24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Xuân Lộc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh tế Việt Nam quý III và triển vọng cả năm 2021

Nhìn chung, nền kinh tế đang chịu tác động nghiêm trọng bởi sự bùng phát lần thứ tư của dịch bệnh kể từ cuối tháng 4/2021. Đợt dịch lần này tấn công vào những tỉnh, thành phố có cơ sở sản xuất lớn, tập trung đông dân và là nơi sinh sống của phần lớn lực lượng lao động tự do của cả nước.

Kinh tế Việt Nam quý III/2021

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý III/2021 âm -6,17% so với cùng kỳ năm 2020, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam công bố GDP theo quý từ năm 2000 đến nay. Các động lực tăng trưởng chính của kinh tế đều đang gặp khó khăn. Sản lượng công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý III và trong 9 tháng đầu năm 2021 đều giảm. Ngành du lịch tiếp tục chìm sâu trong khó khăn, khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm 2021 giảm tới -97% so với cùng kỳ năm 2020.

Hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang gần như cạn kiệt hết sức lực trong cuộc chống chọi với đại dịch. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập giảm 3,1%. Chỉ số đơn đặt hàng nhà quản lý (PMI) của Việt Nam đạt mức 40,2 điểm trong tháng 9, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, cho thấy hoạt động kinh tế đang bị thu hẹp mạnh. Tình trạng đóng cửa doanh nghiệp tạm thời, những khó khăn trong khâu vận tải và tình trạng thiếu hụt nhân công đã góp phần làm sản lượng ngành sản xuất ở Việt Nam giảm tháng thứ tư liên tiếp. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh, tốc độ giảm việc làm gia tăng, sản lượng của nền kinh tế còn tiếp tục bị thu hẹp.

Bên cạnh những khó khăn do tác động nặng nề của Covid-19, nền kinh tế cũng có một vài điểm sáng nhất định. Hoạt động của lĩnh vực nông nghiệp vẫn được duy trì trong giai đoạn khó khăn, đạt tốc độ tăng trưởng 3,32% trong 9 tháng năm 2021, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu một số nông sản đạt khá so với cùng kỳ năm trước. Điều kiện thời tiết tương đối tốt tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho lĩnh vực nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm. Đối với lĩnh vực chăn nuôi cũng chưa ghi nhận một đợt dịch bệnh lớn nào trong năm. Kết quả là, dù có những khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, các chỉ tiêu 9 tháng năm 2021 cho thấy sản lượng các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn tương đương hoặc nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu vẫn có những dấu hiệu tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%. Như vậy, động lực thương mại quốc tế vẫn đang giữ được đà tăng trưởng tốt, góp phần quan trọng đảm bảo tốc độ tăng trưởng chung của cả nền kinh tế trong bối cảnh các động lực trong nước như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư đang gặp nhiều khó khăn. Xu hướng nhập siêu đã tiếp tục quay trở lại. Phần lớn nhập siêu đến từ việc nhập đầu vào cho khu vực sản xuất để xuất khẩu. Tiêu dùng dân cư giảm mạnh.

Nhìn chung, nền kinh tế đang chịu tác động nghiêm trọng bởi sự bùng phát lần thứ tư của dịch bệnh Covid-19 kể từ cuối tháng 4/2021. Đợt dịch lần này tấn công vào những tỉnh, thành phố có cơ sở sản xuất lớn, tập trung đông dân và là nơi sinh sống của phần lớn lực lượng lao động tự do của cả nước. Do đó, nền kinh tế có mức tăng trưởng quí thấp nhất từ trước đến nay và hệ lụy có thể là lâu dài.

Triển vọng kinh tế Việt Nam cả năm 2021

Mặc dù những chỉ tiêu kinh tế của quý III/2021 là khá tiêu cực, vẫn có thể khẳng định giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế đã tạm qua đi. Chiến lược tiêm chủng vắc-xin trong những tháng vừa qua đã phát huy tác dụng, số ca nhiễm hàng ngày giảm mạnh và tỷ lệ nghịch với số người được tiêm chủng trên phạm vi cả nước đang tăng lên. Vì vậy, có cơ sở để thấy triển vọng của nền kinh tế trong quý IV/2021 và những tháng đầu năm 2022 là sáng sủa hơn ba quí vừa qua.

Những thách thức hiện tại của nền kinh tế

Thứ nhất, các doanh nghiệp trong nước đã cạn kiệt khả năng chống chịu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI Cần Thơ), từ tháng 6 đến tháng 8/2021, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng đột biến với hơn 1.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể. Báo cáo còn nêu tại thời điểm tháng 8/2021, “trong tổng số 75.000 DN lớn, nhỏ trong toàn vùng ĐBSCL, hiện chỉ có chưa đến 250 DN còn đang hoạt động cầm chừng từ 20 - 40% công suất”. Các phương án phục hồi hoạt động sản xuất (như 3 tại chỗ) trong cả nước vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao, do hiệu quả thấp, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ lao động được tiêm vắc xin vẫn còn ở mức thấp. Các doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ khẩn cấp để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thứ hai, thu hút đầu tư nước ngoài tuy tăng nhưng xuất hiện tình trạng lo ngại của các nhà đầu tư. Mặc dù các số liệu đầu tư nước ngoài cho đến nay vẫn ở mức tích cực, triển vọng thu hút đầu tư dài hạn của nền kinh tế vẫn ở mức ổn định, tuy nhiên nếu tình trạng đình trệ sản xuất còn kéo dài thì tình hình có thể bị đảo ngược. Báo cáo của cơ quan thương mại Châuu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy đã có 18% doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang nước khác. Con số 18% là khá lớn, đằng sau nó là sự giảm sút đáng kể giá trị hàng hóa được giao thương, số người lao động Việt Nam có cơ hội việc làm hay các hoạt động kinh tế khác có liên quan không được thực hiện. Bên cạnh đó, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn tại Việt Nam (AmCham, EuCham, US-ABC, KoCham) đã cùng đưa ra kiến nghị gửi đến Chính phủ và cảnh báo về nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội đầu tư của Việt Nam.

Thứ ba, việc đảm bảo an sinh và ổn định xã hội cho người lao động còn nhiều thách thức. Dịch bệnh kéo dài cùng với việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân nhiều tỉnh, thành, nhất là tại các thành phố lớn. Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế và đầu tàu kinh tế lớn nhất nước - đã phải kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 28.000 tỷ đồng và 142.200 tấn gạo cho 4,7 triệu người dân thành phố bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Sau hơn 3 tháng phải giãn cách xã hội, hơn 1 nửa người dân thành phố đã cạn kiệt nguồn lực dự trữ, thậm chí rơi vào cảnh bị thiếu đói. Do vậy, khi chấp nhận phải sống chung với đại dịch Covid-19 thì rất cần phải có cơ chế hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động không chỉ với các tỉnh phía Nam, mà còn cả trên quy mô toàn quốc.

Một số kiến nghị, giải pháp

Tình hình và xu hướng cho thấy triển vọng của nền kinh tế trong giai đoạn còn lại của năm 2021 vẫn sẽ tích cực. Đặc biệt là quí IV thường là quí có tốc độ giải ngân đầu tư cao, các hoạt động sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh để hoàn thành kế hoạch năm. Tuy nhiên để đạt được tốc độ tăng trưởng như mục tiêu đề ra cho cả năm 2021 đòi hỏi phải có những giải pháp chính sách kịp thời và mạnh mẽ để phát huy những mặt tiêu cực và hạn chế những nguy cơ, khó khăn hiện tại.

Thứ nhất, cần có tư duy mới, thích ứng nhanh với dịch bệnh. Câu nói của C. Darwin vẫn còn nguyên giá trị “Kẻ thắng không phải là kẻ khỏe nhất, càng không phải là kẻ thông minh nhất, mà là kẻ giỏi thích nghi nhất”. Trên thế giới số quốc gia theo tư duy này và mở cửa trở lại bình thường đã bắt đầu phổ biến. Còn rất ít quốc gia theo đuổi chiến lược Zero Covid. Việt Nam cũng cần phải theo xu hướng chung của thế giới, mở cửa kết hợp với các biện pháp phòng chống an toàn với bệnh dịch, chú trọng vào nâng cao năng lực chống chịu, năng lực thích ứng. Thêm vào đó, nếu biết phát huy những động lực mới (ví dụ như chuyển đổi số trong đó có kinh tế số), chúng ta có thể mở cửa, trở lại trạng thái bình thường mới với quĩ đạo tăng trưởng cao hơn. Tư duy này cần phải có cho cả giai đoạn phục hồi của năm 2022.

Thứ hai, cần phải có ngay chính sách cứu trợ các doanh nghiệp một cách kịp thời và thực chất. Kịp thời là đến được ngay và đúng đối tượng, ít thủ tục rườm rà; còn thực chất là sự hỗ trợ phải có ý nghĩa thực tiễn với doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu và mong mỏi của doanh nghiệp. Do nguồn lực của nhà nước là có hạn, cần xác định được danh mục những doanh nghiệp cần cứu trợ theo thứ tự ưu tiên để hiệu quả đem lại là cao nhất, đặc biệt cần chú ý đến những doanh nghiệp lớn mà sự sụp đổ của chúng có hệ lụy lớn, có thể kéo theo thất nghiệp của rất nhiều người lao động, hoặc có thể gây ra sự sụp đổ vay nợ dây chuyền của hệ thống ngân hàng thương mại có liên quan.

Rất cần phải tiếp tục giảm thuế, phí, giảm lãi vay đối với doanh nghiệp, tạo điểu kiện cho doanh nghiệp cấu trúc lại nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn để khôi phục sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý không giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân một cách vô điều kiện do điều này không đảm bảo tính công bằng, cũng như không đảm bảo tính hiệu quả (các khoản miễn giảm thuế không được tái đầu tư nâng cấp năng lực sản xuất, công nghệ mà lại được dùng để chia cổ tức, mua cổ phiếu quỹ, hay người lao động có thu nhập cao lại dùng để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản…). Chỉ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay thu nhập cá nhân đối với các khoản đóng góp vào các quỹ hỗ trợ chống dịch (thực chất là Nhà nước đồng tài trợ, từ khoản đáng lẽ sẽ phải nộp vào ngân sách).

Thứ ba, cần tăng cường các gói hỗ trợ đối với người lao động và người dân bị ảnh hưởng. Quy mô các gói cứu trợ của Việt Nam cho đến nay được đánh giá là khá thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Cộng thêm những bất cập về thủ tục hành chính thì số tiền thực đến được tay người lao động còn thấp hơn nữa. Gói hỗ trợ 62 nghìn tỉ vừa qua đã không đạt hiệu quả cao như mong muốn. Như vậy cần phải thiết kế các gói hỗ trợ thiết thực hơn, kịp thời hơn, có thể có sai số về đối tượng được hưởng nhưng gói hỗ trợ sẽ đến được ngay người cần, đạt được mục tiêu chủ yếu là hỗ trợ người lao động nói chung. Số tiền này sẽ ngay lập tức quay lại nền kinh tế dưới hình thức tiêu dùng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu, và có tác dụng kích cầu sản xuất trên thị trường.

Về nguồn lực cứu trợ doanh nghiệp và người lao động, cần huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Trần nợ công nên được mở rộng và nới lỏng để có không gian vay nợ đối phó với dịch bệnh và nhà nước cũng nên mạnh dạn đẩy mạnh các công cụ vay nợ trong bối cảnh mặt bằng lãi suất còn thấp như hiện nay, như vậy chi phí vay nợ không cao, không gây áp lực lớn về dài hạn. Thực tiễn thế giới cho thấy các nước đã đưa ra các gói cứu trợ lớn để thúc đẩy nền kinh tế, một số nước như Nhật Bản, Đức, Italia còn có gói cứu trợ từ 30%-40% GDP. Trong khu vực, Thái Lan đã nâng trần nợ công từ 60% lên 70%, Malaysia thậm chí còn tính đến việc bỏ trần nợ công, Singapore áp dụng gói cứu trợ lên đến 16% GDP. Đồng tiền cứu trợ được sử dụng đúng thời điểm sẽ phát huy hiệu quả lớn hơn nhiều những chi phí mà nó đem lại.

Thứ tư, cần có các kế hoạch ứng phó với các cú sốc kinh tế do hậu quả của đại dịch để duy trì sự ổn định vĩ mô. Lạm phát hiện không phải là vấn đề nhưng sẽ có nguy cơ quay lại bất cứ lúc nào vì nhiều nền kinh tế trên thế giới đã bắt đầu cảm nhận xu hướng lạm phát cao. Với nền kinh tế mở như Việt Nam, các kênh lạm phát như chi phí đẩy sẽ xâm nhập Việt Nam và tạo tiềm ẩn nguy cơ lạm phát và bất ổn vĩ mô. Các thị trường tài chính nhạy cảm như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản cũng cần được theo dõi chặt chẽ. Tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ tăng lên trong giai đoạn tới khi số lượng doanh nghiệp phá sản, không trả được nợ ngày càng nhiều. Khi nền kinh tế thực hoạt động yếu như hiện tại, cần phải giám sát chặt chẽ hệ thống tài chính để ngăn ngừa mọi nguy cơ dẫn đến đổ vỡ dây chuyền.

Thứ năm, cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Giai đoạn dịch bệnh tạo ra cơ hội lớn và quí giá cho các quốc gia đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện, đặc biệt là các nước đi sau có thể tiến nhanh và đuổi kịp các nước đi trước. Hầu hết các quốc gia kiểm soát thành công dịch bệnh đều dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ. Việc Chính phủ Việt Nam yêu cầu có 1 ứng dụng (apps) duy nhất trong phòng chống dịch bệnh là một quyết định rất kịp thời vì trước đó xuất hiện nhiều ứng dụng của nhiều bộ, ngành, địa phương khác nhau cho thấy vấn đề đặt ra về năng lực phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước, đã gây ra sự lãng phí và khó khăn cho người dân. Tình trạng yêu cầu giấy đi đường hay việc yêu cầu xin dấu của chính quyền địa phương đối với người nhận hỗ trợ cũng cho thấy những bất cập khi năng lực chuyển đổi số chưa kịp thời.

Để có thể thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, việc ứng dụng chuyển đổi số cần phải đảm bảo vừa phù hợp, vừa hiệu quả thông qua các điểm sau:

+ Tiến hành quản lý người được hỗ trợ thông qua cơ sở dữ liệu duy nhất gắn với số CMT/CCCD, không dựa trên thông tin đăng ký cư trú. Áp dụng theo cách này giảm thiểu được rất nhiều thủ tục trung gian, và hỗ trợ hiệu quả hơn nhóm đối tượng lao động nhập cư, lao động phi chính thức.

+ Việc nhận hỗ trợ cần được triển khai trên ứng dụng phòng chống Covid duy nhất mà Chính phủ đã đề cập. Như vậy, để được nhận hỗ trợ, người lao động cũng đồng thời phải tuân thủ các nhiệm vụ khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng, đăng ký truy vết tiếp xúc (khi cần thiết).

+ Hình thức hỗ trợ không nhất thiết chỉ là tiền mặt, có thể là phiếu mua hàng hoặc mobile money trên app duy nhất nói trên. Như vậy, có thể đảm bảo người lao động chỉ có thể sử dụng tiền hỗ trợ vào các mặt hàng cụ thể như lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu.

+ Trường hợp người lao động quá khó khăn thì nhà nước có thể hỗ trợ thêm chi phí mua điện thoại thông minh, các doanh nghiệp viễn thông trong nước như Viettel, VNPT hoàn toàn có thể sản xuất được. Bù lại, việc này sẽ giúp ích rất nhiều trong chiến lược lâu dài chuyển đổi số xã hội và toàn dân.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả