menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Hưng

Kinh tế Nga đứng vững trước triển vọng kết thúc xung đột mịt mờ

Không nằm ngoài dự đoán, Tổng thống Vladimir Putin đã giành chiến thắng áp đảo với số phiếu cao kỷ lục trong cuộc bầu cử vào tháng trước và sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo nước Nga thêm 6 năm nữa (2024 - 2030). Điều này sẽ định hình nền kinh tế Nga cũng như cuộc xung đột tại Ukraine. 

Việc cử tri trao cho ông Putin nhiệm kỳ thứ 5 càng thể hiện vai trò không thể thay thế của nhà lãnh đạo này cũng như sự tin tưởng của người dân Nga đối với chính sách kinh tế của chính quyền hiện tại.

Kinh tế Nga trụ vững nhờ nội lực

Nga đã hứng chịu liên tiếp các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây sau khi sáp nhập Crimea năm 2014. Việc mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022 đã khiến các đòn trừng phạt ngày càng siết chặt và dẫn tới làn sóng tháo chạy của các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga vẫn trụ vững nhờ các động lực trong nước. Thậm chí, chính các lệnh trừng phạt dồn dập lại tạo động lực để Nga tự chủ hơn, nhất là trong sản xuất thực phẩm và công nghiệp.

Số liệu kinh tế mới nhất cho thấy sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu của nước này đều khởi sắc. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 tiếp tục trên ngưỡng trung tính 50 điểm, đạt 55,7 điểm, cao hơn mức 54,7 điểm của tháng 2 và cao nhất từ tháng 8/2006. Điều này đạt được nhờ nhu cầu nội địa gia tăng và số đơn hàng xuất khẩu mới cũng lần đầu tăng từ tháng 10/2023.

Trong biên bản cuộc họp chính sách tháng 3 được công bố hôm 1/4, Ngân hàng Trung ương Nga nhận định nền kinh tế tiếp tục cải thiện, thích ứng được với quy trình thanh toán và logistics phức tạp mới do cấm vận, xuất khẩu phục hồi giúp nguồn thu ngoại hối tăng theo.

Ngành năng lượng vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế và nguồn thu ngoại tệ chính dù Mỹ và các nước đồng minh áp dụng một loạt biện pháp nhằm kiềm tỏa ngành này của Nga.

Các đối tác lớn gồm Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục mua vào mạnh dầu từ Nga, thậm chí Nga đã vượt qua Ả-rập Xê-út để trở thành nước cung cầu dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Còn châu Âu vẫn chưa “cai” được năng lượng Nga khi phải chi 31,2 tỷ USD mua dầu và khí đốt Nga vào năm ngoái. Nhờ vậy, Nga vẫn giữ vị thế là một trong những nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới và có tiếng nói quan trọng cùng OPEC quyết định giá dầu quốc tế.

Nhờ dầu mỏ, thu ngân sách Nga đạt kỷ lục 320 tỷ USD trong năm 2023. Theo một đạo luật ngân sách được ông Putin ký thông qua hồi tháng 11/2023, thu ngân sách của Nga trong năm 2024 dự kiến còn tăng lên gần 394 tỷ USD, và đạt gần 377 tỷ USD năm 2025 và hơn 382 tỷ USD năm 2026.

Thực tế, các số liệu hiện nay có thể khiến những người mong kinh tế Nga sụp đổ thất vọng. GDP của nước này năm 2023 tăng 3,6%, cao hơn nhiều nước phương Tây và mức trung bình của thế giới. Còn GDP đầu người theo sức mua tương đương (PPP) của nước này là 5.060 tỷ USD tính đến tháng 10/2023, đứng thứ 6 thế giới, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Hôm 1/4, Tổng thống Putin chỉ đạo chính phủ đưa Nga lọt top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo PPP trước năm 2030. IMF dự báo GDP Nga tăng trưởng 2,6% trong năm nay, vượt xa mức tăng trưởng ước tính 0,9% của châu Âu.

Elina Ribakova, nhà kinh tế học tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, chỉ ra ba lý do chính giúp kinh tế Nga vẫn trụ vững. Đó là hệ thống tài chính nước này đã được chuẩn bị đủ để đối phó các lệnh trừng phạt; Nga vẫn có nguồn thu khổng lồ từ xuất khẩu dầu khí khi vẫn bán được dầu với giá sát thị trường, thay vì trần giá 60 USD/ thùng do phương Tây áp đặt; và các lệnh hạn chế xuất khẩu sang Nga của phương Tây không đủ hiệu quả, bởi Nga vẫn mua được các sản phẩm cần thiết thông qua nước thứ ba.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến chi tiêu quốc phòng như một động lực kinh tế. Kể từ năm 2021, quy mô khoản chi này đã tăng gấp 3, chủ yếu cho sản xuất vũ khí. Một tài liệu của Bộ Tài chính Nga cho thấy, dự kiến chi tiêu quốc phòng năm 2024 đạt 10.800 tỷ rúp (111,15 tỷ USD), tức khoảng 6% GDP nước này và tăng 68% so với năm 2023.

Rủi ro chực chờ

Bị kìm kẹp bởi các lệnh trừng phạt khắc nghiệt, kinh tế Nga phải hứng chịu những tác động về lâu dài. Trước hết, Moskva phải đối mặt với nguy cơ bị giảm vốn đầu tư nước ngoài và sự tháo chạy của các công ty ngoại, khiến một số ngành công nghiệp quan trọng và khả năng tiếp cận công nghệ cao bị thu hẹp.

Ngành công nghiệp dầu khí chủ chốt luôn bị đe dọa khi Ukraine tấn công các nhà máy lọc dầu và các lệnh trừng phạt khiến các khách hàng e dè mua dầu của Nga. Nga cũng mất thị trường khí đốt tự nhiên sinh lời tại châu Âu sau khi cắt phần lớn nguồn cung qua đường ống.

Không thể không nhắc đến tình trạng thiếu lao động ở nhiều lĩnh vực do hàng trăm nghìn nam giới đã rời khỏi đất nước sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra để tránh bị gọi nhập ngũ và hàng trăm nghìn người khác được động viên hoặc điều ra chiến trường. Bên cạnh đó, lương cũng tăng đáng kể trong suốt năm 2023, tạo ra vòng xoáy lạm phát-tăng lương.

Nếu xung đột kéo dài, nền kinh tế Nga ngày càng phụ thuộc vào chi tiêu quốc phòng, dẫn tới tình trạng mất cân bằng và rơi vào trì trệ, thậm chí khủng hoảng sau khi xung đột kết thúc. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc lớn vào ngành dầu mỏ cũng khiến kinh tế Nga dễ bị tổn thương nếu diễn biến giá dầu bất lợi hoặc các đối tác giảm mua.

Do tác động của các lệnh trừng phạt, hệ thống tài chính của Nga bị suy giảm, nhất là sau khi Nga bị ngắt kết nối khỏi khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, ảnh hưởng đến các hoạt động ngoại thương. Các lệnh trừng phạt sẽ dần phát huy tác dụng và tác động lâu dài của chúng có thể cản đà tăng của kinh tế Nga.

Triển vọng kết thúc xung đột còn mờ mịt

Phát biểu sau bầu cử, Tổng thống Putin nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là tăng cường khả năng phòng thủ và củng cố lực lượng vũ trang của đất nước. Việc ông Putin đắc cử với tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục cho thấy người Nga đã đoàn kết hơn xung quanh nhà lãnh đạo. Điều này cũng đồng nghĩa phương Tây sẽ tiếp tục ứng phó với một nước Nga theo đường lối của ông Putin.

Kinh tế Nga đứng vững trước triển vọng kết thúc xung đột mịt mờ

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu mừng chiến thắng ngày 17-3. Ảnh: AFP.

Nhà lãnh đạo Nga vẫn để ngỏ khả năng đàm phán hòa bình cho xung đột với Ukraine. Tuy vậy, sự vững chắc của nền kinh tế, tài nguyên dồi dào, và khả năng vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt từ phương Tây tạo nên sự tự tin cho Điện Kremlin trong việc theo đuổi các mục tiêu đề ra cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, bất chấp việc Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp thêm một số thành viên mới.

Đến nay, giới chuyên gia chính trị và quân sự chưa thể đồng thuận về thời điểm xung đột Nga-Ukraine kết thúc. Thậm chí, ông Putin không loại trừ khả năng xảy ra xung đột toàn diện giữa Nga và NATO. Như đã nói ở trên, việc ông Putin tái đắc cử gửi đi thông điệp rằng xã hội Nga ủng hộ hoàn toàn quyết định của ông tại Ukraine. Điều này cho phép Điện Kremlin tiếp tục chiến dịch Ukraine một cách thuận lợi hơn, bao gồm cả khả năng chuẩn bị kế hoạch tấn công tiếp theo trên chiến trường nhằm xuyên thủng các tuyền phòng thủ của Ukraine.

Trước dịp bầu cử, trong Thông điệp liên bang trình bày trước Quốc hội ngày 29/2, Tổng thống Putin cho rằng Nga đang có lợi thế chiến lược trên chiến trường và tin Nga sẽ chiến thắng, một phần vì phương Tây dao động, thậm chí “quay xe” trong việc viện trợ Ukraine.

Sau những diễn biến ngày càng có lợi cho Nga trên chiến trường, dư luận phương Tây thêm lo ngại Nga sẽ giành thêm nhiều lợi thế từ sau cuộc bầu cử tổng thống Nga để tiến đến bàn đàm phán. Ở phía bên kia, Ukraine, vốn đang cạn kiệt vũ khí, có thể thêm hy vọng khi mới đây Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trợ giúp trị giá 61 tỷ USD cho quốc gia này.

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có thể ảnh hưởng rất nhiều đến việc viện trợ Ukraine cũng như tương lai của NATO. Nếu ông Donald Trump giành chiến thắng, tình thế sẽ ngày càng khó khăn hơn đối với Ukraine.

Biết đâu, đó sẽ là yếu tố thúc đẩy xung đột kết thúc sớm khi ông Trump vốn phản đối viện trợ cho Ukraine và ủng hộ ý tưởng Ukraine trao quyền kiểm soát Crimea và khu vực biên giới Donbas cho Nga.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại