Kinh tế toàn cầu bất định trước thách thức lớn nhất nhiều thập kỷ
Các ngân hàng trung ương phải đẩy mạnh siết chặt chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo lạm phát không trở nên cố kết, nhưng với khả năng hạn chế trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới nguồn cung, cái giá mà họ phải trả, sẽ đắt hơn.
Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang đối mặt với một giai đoạn kinh tế mang tính thách thức cao nhất trong nhiều thập kỷ khi bài toán lạm phát ngày một trở nên nan giải.
Các tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới liên tục phát đi tín hiệu cảnh báo về nhưng khó khăn mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và nhiều ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu phải đối mặt trong cuộc chiến chống lạm phát. Phát biểu tại hội nghị thường niên Jackson Hole (Mỹ), một số nhân vật có uy tín nhận định nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một kỷ nguyên mới, khó lường hơn.
“Ít nhất trong vòng 5 năm tới, quá trình hoạch định chính sách tiền tệ sẽ trở nên khó khăn hơn so với hai thập kỷ trước đó, trước khi đại dịch bùng phát”, theo Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chia sẻ với Financial Times.
“Chúng ta đang trong một giai đoạn mà các cú sốc nguồn cung trở nên khó lường hơn, và cái giá nếu nền kinh tế phải đánh đổi cũng trở nên đắt đỏ hơn”, bà nhận định.
Giá cả hàng hóa liên tục tăng cao trong bối cảnh nhiều nút thắt chuỗi cung ứng xuất hiện, bên cạnh đó, nhu cầu hàng hóa của người dân không ngừng gia tăng nhờ các các gói hỗ trợ tài chính trong suốt thời gian đại dịch hoành hành. Chưa dừng lại ở đó, xung đột Nga - Ukraine tạo ra nhiều hơn những gián đoạn trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, kéo giá những mặt hàng này lên cao.
Những khó khăn trên buộc các ngân hàng trung ương phải đẩy mạnh siết chặt chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo lạm phát không trở nên cố kết trong nền kinh tế. Tuy nhiên, với khả năng hạn chế trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới nguồn cung, không ít chuyên gia quan ngại rằng cái giá phải trả để đạt được mục tiêu cân bằng giá cả sẽ “đắt” hơn rất nhiều.
David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), cảnh báo rằng bộ công cụ chính sách của ngân hàng trung ương, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển, không phát huy hiệu quả trong việc giải tỏa áp lực lạm phát bắt nguồn từ các cú sốc nguồn cung.
“Các đợt tăng lãi suất phải đối mặt với không ít lực cản trong nội tại nền kinh tế, và tôi cho rằng đó là thử thách lớn nhất mà họ phải đối mặt”, ông nhận định.
Ông bổ sung rằng các nền kinh tế đang phát triển sẽ gặp khó khi điều kiện tài chính toàn cầu ngày một siết chặt. “Lãi suất liên tục tăng cao trong khi họ còn nhiều khoản nợ chưa thể thanh toán. Gánh nặng chi phí tài chính là bức tường ngăn cản tìm kiếm các khoản vay mới”, ông chia sẻ.
Tại Jackson Hole, lãnh đạo tại Fed và ECB một lần nữa khẳng định quyết tâm hồi phục cân bằng giá cả “một cách vô điều kiện”. Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo nước Mỹ có thể bước vào một giai đoạn tăng trưởng chậm và thị trường lao động suy yếu.
Tương tự Fed, ECB cũng phải đối mặt với một loạt đánh đổi, Gopinath nhận định. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng diễn biến phức tạp, châu Âu có thể chìm sâu vào một giai đoạn lạm phát, đình đốn (tăng trưởng thấp, lạm phát cao).
Mức độ nghiêm trọng của những thách thức mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt còn được gói gọn trong phát biểu của Thống Đốc Bank of Korea Changyong Rhee khi ông nhận định khả năng thế giới quay trở lại chu kỳ lạm phát thấp là “một câu hỏi trị giá hàng tỷ USD”.
Xen lẫn sự phấn khởi khi hội nghị Jackson Hole lần đầu được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau hai năm gián đoạn vì Covid-19 là quan ngại thế giới và những mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia đã và đang thay đổi.
“Chúng ta đang phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng, thực phẩm, chuỗi cung ứng và xung đột địa chính trị. Điều đó ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế toàn cầu, tới cái cách mà các quốc gia kết nối với nhau và quan trọng nhất là những hệ lụy của nó”, theo Jacob Frenkel, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Israel.
Mức độ siết chính sách tiền tệ trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa biến động khó lường, và sâu xa hơn là giá cả, cũng là một bài toán khó.
“Chúng ta buộc phải đưa quyết định trong bối cảnh bất ổn không hề nhỏ”, Thomas Jordan, Thống đốc Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ. “Thật khó để đoán định tương lai dựa vào những dữ liệu kinh tế ở thời điểm hiện tại, và việc phân biệt giữa áp lực lạm phát nhất thời hay cố kết cũng không hề đơn giản”, ông nói.
Theo Isabel Schnabel, Thành viên ủy ban điều hành ECB, một vài năm tới có thể được đặt tên là “đại bất ổn”, hoàn toàn trái ngược với hai thập kỷ gần đây khi giới chuyên gia kinh tế gọi đó là một giai đoạn “đại ổn định”.
Một số quan chức tham gia hội nghị tin rằng những xung lực giúp kiểm soát áp lực giá cả trong quá khứ, bao gồm quá trình toàn cầu hóa và nguồn cung lao động dồi dào, đã đảo chiều.
“Nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước một bước chuyển lịch sử quan trọng khi nhiều yếu tố giúp kiểm soát tốt lạm phát trong giá khứ giờ đây lại trở thành những cơn gió chướng”, Agustín Carstens, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, cảnh báo. “Nếu đúng như vậy, đà gia tăng áp lực lạm phát thời gian gần đây sẽ tiếp tục kéo dài”.
“Các ngân hàng trung ương không nên chỉ tập trung vào việc xây dựng niềm tin của công chúng trong cuộc chiến chống lạm phát”, theo Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson. “Họ nên tập trung vào việc hoạch định lại chiến lược và thay đổi mục tiêu lạm phát trong bối cảnh thế giới đối diện với ngày càng nhiều các cú sốc nguồn cung lớn”.
2% là ngưỡng lạm phát mục tiêu mà nhiều ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển theo đuổi trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị ngưỡng mục tiêu này cần phải thay đổi để thích ứng với một nền kinh tế toàn cầu mang nhiều chia rẽ.
Nhiều chuyên gia ủng hộ phương án nâng mục tiêu lạm phát lên ngưỡng 3%. Theo Stephanie Aaronson, tới từ Viện Brookings, điều đó sẽ giúp các ngân hàng trung ương thêm dư địa chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.
Thời điểm và cách thức các ngân hàng trung ương thay đổi cách tiếp cận cũ cũng cần được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến chống lạm phát diễn ra quyết liệt và tồn tại rủi ro kỳ vọng lạm phát của các hộ gia đình và doanh nghiệp trở nên cố kết.
Karen Dynan, Giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, nhận định Fed và các ngân hàng trung ương khác phải đối diện với “nhiều khó khăn hơn” nếu như họ không sớm thay đổi.
“Họ cần duy trì, trong một số trường hợp là khôi phục lại, lòng tin của công chúng, nhưng họ cũng cần phải suy nghĩ nghiêm túc về ngưỡng mục tiêu lạm phát mới”, ông chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận