Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong năm 2022
Sau năm 2021 nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh, trở lại quỹ đạo tăng trưởng thời kỳ trước đại dịch ngay trong năm nay nếu kiểm soát dịch tốt cùng với các gói kích thích kinh tế được triển khai hiệu quả.
Ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam đã nhận định như vậy khi chia sẻ với báo giới bên thềm năm mới.
Ông nhìn nhận như thế nào về kinh tế Việt Nam trong năm 2021?
Có thể nói năm 2021 là một năm đầy khó khăn, sóng gió đối với Việt Nam. Chúng ta có thể chia năm 2021 thành ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên từ tháng 1 tới tháng 4/2021 khi kinh tế vẫn trong giai đoạn hồi phục từ 2020, tình hình COVID được kiểm soát tốt, các lĩnh vực - nhất là sản xuất hoạt động sôi động.
Giai đoạn thứ hai là khi làn sóng đại dịch COVID thứ 4 ập đến, khiến nền kinh tế phải đóng cửa từ cuối tháng 4 cho tới cuối tháng 9/2021. Kết quả, giai đoạn này ghi nhận GDP quý III/2021 giảm sâu tới 6,2% khi tất cả các lĩnh vực đều sụt giảm mạnh. Đây có thể nói là giai đoạn ghi nhận một cú sốc lớn.
Giai đoạn thứ ba là từ cuối tháng 9 cho tới cuối năm 2021, chúng ta thấy nền kinh tế bắt đầu ghi nhận một số tín hiệu phục hồi, dù tốc độ chưa đồng đều. Trong đó, các ngành cung cấp và ngành sản xuất tăng trưởng nhanh nhưng phía cầu, lĩnh vực bán lẻ và nhu cầu về dịch vụ vẫn ở mức rất thấp.
Mục tiêu đặt ra cho năm nay là tăng trưởng GDP phấn đấu đạt mức 6 – 6,5%. Theo quan sát của ông, mục tiêu này có khả thi không và đâu là những trở ngại, thách thức?
Theo tôi mục tiêu này hoàn toàn khả thi. Có thể dự báo Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng của thời kỳ trước đại dịch, với điều kiện Việt Nam và cả thế giới sẽ không phải trải qua một cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID nào nữa để nền kinh tế không bị đóng cửa trở lại. Đồng thời, tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ triển khai kích cầu nền kinh tế thông qua những chính sách và giải pháp như ban hành các gói tài khóa mạnh mẽ hơn; thúc đẩy các dự án đầu tư công…
Tuy nhiên như chúng ta đều thấy, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều bất trắc, đặc biệt là nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới, các làn sóng COVID mới. Như trong năm 2021, không ai có thể dự báo trước được GDP sẽ giảm sâu trong quý III vì làn sóng dịch do biến chủng Delta, bởi vậy cũng không thể biết chắc được chuyện gì sẽ xảy ra với Việt Nam cũng như với thế giới. Theo tôi đây là rủi ro lớn nhất.
Bên cạnh đó, cho dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì không thể phủ nhận sẽ tồn tại những rủi ro về kinh tế. Là một nền kinh tế mở, dựa nhiều vào xuất khẩu nên Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tình hình của nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Gần đây IMF, WB và nhiều tổ chức khác đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có những thị trường đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu. Nếu điều đó xảy ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam, có thể khiến xuất khẩu sụt giảm, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đã được chứng minh là có khả năng hồi phục nhanh trước những cú sốc.
Một rủi ro nữa là lạm phát (chủ yếu là rủi ro nhập khẩu lạm phát), ví dụ giá hàng hóa nhập khẩu như giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào… tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao, chi phí logistics không giảm nhiều. Nếu xảy ra sự cộng hưởng giữa việc tăng giá các hàng hóa quan trọng bên ngoài tới việc giá hàng hóa trong nước tăng (nhất là khi sức cầu hồi phục) thì có thể dẫn tới lạm phát tăng cao, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải kiểm soát lạm phát thận trọng hơn.
Song rủi ro cũng thường đi cùng với cơ hội. Theo ông, đâu sẽ là những cơ hội cho năm 2022 và tương lai xa hơn?
Tôi cho rằng vẫn còn đó những cơ hội. Cơ hội đầu tiên là trong lĩnh vực xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn FDI và Việt Nam vẫn có sức hút lớn, lợi thế cạnh tranh trong thu hút các nhà đầu tư FDI.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ phát triển kinh tế số, kinh tế xanh ứng phó với biến đổi khí hậu. Đơn cử ở lĩnh vực năng lượng mặt trời, tổng mức đầu tư trong 8 tháng năm 2020 vào lĩnh vực này của Việt Nam đã cao hơn tổng mức đầu tư của toàn bộ các quốc gia ASEAN khác hay toàn bộ khu vực châu Phi. Đó là ví dụ cho thấy Việt Nam rất có tiềm năng về phát triển năng lượng sạch và hoàn toàn có thể nhân rộng những gì đã thực hiện với năng lượng mặt trời cho năng lượng gió, pin và các sản phẩm xanh khác. Điều này cũng phản ánh sự năng động của khu vực tư nhân ở Việt Nam.
Còn trong trung hạn, yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng là sự chuyển dịch từ nhu cầu nước ngoài sang nhu cầu trong nước và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng về cả cung và cầu ở Việt Nam.
Sự phối hợp giữa CSTK và CSTT là rất cần thiết, theo ông cần làm gì để cân bằng giữa hai chính sách này trong kích thích tăng trưởng?
Để ổn định kinh tế, Chính phủ có hai công cụ đắc lực là chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT). Với CSTT, Việt Nam đã và đang triển khai các công cụ của chính sách này trong vòng 2 năm qua (giảm lãi suất điều hành, nỗ lực định hướng các NHTM giảm chi phí vốn vay, mở rộng tín dụng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ…) và theo tôi đây là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, khi Việt Nam đã triển khai CSTT như vậy được hai năm, các rủi ro (đặc biệt về nợ xấu) theo đó cũng gia tăng. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát có thể quay trở lại. Những yếu tố như vậy cho thấy CSTT sẽ cần thận trọng hơn trong thời gian tới.
Về CSTK, rất nhiều giải pháp chính sách đã được triển khai để hỗ trợ người dân, DN vượt qua những tác động của COVID trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nhìn tổng thể lại thì chúng ta thấy các hỗ trợ còn ở mức khá khiêm tốn, nhất là so với nhiều quốc gia khác và dư địa hỗ trợ tài khóa vẫn còn nhờ được củng cố tốt trong những năm qua. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến nghị cần triển khai các gói tài khóa mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, Chính phủ cũng không nên sử dụng công cụ này mãi mà chỉ sử dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế đến khi quay trở lại được quỹ đạo tăng trưởng đã có trước đại dịch.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận