Kinh tế Mỹ: Ra sức in tiền, không ngại thành Chúa Chổm... Đại suy thoái có tái diễn?
Không ngừng in tiền để giải quyết các loại khủng hoảng, kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng hay không?
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Quốc hội Mỹ đã thông qua ba gói kích thích kinh tế với giá trị lần lượt là 2.200 tỷ USD, 900 tỷ USD và 1.900 tỷ USD. Đây đều là các khoản tiền đi vay dựa trên việc phát hành trái phiếu và nhiều người cho rằng, động thái này sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề nợ công của nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đã liên tục phá kỷ lục và khiến dư luận liên tưởng tới những gì diễn ra trong thời kỳ Đại suy thoái.
Khả năng in tiền không giới hạn
Theo tờ Global Times, nước Mỹ lớn mạnh một phần là do sở hữu đồng USD. Với vai trò là đồng tiền giao dịch quốc tế, USD được sử dụng để thanh toán các khoản giao dịch về dầu mỏ cũng như hàng hóa khác. Nhờ vậy, Mỹ có thể in tiền không giới hạn để giải quyết khó khăn mà không phảo lo lắng về việc “nợ như Chúa Chổm”.
Đồng thời, nhờ sở hữu đồng tiền quốc tế, áp lực lạm phát từ việc in tiền của Mỹ cũng được cả thế giới cùng chia sẻ. Điều kiện và năng lực ấy không nước nào trên thế giới có được và Washington không cho phép bất cứ quốc gia, khu vực nào thách thức vai trò của đồng USD, sẵn sàng sử dụng sức mạnh của quân đội hùng cường nhất thế giới để bảo vệ vị thế của đồng USD.
Để tăng lượng phát hành đồng USD, Chính phủ Mỹ sử dụng hai công cụ chủ yếu. Thứ nhất là giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp nhất như hiện nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang duy trì lãi suất ở mức gần bằng 0%. Vì gửi tiền vào ngân hàng gần như không có lãi suất, người dân buộc phải mang tiền đi đầu tư hoặc tiêu dùng. Hơn nữa, việc Fed ra sức in tiền sẽ làm gia tăng lạm phát, nếu không mang tiền đi đầu tư, thiệt hại càng gia tăng.
Thứ hai là thực hiện chính sách nới lỏng định lượng (QE) không hạn định. Nói một cách đơn giản là Fed không ngừng mua vào trái phiếu bằng đồng USD, thậm chí mua cả trái phiếu của những “công ty rác”. Hành động này của Fed đã bơm vào thị trường một lượng tiền khổng lồ. Do đó, cho dù lãi suất trái phiếu giảm xuống 1% thì vẫn thu lợi nhiều hơn là gửi ngân hàng. Cho nên, trái phiếu Mỹ vẫn "đắt hàng".
Đời cha tiêu tiền còn “đời con trả nợ”
Tuy nhiên, nếu một quốc gia không ngừng in tiền để giải quyết các loại khủng hoảng, hậu quả trực tiếp là bong bóng kinh tế sẽ ngày càng lớn, sự phát triển kinh tế sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn. Cuối cùng, bong bóng vỡ, khủng hoảng tài chính kinh tế nghiêm trọng sẽ xuất hiện.
Với tư cách là nước xuất khẩu đồng tiền thông dụng của thế giới, việc Mỹ ra sức in tiền đã đẩy thế giới tới trước bờ vực của một thảm họa kinh tế. Cách làm của Mỹ sẽ khiến các nước tương đối nghèo có thể phải trả giá bằng sự đổ vỡ kinh tế và cuộc sống ngày một khó khăn của người dân.
Trong khi đó, các biện pháp kinh tế của Mỹ và châu Âu có sự tương tác với nhau. Cụ thể, khi Mỹ in thêm tiền thì châu Âu sẽ nối gót làm theo và các nước khác trên thế giới cũng buộc phải tham gia vào cuộc chơi.
Tuy nhiên, do đồng tiền của các nước khác không thể đọ đuwọc với độ tin cậy quốc tế bằng USD, dẫn tới việc chảy máu ngoại tệ, làm đồng nội tệ tăng tốc phá giá, vật giá leo thang. Hệ quả là người dân dù làm bất cứ công việc gì thì thu nhập của họ cũng không theo kịp tốc độ phá giá của đồng nội tệ. Cuối cùng, nền kinh tế sẽ đổ vỡ.
Quay lại năm 1929, sau khi từ bỏ chế độ "bản vị vàng", Mỹ tăng tốc in tiền. Dưới tác động của dòng tiền khổng lồ đổ vào thị trường, giá cổ phiếu, trái phiếu, vàng và các mặt hàng xa xỉ phẩm bắt đầu tăng chóng mặt.
Trong khi đó, làn sóng sáp nhập giữa doanh nghiệp tài chính đa ngành nghề với doanh nghiệp sản xuất diễn ra mạnh mẽ, nhưng không phải để bành trướng hoạt động mà để biến doanh nghiệp sản xuất trở thành công cụ “đánh bạc” trên thị trường chứng khoán.
Sau đó, doanh nghiệp sản xuất thi nhau phá sản, cuối cùng, sự phồn vinh tài chính giả tạo đã trở về với đúng vị trí của “lâu đài xây trên cát”. Bong bóng phồn vinh tài chính ở Mỹ bị kích nổ, đó chính là lúc cả Mỹ và thế giới rơi vào cuộc Đại suy thoái trong thời gian dài.
Giờ đây, nếu xét về giá trị tuyệt đối, lượng tiền mà Mỹ in ra nhiều gấp hàng nghìn lần so với hồi năm 1929, còn nếu quy đổi theo GDP thì gấp hai lần GDP năm 1929.
Vậy, việc Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden in tiền không giới hạn có thể tái diễn thảm cảnh năm xưa, gây ra Đại suy thoái hay không?
Đây là một câu hỏi khó, việc này vẫn cần phải quan sát và thu thập thêm các dữ liệu trong tương lai. Ngoài ra, nhiều yếu tố tác động khác cũng sẽ góp phần không nhỏ vào kết quả của một chính sách tầm vĩ mô. Tuy nhiên, một viễn cảnh mà “đời cha tiêu tiền còn đời con trả nợ” là có thể nhìn thấy và hiện tại cũng khó có được câu trả lời về việc nước Mỹ sẽ kết thúc tình trạng thâm hụt tài chính triền miên hiện nay như thế nào?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận