Kinh doanh ế ẩm “gồng lỗ” vài triệu mỗi ngày, loạt chủ shop trả mặt bằng
Kinh doanh "ế ẩm" do ảnh hưởng bởi khó khăn chung khiến hàng loạt chủ shop trả mặt bằng. Để giữ chân người thuê, nhiều chủ nhà mặt phố khu vực nội thành Hà Nội chấp nhận giảm giá từ 10 - 30%...
Chị Nhung, quận Cầu Giấy (Hà Nội) – Chủ chuỗi 2 cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang cho hay, chị kinh doanh quần áo đã đâu, hiện có hai cửa hàng thuê mặt bằng trên địa bàn quận Cầu Giấy. Trong tháng 12 tới là hết hạn hợp đồng một trong hai cửa hàng, chị đang phân vân có nên duy trì thuê tiếp hay dừng lại vì doanh thu thời gian gần đây giảm nhiều.
“Trước đây tôi bán rất chạy do chịu khó trang trí cửa hàng, thu hút nhiều khách. Nhất là các dịp cuối năm, Tết, 8/3 Quốc tế phụ nữ bán không kịp ăn cơm. Nhưng hơn nửa năm nay buôn bán rất chậm, hàng tồn nhiều. Trong khi quần áo là mặt hàng nhanh lỗi mốt.
Tôi có chuyển đổi bán qua các kênh online, đơn hàng cũng tương đối nên cũng gánh gồng một phần doanh thu. Tuy nhiên, trừ các khoản chi phí, thì hiện tại tôi gồng lỗ cho hai cửa hàng vài triệu đồng mỗi ngày cho các khoản chi phí mặt bằng, điện nước, tiền bảo vệ, tiền nhân viên,...
Hiện tôi đang tính toán hoặc là trả hết cả hai mặt bằng, cố gắng bán hàng online tại nhà; hai là trả bớt một mặt bằng, cố gắng gồng lỗ giữ lại một để làm thương hiệu offline, đồng thời đẩy mạnh làm nơi livestream bán hàng online. Tôi tiếp tục nghiên cứu mẫu quần áo hot, đa dạng nhưng giá tiền vừa phải để giữ thương hiệu”... chị Nhung chia sẻ.
Ông Chính – chủ nhà tại phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, thông tin giá thuê nhà phố tại khu vực này thường duy trì ở mức 50 - 65 triệu đồng/tháng từ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây một số nhà đã giảm giá thuê từ 5 - 10% để thu hút khách hàng có nhu cầu thuê để kinh doanh. Thậm chí, nhiều chủ nhà chấp nhận giảm giá 20% - 30% trong 12-18 tháng đầu để thu hút khách thuê.
"Nhu cầu thuê tại khu vực này thường rất cao tuy nhiên khi hỏi mức giá thì nhiều khách hàng bỏ chạy vì giá thuê quá tầm. Một số nhà chỉ cho thuê được vài tháng rồi khách hàng đàm phán giảm giá thuê hoặc sẽ trả mặt bằng. Nguyên nhân cũng bởi kinh tế khó khăn, tình hình kinh doanh, buôn bán ế ẩm nên khách thuê cũng muốn chủ nhà hỗ trợ giảm giá để ký hợp đồng thuê lâu dài", ông Chính cho biết.
Theo một khảo sát mới đây của Batdongsan.com.vn ghi nhận, thực trạng suy giảm cả nhu cầu và giá thuê nhà phố.
Cụ thể, nhà mặt phố tại quận Hoàn Kiếm như: phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo và khu vực phố cổ thì tình trạng mặt bằng bị khách trả trước hạn do không kinh doanh được đang giảm từ 5 - 10%. Theo đó, tại phố Bà Triệu nhiều chủ nhà chào giá thuê dao động 130 - 450 triệu đồng/m2 với diện tích khoảng 150m2, thấp hơn 10% so với năm 2022 (từ 150 - 500 triệu đồng/m2). Những mặt tiền kinh doanh nhỏ hơn, có diện tích từ 50 - 60m2, giá chào thuê nhà phố hiện tại cũng chỉ đang ở mức 55 - 84 triệu đồng/tháng, giảm từ 5-10% so với cùng kỳ năm 2022 (từ 60-90 triệu đồng/tháng).
Còn giá thuê nhà mặt phố Trần Hưng Đạo từ mức 160-500 triệu đồng/tháng với các diện tích lớn cũng giảm xuống 150-460 triệu đồng/tháng. Các diện tích nhỏ 40-60m2, giá thuê ghi nhận trên một số hợp đồng cũng chỉ đạt mức 40-70 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 10% so với năm 2022.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh trong quý III/2023 so với cùng kỳ năm 2022 tại các trung tâm thương mại cơ bản ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng giảm, xuất hiện nhiều trở lại hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay tại các vị trí trung tâm của các thành phố lớn. Theo đó, tại Hà Nội, mặt bằng trống khi nhiều cửa hàng đóng cửa kinh doanh, treo biển cho thuê mặt bằng xuất hiện nhiều tại phố Hàng Ngang, Hàng Bạc, Cầu Giấy,... Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh ảm đạm và giá thuê nhà phố vẫn cao "quá sức chịu đựng" của khách hàng.
Còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường mặt bằng cho thuê nhà phố bắt đầu có hiện tượng “ế” xuất hiện từ quý II/2023, đặc biệt là ở các căn nhà phố riêng lẻ tại Hà Nội và TP.HCM. Nguyên nhân bởi việc các doanh nghiệp thu hẹp dần quy mô, nguy cơ “dư cung” tạm thời rất dễ xảy ra với phân khúc bất động sản văn phòng, bán lẻ cho thuê.
Góp ý thêm về thực trạng này, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhận định, những tháng vừa qua, nhiều hộ kinh doanh, thương hiệu, nhãn hàng đã phải trả mặt bằng, tháo chạy khỏi các tuyến phố lớn. Nguyên nhân bởi ngành bất động sản ảm đạm, đóng băng đã tác động lớn đến sức mua sắm của nhiều cửa hàng dịch vụ, toàn bộ nền kinh tế khi tiêu dùng giảm rõ rệt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận