Kinh tế Việt Nam phục hồi, 3 cấu phần của ‘cỗ xe tam mã’ tăng trưởng cao
Trong 9 tháng năm nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Những cân đối vĩ mô vững mạnh tiếp tục thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi. Ngày 29/9, ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) đã trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.
Tăng trưởng GDP quý III/2022 và 9 tháng năm nay tiếp tục có kết quả khá khả quan. Vậy, những động lực tăng trưởng nào để đạt được kết quả đó, thưa ông?
Ở phía cung, khu vực nông lâm thuỷ sản (NLTS) phát triển ổn định, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trồng trọt theo đúng lịch mùa vụ, điều chỉnh cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu.
Trong 9 tháng năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 5,44 triệu tấn, tăng 19,3% về lượng và 9,3% về giá trị; chăn nuôi phát triển ổn định, kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo nhu cầu thực phẩm trong nước. Lâm nghiệp phát triển tốt, sản lượng gỗ khai thác tăng cao, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Trong 9 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,4 tỷ USD, tăng trên 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý III/2022, khu vực NLTS tăng 3,2% và 9 tháng năm 2022 tăng 3% so cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng tương đương mức trung bình các năm gần đây.
Từ đầu năm đến nay, khu vực công nghiệp xây dựng tăng trưởng tốt, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, sản xuất công nghiệp dần phục hồi, gần lấy lại đà tăng trưởng của những năm trước đại dịch với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm nay tăng 9,6%, bằng mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của 9 tháng năm 2019, thấp hơn mức tăng 10,6% của năm 2018.
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng năm nay đạt hơn 163 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp vào ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên đến nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn, chi phí nguyên vật liệu xây dựng tăng cao.
Nhiều ngành dịch vụ trọng điểm trong 9 tháng năm nay đạt tốc độ tăng 2 con số như: Bán buôn và bán lẻ tăng 10,2%; vận tải kho bãi tăng 14,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 42%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 31%; nghệ thuật vui chơi, giải trí tăng 15%; hoạt động dịch vụ khác tăng 19%; hoạt động tài chính ngân hàng tăng hơn 9%.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngành dịch vụ đã sôi động trở lại như trước đại dịch. Ngành tài chính ngân hàng đang thực hiện tốt vai trò là huyết mạch, hỗ trợ tốt cho các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời điều hành chính sách hợp lý nhằm duy trì sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế. Tuy nhiên có 3 ngành dịch vụ chưa hoàn toàn hồi phục, nếu so với quy mô 9 tháng năm 2019 vẫn nhỏ hơn là: Dịch vụ lưu trú ăn uống (-4%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; 4,2%; hoạt động dịch vụ khác (-3%). Kết quả chung tăng trưởng khu vực dịch vụ quý III/2022 tăng 18,9% và 9 tháng tăng 10,6%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm.
Về phía cầu, 3 cấu phần của “cỗ xe tam mã” gồm tiêu dùng cuối cùng, đầu tư và xuất nhập khẩu đều ghi nhận có sự tăng trưởng cao. Nhu cầu mua sắm, du lịch của người dân sau bị nén suốt 2 năm đại dịch thì đến nay, có cơ hội bùng nổ khi dịch bệnh được kiểm soát. Theo đó, tổng cầu tiêu dùng trong nước thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4,2 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 16,8%), đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Thị trường du lịch nội địa đã hoàn toàn phục hồi. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, tổng số khách du lịch nội địa đạt gần 80 triệu lượt, cao hơn 19,8 triệu lượt so với mục tiêu cả năm 2022. Đáng chú ý, lượng khách du lịch nội địa trong 8 tháng năm nay tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch, gần bằng số lượng khách cả năm 2019 (85 triệu lượt).
Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế tăng cao, 9 tháng năm 2022 đạt gần 1,9 triệu lượt, tăng 16,4 lần so 2021 (tuy nhiên so với năm 2019 mới chỉ bằng 15% - 9 tháng 2019 đạt 12,9 triệu lượt khách quốc tế).
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 2,1 triệu tỷ, tăng tăng 12,5% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng năm nay đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so cùng kỳ, là mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện cao nhất của 9 tháng năm 2022 trong 5 năm qua. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2022 đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13%; tính chung 9 tháng năm nay xuất siêu 6,52 tỷ USD.
Thưa ông, kinh tế có xu hướng phục hồi tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn nhưng những thách thức phải đối mặt cũng rất lớn do biến động giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi…Dự kiến GDP của Việt Nam năm nay sẽ ra sao?
Dự báo thời gian tới, biến động giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi; xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam; số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản…đi Mỹ và EU có dấu hiệu giảm; tồn kho gia tăng; thu hút vốn FDI gặp nhiều khó khăn; tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; bão lũ có thể xảy ra ảnh hưởng đế sản xuất.
Phía TCTK đã cập nhật kịch bản tăng trưởng năm nay theo 2 phương án: Trong trường hợp GDP năm nay đạt 7,5% thì quý IV/2022, Việt Nam chỉ cần đạt mức tăng trưởng 4,14% (thấp nhất các quý trong năm); phương án 8% quý IV/2022 tăng 5,9%, cao hơn quý I/2022 là 5,05%, thấp hơn quý II/2022 là 7,83% và quý III/2022.
Mặc dù quý IV/2022 còn có những khó khăn, do nền kinh tế đang đà phục hồi đặc biệt là các ngành dịch vụ (bán buôn, bán lẻ; lưu trú, ăn uống; vận tải kho bãi; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ) nên nếu trong quý IV/2022 không có những biến động quá lớn thì khả năng cao, GDP năm nay đạt 8%.
Vậy giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng cao sẽ là gì, thưa ông?
Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Sống chung an toàn với dịch COVID-19”; đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 755/CĐ-TTg ngày 25/8/2022, nhất là đẩy mạnh tiêm vaccine. Việt Nam chủ động ứng phó kịp thời với các biến chủng mới của dịch COVID-19, virus adeno và các loại dịch bệnh theo mùa như: Sốt xuất huyết, chân tay miệng, các dịch bệnh trên thế giới có thể xâm nhập vào Việt Nam, như bệnh đậu mùa khỉ...; bảo đảm nguồn cung về thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ khám, chữa bệnh và phòng chống dịch.
Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.
Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từ đó cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Các bộ, ngành quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023, tập trung vào các lĩnh vực cấp bách và có khả năng hấp thụ tốt, dự án có tính liên vùng, chương trình hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động; khơi thông các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Đối với chính sách tiền tệ, tài khoá, Việt Nam chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát đến đời sống người dân.
Để chủ động nguồn cung, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào để hạn chế nhập khẩu; triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản; có chính sách thắt chặt các quy định về truy xuất nguồn gốc của các mặt hàng nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận