Kinh tế Mỹ gian nan trong hành trình phục hồi
Kinh tế Mỹ đang tiến gần đến trạng thái “bình thường” hơn bao giờ hết, nhưng chặng đường để phục hồi về mức trước đại dịch vẫn còn dài.
Chỉ số ‘Trở lại Bình thường’ (Back-to-Normal Index) của CNN Business và Moody's Analytics cho thấy kinh tế Mỹ đã đi được 90% hành trình để trở lại trạng thái trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu hơn một năm trước. Chỉ số này, gồm 37 chỉ số cấp quốc gia và bảy chỉ số cấp bang, đã chạm đáy ở mức 57% vào tháng 4/2020.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,8% trong quý 1/2021, chỉ thấp khoảng 1% so với đỉnh đạt được ở quý 4/2019, thời điểm dịch chưa bùng phát, theo Bộ Thương mại Mỹ. CNN cho rằng mức phục hồi hiện nay rất lớn, nhưng đi nốt chặng đường 10% để phục hồi hoàn toàn thì gian nan.
Mỹ đang làm tốt công tác tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 49% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một mũi và khoảng 39% đã tiêm đầy đủ. Người tiêu dùng đang chi tiêu nhiều hơn cho ăn uống và đi lại.
Tuy nhiên quốc gia này đã mất nhiều triệu việc làm do đại dịch. Trong khi đó, nhiều lao động vẫn chưa muốn quay lại làm việc trực tiếp, và trông trẻ cho người lớn đi làm vẫn là vấn đề ở nhiều khu vực do trường học, nhà trẻ chưa hoạt động hết công suất. CNN cho rằng vấn đề việc làm và kích thích tiêu dùng là hai yếu tố căn bản sẽ giúp kinh tế Mỹ phục hồi hoàn toàn.
Thị trường lao động Mỹ đang trong giai đoạn phục hồi một cách khó khăn. Tính đến tháng 4/2021, Mỹ đã mất 8,2 triệu việc làm so với tháng 2/2020, trước khi đại dịch xảy ra. Các bang bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề - trong đó có New York, Nevada và Hawaii - có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức trung bình 6,1% của quốc gia.
Riêng lĩnh vực khách sạn và giải trí - vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các đợt phong tỏa năm ngoái - hiện vẫn mất 2,8 triệu việc làm dù đã có sự phục hồi lớn về tuyển dụng.
Các nhà kinh tế cho rằng hầu hết các cơ hội việc làm sẽ quay lại, nhiều cơ hội sẽ quay lại trong thời gian còn lại của năm, nhưng một số có thể biến mất vĩnh viễn.
Theo dữ liệu từ LinkedIn, được đưa vào chỉ số Trở lại Bình thường, vị trí tuyển dụng trong các ngành chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và bất động sản đang tăng vọt. Yêu cầu thế chấp thấp hơn đã thúc đẩy sự bùng nổ giao dịch nhà ở trên toàn quốc.
Việc học sinh quay lại học hoàn toàn ở trường vào tháng 9 cũng sẽ giúp tình hình việc làm được cải thiện. Tuy nhiên, trong khi Mỹ mất 8,2 triệu việc làm, có nghịch lý là nhiều doanh nghiệp không tìm được lao động như mong muốn. Đáng chú ý, nhiều lãnh đạo các ngành sản xuất phàn nàn rằng họ không tìm được công nhân lành nghề.
Các doanh nghiệp ở khắp các lĩnh vực đang tăng lương để thu hút lao động. Thành viên của Đảng Cộng hòa thì cho rằng trợ cấp thất nghiệp mở rộng trong bối cảnh đại dịch khiến người lao động lựa chọn “thất nghiệp”.
Đối với những người ở nhóm thu nhập thấp hơn, tức kiếm dưới 32.000 USD mỗi năm theo ước tính của Bank of America, ở nhà không đi làm và nhận trợ cấp thất nghiệp có lợi hơn về mặt tài chính. Đối với những người lao động khác, quay lại làm việc là vấn đề cân nhắc nguy phơi nhiễm với COVID-19 đối với cá nhân họ và người thân khi virus vẫn hoành hành trong cộng đồng trên khắp cả nước.
Phụ thuộc vào người tiêu dùng
Người tiêu dùng là động lực của nền kinh tế Mỹ. Chi tiêu cho tiêu dùng đóng góp hơn 2/3 GDP và là thước đo lớn nhất của hoạt động kinh tế. Người tiêu dùng Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt cho ăn uống và đi lại - những lĩnh vực kinh doanh có thời điểm đã phải tạm dừng hoạt động vào năm ngoái.
Hiện chỗ khó nhất trong bài toán phục hồi là làm sao để dân tiếp tục chi tiêu, theo phân tích của CNN. Các gói kích thích và trợ cấp thất nghiệp được mở rộng của Chính phủ sẽ hỗ trợ giải quyết vấn đề này. Nhưng dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế được sử dụng trong chỉ số Trở lại Bình thường cho thấy tỷ lệ tiết kiệm quốc gia vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Mọi người cần chi tiêu thay vì tiết kiệm để hỗ trợ đưa nền kinh tế trở lại bình thường, nhưng sự phục hồi trong chi tiêu, cùng với các yếu tố khác trong đó có sự tăng giá của các nguyên vật liệu, đang khiến lạm phát tăng vọt. Một số nhà kinh tế lo ngại rằng giá cả có thể tăng quá nhanh khiến người dân ít muốn chi tiêu hơn. Đó sẽ là một tin rất xấu cho tiến trình phục hồi kinh tế, nhưng cho đến nay, chưa có dấu hiệu cho thấy điều đó đang xảy ra, các nhà kinh tế này cho hay.
Các chỉ số chứng khoán đang cao gần mức kỷ lục. Nhưng nếu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) xác định lạm phát rất đáng lo ngại, Ngân hàng Trung ương có thể thay đổi chính sách lãi suất gần bằng 0 và chấm dứt sự bùng nổ của thị trường chứng khoán. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao chưa từng thấy kể từ 2008.
Mặc dù Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Fed Jerome Powell liên tục trấn an thị trường rằng lạm phát hiện tại chưa có nguy cơ trở thành vấn đề lớn với nền kinh tế, không ít nhà đầu tư, trong đó có tỷ phú Warren Buffett, đang lo ngại.
Buffet cảnh báo rằng nguy cơ lạm phát tại Mỹ đang tăng lên mức “siêu cao” sau hàng loạt gói hỗ trợ tài khóa khổng lồ của chính phủ đi kèm chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Fed.
Nhìn chung, sự phục hồi kinh tế của Mỹ đang diễn ra khả quan. Nhưng tiến trình này giống như một cỗ máy phụ thuộc vào vô số các bộ phận chuyển động. Nó cũng dựa trên một sự cân bằng tinh tế cần phải được duy trì để mọi thứ trở lại hoàn toàn bình thường, theo phân tích của CNN.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận