Kinh doanh xăng dầu: Luật phải thị trường hóa, loại bỏ các “giấy phép con”
Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc” do Báo Tiền phong tổ chức sáng ngày 6/3, Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai - cho rằng: Luật phải thị trường hoá, cạnh tranh, giảm bớt sự điều hành của nhà nước. Đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ phải hài hoà lợi ích.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai - cho rằng, thương nhân phân phối có cùng nỗi khổ như doanh nghiệp bán lẻ. Thời gian qua, cả bán lẻ, thương nhân đều lỗ. Doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối đang là tác nhân, nguyên nhân khiến phân phối và bán lẻ bị lỗ. Việc đứt gãy xăng dầu, qua dịch bệnh, chiến tranh, lộ rõ điều hành vĩ mô có vấn đề. Đây là giọt nước tràn ly, cho thấy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi toàn hệ thống có những bất cập.
“Sau sửa Nghị định 83, hậu quả đứt gãy làm doanh nghiệp điêu đứng rất rõ ràng. Lượng hàng dự trữ không còn, chúng tôi là thương nhân phân phối mà cũng không được rót xăng dầu thì làm sao chúng tôi rót cho bán lẻ. Bất cập là từ đầu mối nhập khẩu xăng dầu, việc điều hành ở đó bất cập. Chúng tôi rất lỗ, doanh nghiệp sắp chết”, ông Phụng nói.
Ông Phụng cho rằng, đang có hiểu lầm về thương nhân phân phối là trung gian. Cũng có ý kiến thương nhân phân phối không có vốn, không có hệ thống. Nhưng để cấp 1 giấy phép thương nhân phân phối, phải hội tụ đủ các yếu tố theo quy định. Không phải tất cả các doanh nghiệp đều như vậy. Vai trò thương nhân phân phối trong hệ thống là rất quan trọng.
Theo ông Phụng, doanh nghiệp phân phối không phải là nơi điều tiết chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ. Chiết khấu là do đầu mối quyết định. Doanh nghiệp bán lẻ có trách nhiệm đối chiếu”, ông nói. Ông cho rằng, vai trò thương nhân phân phối đã sáng tỏ, thời gian tới làm sao sửa nghị định đi vào cuộc sống. Đây là bài học lớn trong lịch sử kinh doanh xăng dầu. Cần sửa triệt để, không thì để như hiện nay. Cần để thị trường tự vận hành, sau đó sửa thành Luật dầu khí.
Luật phải thị trường hoá, cạnh tranh, giảm bớt sự điều hành của nhà nước. Đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ phải hài hoà lợi ích. Ngoài ra cần sửa các quy định bất cập như các loại “giấy phép con” như : môi trường, tràn dầu. “Điều hành giá cần trở lại 15 ngày, để doanh nghiệp đủ thời gian tính toán. Cơ quan quản lý hậu kiểm nhưng không làm doanh nghiệp sốc”, ông Phụng đề xuất
Sửa đổi nghị định sẽ tạo “sân chơi” sòng phẳng, minh bạch?
Ông Văn Công Thật - Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (huyện Cần Giờ, TPHCM) - cho rằng, một đất nước muốn phát triển bền vững phải đảm bảo năng lượng được xuyên suốt, không thể thiếu chuỗi cung ứng xăng dầu quan trọng là các doanh nghiệp bán lẻ cung ứng ra thị trường đến tay người tiêu dùng. Nhưng hiện nay do cơ chế điều hành còn bất cập và thiếu minh bạch nên xảy ra những tình trạng vừa qua.
Theo ông Thật, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được ký hợp đồng lấy hàng từ 1 nhà cung cấp trong khi doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý đều có cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng được lấy xăng dầu nhiều nguồn chồng chéo lẫn nhau còn bán lẻ thì hạn chế duy nhất có một nguồn. Vậy dự thảo sửa đổi Nghị định lần này có phá thế độc quyền để cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh xăng dầu tiến tới cơ chế thị trường minh bạch không?
“Trong cơ cấu giá thành có định mức chi phí kinh doanh và chi phí lợi nhuận nhưng không phân chia quy định cho từng khâu tham gia chuổi cung ứng nên dẫn đến tình trạng khi biến động giá thế giới tăng và kỳ điều hành tăng theo thì các nhà cung cấp (đầu mối lẫn thương nhân phân phối) găm hàng bằng biện pháp chiết khấu bằng 0 đồng hay thông báo nguồn hàng chưa về cảng hoặc chờ lấy mẫu làm cho đứt gãy chuổi cung ứng đến người tiêu dùng Vậy dự thảo sửa đổi Nghị định lần này có đưa vào chi phí cố định cho bán lẻ trong cơ cấu giá thành không?”, ông Thật nêu ý kiến.
Ông Thật cũng nêu những bất cập trong việc điều tiết quỹ bình ổn, dẫn đến thiếu minh bạch. Cụ thể, khi giá thế giới xuống thì trích lập nhiều. Khi giá lên, xả ra ít làm giá trong nước không sát theo thị trường và số tiền trích lập quỹ bình ổn là tiền ứng trước của khách hàng nằm trong tài khoản doanh nghiệp đầu mối?
“Vậy đối tượng nào được phép quản lý sử dụng ra sao, trong khi đối tượng người tiêu dùng hoàn toàn không biết số tiền phải ứng trước bao nhiêu cho mỗi lít xăng dầu khi có nhu cầu? Khi nào nhận lại, lãi suất ra sao ai hưởng? Đó là quan hệ dân sự thiếu minh bạch. Trong khi đó Nhà nước không quản lý. Vậy theo Bộ Tài chính làm thế nào để minh bạch trong trích lập quỹ bình ổn để đạt được mục tiêu và ý nghĩa tên gọi “bình ổn” không ?”, ông Thật đặt vấn đề.
Ông cũng đề xuất chuỗi cung ứng chỉ quy định 2 cấp là đầu mối và thương nhân phân phối bán lẻ. Cùng đó, cần phải đưa vào Nghị định mức chi phí cố định tối thiểu cho các bán lẻ trong cơ sở giá bán lẻ khi Nhà nước ấn định điều hành giá để đảm bảo hoạt động được duy trì xuyên suốt vì các doanh nghiệp bán lẻ là chuỗi cung ứng quan trọng đến từng tế bào trong xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận