Kinh doanh nhà phố tiếp tục thua lỗ vì dịch bệnh
Sự bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đang đẩy nhiều cơ sở kinh doanh vào bước đường cùng khi phải chi trả quá nhiều mà gần như không có khoản thu.
Mất tiền tỷ vì dịch bệnh
Khởi nghiệp không đúng thời là lời tự an ủi của anh Phương, một hộ kinh doanh nhà phố cho thuê trên đường Phạm Văn Đồng, quận Phú Nhuận. Theo chia sẻ từ nhà đầu tư này, từ thời điểm 2019 anh đã chuyển hướng sang hình thức săn tìm các mặt bằng kinh doanh nhà phố đẹp để thuê dài hạn sau đó cho các bên thứ 3 thuê lại kiếm lời. Hoạt động này diễn ra khá thuận lợi cho đến năm 2020 khi Covid-19 bùng phát. Cố cầm cự qua hết 1 năm, nghĩ mọi thứ sẽ ổn hơn thì đợt bùng phát lần này khiến anh Phương thực sự điêu đứng.
Được biết căn nhà phố 1 trệt 2 lầu anh đang thuê trên đường Phạm Văn Đồng có thời hạn thuê là 5 năm, tầng trệt và tầng 1 cho một quán cà phê thuê lại kinh doanh, tầng trên cùng được một doanh nghiệp kinh doanh giày da nhập khẩu mở văn phòng. Từ năm 2020 doanh nghiệp thuê tầng 2 gặp khó khăn nên chấm dứt thuê, còn quán cà phê thì cố gắng cầm cự cho đến đầu tháng 3 vừa qua khi kết thúc hợp đồng thuê cũng trả lại mặt bằng do việc kinh doanh thu không đủ bù chi.
Vẫn nuôi hi vọng sẽ kiếm được khách thuê mới thì Covid-19 giáng thêm một đòn đau cho nhà đầu tư này. Không thể làm gì hơn, anh Phương đành chấp nhận thanh lý hợp đồng thuê, trả lại mặt bằng cho chủ nhà và chịu mất trắng một khoản tiền hơn cả tỷ đồng bao gồm chi phí thuê và số tiền cọc anh đã ứng trước cho chủ nhà do đơn phương chấm dứt hợp đồng.
“Mất tiền tỷ ai cũng đau nhưng thà cắn răng chịu đau, cắt bỏ chứ càng kéo dài, chi phí càng cao, tôi không cách nào chịu nổi việc thanh toán tiền thuê hàng tháng như muối bỏ bể. Tập tành đầu tư được 3 năm, kiếm lời được 1 còn 2 năm liên tục thua lỗ. Nếu kéo thêm 1 năm nữa thì tôi nghĩ mình sẽ phá sản và ngập trong nợ lần khó thoát ra”, anh Phương cho hay.
Cùng cảnh ngộ, ông N.P. Hòa, một hộ đã có nhiều năm kinh doanh giày da, túi sách ngoại nhập tại TP. HCM cũng vừa phải trả trước hạn căn nhà phố trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình. Được biết mặt bằng này ông Hòa thuê thời hạn 5 năm và phải chịu cọc tiền 6 tháng. Bên cạnh chi phí thuê mướn, ông cũng đã bỏ ra gần 200 triệu để tân trang, thiết kế theo nhu cầu. Tuy nhiên dịch bệnh khiến việc làm ăn của ông gặp khó khăn liên tục.
“Từ thời điểm đầu năm 2020 đã có dấu hiệu thua lỗ triền miên. Chủ nhà cũng có tâm khi giảm giá thuê xuống hơn 30% để hỗ trợ nhưng cuối cùng kinh doanh vẫn bết bát nên trong đợt bùng dịch tháng 4 vừa qua, tôi chọn thanh lý hợp đồng thuê trước hạn. Tiền thuê gần 90 triệu đồng/ tháng cộng thêm 6 tháng tiền cọc và chi phí tân trang mặt bằng đều phải chịu mất trắng vì tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn”, ông Hòa cho hay.
Khó khăn có thể vẫn kéo dài
Chia sẻ về tình trạng buộc phải chấm dứt hợp đồng thuê nhà sớm của nhiều hộ kinh doanh, một môi giới nhà phố tại quận 1 cho biết, việc trả mặt bằng và mất cọc thực chất không mang lại lợi ích cho bên nào và gần như cả chủ nhà lẫn khách thuê đều bất lợi. Chủ nhà tuy nhận khoản bồi thường nhưng trong điều kiện hiện thời để kiếm được khách thuê mới sẽ phải tiếp tục giảm giá thêm. Ngoài ra còn mất thêm thời gian chờ đợi tìm khách, chịu khoản phí môi giới cho hợp đồng thuê này.
Còn với bản thân khách thuê thì phải bước đến đường cùng không thể cầm cự nữa mới đành chấp nhận bỏ cọc, xem như cắt lỗ, ngăn tình trạng thua lỗ kéo dài thêm. Dịch bệnh không chỉ tác động đến những hộ kinh doanh mà ngay cả các chủ nhà cũng đối diện với nhiều gánh nặng khi khách thuê đột ngột trả nhà và đòi tiền đã đóng khiến họ không thể xoay sở đủ tiền hoàn trả trong thời gian ngắn.
Năm 2020 là giai đoạn cực kỳ khó khăn với thị trường cho thuê mặt bằng nhà phố, mọi chuyện tưởng sẽ tươi sáng hơn khi dấu hiệu khởi sắc nhen nhóm trong quý 1/2021. Tuy nhiên, trong vài tuần đầu tháng 5, từ khi dịch Covid-19 bùng phát lại, tình hình chuyển biến xấu hơn so với hồi tháng 3 và 4/2021. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng khó khăn dịch bệnh kéo dài cùng với sự phát triển nhanh của thương mại điện tử khiến hơn 8.700 doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại tiếp tục rời thị trường, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 khiến nhiều hộ kinh doanh chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động. Ngoài ra, xu hướng kinh doanh trực tuyến cũng khiến cho mặt bằng nhà phố tại TP.HCM và các thành phố lớn khác thêm khó khăn trong việc tìm khách thuê.
Ông Troy Griffiths, TGĐ Savills Việt Nam nhận định, gần như ngay lập tức, Covid-19 đã tác động trực diện lên thị trường cho thuê nhà phố. Nhiều chủ nhà muốn giữ chân khách thuê phải chấp nhận khoản chiết khấu lên đến 40-50% so với mức 20% tối đa được đưa ra các năm trước đây. Khách thuê thuộc ngành hàng ăn uống (F&B) và thời trang cũng có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê hoặc do trả mặt bằng hoặc do giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí.
Theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, giá thuê nhà mặt phố thời điểm tháng 2/2021 khi đợt dịch thứ ba bùng phát ghi nhận mức giảm lên đến 50%. Xu hướng này có thể còn nặng nề thêm do tác động của đợt dịch mới, nghiêm trọng hơn trong tháng 5/2021. Giá thuê nhà mặt phố giảm phụ thuộc rất lớn vào biến số Covid-19. Nếu đại dịch sớm được kiểm soát và niềm tin vaccine mạnh dần lên, thị trường nhà phố cho thuê có thể khó khăn thêm 3-6 tháng, sau đó sẽ vượt qua thách thức và hồi phục dần với tốc độ chậm. Tuy nhiên, nếu các đợt dịch vẫn tái bùng phát, tâm lý khách thuê nhà phố mặt tiền để kinh doanh sẽ ngày càng xuống thấp, dẫn đến giá thuê chưa dứt được mạch giảm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường