Kinh tế chia sẻ Trung Quốc: Từ "đỉnh cao" xuống "vực sâu" vì COVID-19
Ngay tại “trung tâm” của kinh tế chia sẻ toàn cầu - Trung Quốc, các tên tuổi từ lớn đến nhỏ đều đang phải vật lộn sau những cú sốc mà COVID-19 tạo ra.
Trung Quốc – "Thiên đường" kinh tế chia sẻ toàn cầu
Chỉ mới hồi tháng 3 vừa rồi, nền kinh tế chia sẻ Trung Quốc vẫn được xem là đang ở trạng thái đầy triển vọng. Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Nhà nước, tổng giá trị của lĩnh vực này trong năm ngoái đã chạm mốc 470 tỷ USD, tạo ra hơn 6 triệu việc làm, và khả năng tăng trưởng 10-15% trong vòng 2 năm tiếp theo, bởi tác động từ dịch COVID-19 được đánh giá là "không ảnh hưởng quá nhiều".
Kinh tế chia sẻ tại Trung Quốc: Tổng giá trị giao dịch: 3.280 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 473 tỷ USD) Số lượng việc làm tạo ra: 6,2 triệu Số lượng nhà cung cấp: 78.000 Tổng lượng người dùng và nhân viên: khoảng 800 triệu người Nguồn: Văn phòng Thông tin Nhà nước Trung Quốc |
So với các nền kinh tế phát triển phương Tây, Trung Quốc được xem là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi đối với kinh tế chia sẻ, đặc biệt là tâm lý người tiêu dùng. Một thống kê của chính phủ nước này chỉ ra rằng, có tới 93% người dân sẵn sàng sử dụng các dịch vụ hay sản phẩm dùng chung, cao gấp đôi so với tỷ lệ của Mỹ.
Giới trẻ Trung Quốc cũng được cho là không còn quá bận tâm với việc tích lũy tài sản – mua nhà, mua xe như các thế hệ trước. Thay vào đó là thuê nhà qua Airbnb, đi lại bằng app gọi xe Didi Chuxing, hay thậm chí thuê xe đạp của Mobike. "Vì sao phải mua khi bạn có thể đi thuê?" là đánh giá được tờ South China Morning Post rút ra về tâm lý của người trẻ Trung Quốc hiện nay.
Bên cạnh những cái tên đình đám như Didi hay Mobike, các công ty khởi nghiệp kinh tế chia sẻ cũng len lỏi vào từng ngõ ngách của nền kinh tế số 2 thế giới: từ ô che mưa, sạc điện thoại, phòng hát karaoke mini, cho đến ghế massage đặt trong các trung tâm thương mại và nhà hàng.
Nhưng ngay ở giai đoạn phát triển đỉnh cao, mà một số chuyên gia đã sớm nhận ra những vấn đề.
Năm 2017, bà April Rinne, chuyên gia về kinh tế chia sẻ và từng là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc đã nhận định: "Tôi đánh giá cao quyết tâm của chính phủ, nhưng dường như đang có một sự nồng nhiệt quá mức. Hoạt động vẫn chủ yếu thiên về giao dịch kinh tế, các mục tiêu khác như phát triển cộng đồng hầu như chưa có. Và bản thân định nghĩa ‘kinh tế chia sẻ’ cũng là quá rộng. Đây là những vấn đề có thể giải quyết, nhưng đòi hỏi phải có sự chủ động trong chiến lược và chính sách".
Cú sốc bất ngờ từ đại dịch COVID-19
Trái ngược với mọi dự đoán, cho tới hết quý II, các ảnh hưởng từ COVID-19 lên các startup kinh tế chia sẻ Trung Quốc đã được thừa nhận là nghiêm trọng hơn nhiều.
Tại Thâm Quyến, những bốt karaoke mini tại các địa điểm công cộng, vốn luôn tấp nập mỗi tối cuối tuần – một thú giải trí đơn giản và tiện lợi với giới trẻ. Nhưng kể từ tháng 2, chúng đã hầu như bị bỏ không bởi nỗi sợ dịch bệnh.
Anh Liu, một nhân viên thu ngân 28 tuổi thừa nhận: "Từ micro, màn hình, cho tới ghế ngồi – chẳng ai biết trước đó đã có người nào chạm vào. Chúng tôi không muốn động tay vào thứ gì có thể làm mình lây bệnh"
UCM-Bar, 1 startup hàng đầu trong lĩnh vực này tại Trung Quốc đã phải đóng cửa trên toàn quốc theo yêu cầu của giới chức từ giữa tháng 2 theo yêu cầu của giới chức. Và cho đến tận tháng 4, nhiều phòng karaoke vẫn chưa thể mở lại do địa phương chưa cho phép.
Xiaodian, công ty chia sẻ sạc điện thoại cũng thừa nhận mình đang "cạn điện", bởi nhièu nhà hàng và trung tâm thương mại – đối tác chính của công ty này chưa thể vận hành trở lại.
Ngay cả những cái tên lớn cũng không thể tránh khỏi sức ép. Số người dùng thường xuyên của dịch vụ gọi xe Didi Chuxing giảm tới gần 60% trong dịp Tết nguyên đán vừa rồi – theo số liệu của Quest Mobile. Airbnb cũng mất đến 90% khách hàng trong tháng 2 và 3.
Nhiều tháng thực hiện đóng cửa và các biện pháp giãn cách xã hội, được cho là đã đánh thẳng vào một tính chất cốt lõi của kinh tế chia sẻ - tính tương tác.
Ông Wang Jianming, giáo sư Đại học Tài chính – Kinh tế Chiết Giang đánh giá: "Kinh tế chia sẻ là sự tích hợp giữa online (về nền tảng) và offline (về phân phối), nó đòi hỏi giữa người dùng và các phương tiện dùng chung phải có sự tương tác và chia sẻ. Hầu hết doanh nghiệp kinh tế chia sẻ phụ thuộc vào tâm lý người tiêu dùng, vốn bị tác động mạnh vì việc giãn cách xã hội"
Đại dịch khiến cho xe taxi, buồng karaoke hay cả phòng thuê đều đột ngột trở thành một nguồn lây tiềm ẩn. Và khi vệ sinh an toàn trở thành một ưu tiên hàng đầu, người tiêu dùng cũng sẽ cắt giảm tối đa những tiếp xúc không cần thiết – ông Wang đánh giá.
Người tiêu dùng hậu COVID-19 có còn mặn mà với các dịch vụ kinh tế chia sẻ?
Từ sau khi dịch được khống chế tại Trung Quốc, các lĩnh vực kinh tế chia sẻ cũng ít nhiều phục hồi. Lượng đặt phòng trên Airbnb tăng mạnh 200% trong tháng 4, và 99% chủ nhà Trung Quốc đã sẵn sàng cho thuê trở lại. Didi cũng vui mừng thông báo lượng đặt xe đã khôi phục khoảng 60-70% so với giai đoạn trước dịch, trong phỏng vấn của chủ tịch Jean Liu với CNBC.
Các chiến dịch kích cầu của chính phủ, đã giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa đi lên trở lại, trong đó kinh tế chia sẻ cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cảnh báo, thách thức lớn vào lúc này chính là thói quen người tiêu dùng sau đại dịch đang dịch chuyển.
Giáo sư Wang Jianming nhìn nhận: "Người dùng giờ đây mong muốn những sản phẩm và dịch vụ an toàn, tốt cho sức khỏe, có trách nhiệm cộng đồng. Mọi người cũng muốn việc tiêu dùng trở nên nhanh chóng tối đa để tránh tiếp xúc mầm bệnh, và sẵn sàng cắt giảm các nhu cầu chi tiêu mang tính giải trí không quá thiết yếu. Đây là một sự thay đổi sâu sắc và có thể là vĩnh viễn".
Các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ hàng đầu hiểu điều này, và đang nỗ lực thích nghi với trạng thái bình thường mới. Tại Thâm Quyến, anh Pang Zhonghua, một tài xế Didi cho biết, giờ đây mỗi ngày anh phải quay một đoạn video ngắn quá trình vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn xe, chụp ảnh găng tay và nước sát trùng, và gửi về trung tâm điều hành trước khi bắt đầu làm việc. Didi cũng yêu cầu các tài xế phải đặt tấm chắn ngăn cách giữa tài xế và hành khách.
Các công ty chia sẻ xe đạp cũng phải tuân thủ một bộ quy tắc đầu tiên từ giới chức Trung Quốc, ban hành hồi tháng 3 nhằm bắt buộc thực hiện khử trùng phòng dịch hàng ngày đối với giỏ, tay lái và khóa xe – những vị trí mà người thuê xe chạm tay vào nhiều nhất.
Những cái tên khác thì đang tính toán các cơ hội chuyển hướng kinh doanh. Shouqi, một nền tảng gọi xe nhỏ vừa cho biết công ty này đang cho các tài xế và xe trống chuyển sang dịch vụ giao hàng, hợp tác với hãng giao đồ ăn Meituan và Hema – chuỗi siêu thị thực phẩm do Alibaba sở hữu. Hema cũng đang đưa ra 1 sáng kiến mới tận dụng kinh tế chia sẻ hỗ trợ thị trường lao động – đó là "mượn" lại nhân viên của các nhà hàng, rạp chiếu phim hay khách sạn đang tạm thời nghỉ việc do dịch bệnh, để thực hiện đóng gói và phân loại hàng hóa.
Thực tế từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, kinh tế chia sẻ Trung Quốc đã bắt đầu chứng kiến những cú vấp. Vụ sụp đổ hãng xe đạp chia sẻ lớn thứ 2 nước này Ofo, cùng hàng triệu chiếc xe đạp chất chồng tại nhiều đô thị - là hệ quả của 1 cuộc đua phát triển xe đạp chia sẻ quá nóng trong các năm trước. Những lo ngại về an toàn cũng dấy lên, sau các vụ tài xế của Didi sát hại hành khách.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, dịch bệnh mới chính là bước ngoặt làm thay đổi phần lớn cuộc chơi kinh tế chia sẻ. "Kinh tế chia sẻ đã là động lực lớn cho kinh tế Trung Quốc nhờ phân bổ tốt các nguồn lực nhàn rỗi và mang lại tiện lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, dịch bệnh sẽ làm đẩy nhanh tốc độ đào thải với những cái tên nhỏ hơn, đi chậm hơn trong cuộc đua này" – Giáo sư Wang Jianming nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận