimex cũng đẩy mạnh hoạt động cung cấp nhiên liệu cho lĩnh vực hàng không, trong đó có Vietjet của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Theo báo cáo, lĩnh vực xăng dầu và nhiên liệu hàng không chiếm 66% lợi nhuận toàn tập đoàn với tốc độ tăng lợi nhuận tính bằng lần.
Như vậy, với chiến lược này nếu như cú bắt tay giữa PGBank và HDBank của bà Nguyễn Thị Phương Thảo thành công thì rõ ràng, Petrolimex có thêm một cánh tay đắc lực từ HDBank và cổ đông lớn của ngân hàng này là Vietjet để thúc đẩy mảng kinh doanh mà Petrolimex đáng nhắm tới.
Petrolimex hiện vẫn đang là nhà phân phối xăng dầu lớn nhất tại Việt Nam với 50% thị phần toàn quốc. Hệ thống bán lẻ của công ty hiện có 2.700 cửa hàng trực thuộc và 2.800 đại lý xăng dầu. Petrolimex cũng có kế hoạch phát triển hệ thống bán lẻ với tốc độ mở thêm 80-100 cửa hàng/năm.
Mục tiêu của Petrolimex - một doanh nghiệp do Ủy ban quản lý vốn Nhà nước nắm giữ gần 84% vốn - trong 10 năm tới là trở thành tập đoàn có quy mô vốn hóa chục tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận