Kinh doanh bán lẻ tăng tốc trở lại sau đại dịch
Sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường kinh doanh bán lẻ đã lấy lại tốc độ phát triển khi biết cách nắm bắt xu hướng, nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngày 30/9, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố nghiên cứu độc lập, bảng xếp hạng Top 10 công ty bán lẻ uy tín năm 2022 với những doanh nghiệp như Central Group, Lotte, Saigon Co.op, Satra, Winmart,...
Báo cáo chỉ ra, trái ngược với tình trạng ảm đạm khi hàng loạt các cửa hàng phải đóng cửa nhằm thực hiện giãn cách xã hội cách đây một năm, thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 4.170 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2022 cho thấy, 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch.
Đồng thời, có sự phân hóa nhất định giữa các nhóm hàng hóa khác nhau. Tỷ lệ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh vận hành các chuỗi bán lẻ hàng lâu bền cao hơn hẳn so với chuỗi hàng tiêu dùng nhanh.
Trong từng ngành hàng cũng chứng kiến sự chênh lệch khoảng cách khi những doanh nghiệp bán lẻ có quy mô lớn, chiến lược kinh doanh bài bản ghi nhận tốc độ phục hồi và tăng trưởng ấn tượng hơn so với nhóm doanh nghiệp còn lại.
Dưới áp lực tăng giá chi phí nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới, các doanh nghiệp không tự chủ được nguồn nguyên liệu sẽ chịu áp lực điều chỉnh lớn lên biên lợi nhuận. Một số doanh nghiệp có thể chủ động tăng giá bán để chuyển một phần áp lực chi phí sang phía khách hàng, giúp doanh thu tăng lên nhưng sẽ khiến biên lợi nhuận phần nào giảm thấp.
Hai năm đại dịch đã định hình những xu hướng tiêu dùng mới, với một vài thay đổi rõ rệt được chứng kiến trên phạm vi rộng.
Thứ nhất, bán hàng trực tuyến trên các kênh truyền thông xã hội (social commerce) sẽ bùng nổ khi người tiêu dùng sẽ đọc và xem nhiều hơn các đánh giá, đặc biệt từ các KOLs (những người có ảnh hưởng).
Thứ hai, cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng để tăng tính tương thích giữa sản phẩm và nhu cầu khách hàng. Để có thể hiểu người tiêu dùng nhiều hơn, nhiều doanh nghiệp bán lẻ tham gia khảo sát của Vietnam Report dự kiến tăng chi cho marketing nói chung.
Thứ ba, bán hàng đa kênh tiếp tục nở rộ nhờ ưu điểm làm tăng trải nghiệm mua sắm liền mạch không gián đoạn cho người tiêu dùng. Sự kết hợp của các cửa hàng bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử sẽ trở thành những nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển đa kênh của doanh nghiệp bán lẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận