Kinh Bắc City (KBC) đặt mục tiêu tham vọng giữa cơn “đói” vốn đầu tư khu công nghiệp
Năm 2021, KBC dự kiến sẽ huy động nguồn vốn khoảng từ 3.000 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng các dự án cũ và mới và bổ sung nguốn vốn kinh doanh.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã KBC) đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 với kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng. “Đại gia” khu công nghiệp phía bắc đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến 2.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với thực hiện năm trước. Nếu thành công, đây sẽ là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục kể từ khi hoạt động của KBC.
Năm 2020, KBC ghi nhận 2.154 tỷ đồng doanh thu, giảm 33% so với năm ngoái trong đó hoạt động kinh doanh cốt lõi là cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản giảm 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm tới gần 78% so với năm trước, xuống còn 207 tỷ đồng do tiến hành điều chỉnh cập nhật tăng giá vốn cho khu công nghiệp.
Khát vốn đầu tư Khu công nghiệp
Đi cùng kế hoạch kinh doanh, KBC dự kiến sẽ huy động nguồn vốn khoảng từ 3.000 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng các dự án cũ và mới và bổ sung nguốn vốn kinh doanh. Công ty cam kết sẽ đẩy nhanh thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, KCN Tràng Duệ 3, KĐT mới Phúc Ninh, KĐT Tràng Duệ, KĐT Tràng Cát trong năm 2021.
KBC dự kiến sẽ trình cổ đông việc không chia cổ tức tiền mặt tối thiểu 10% cho năm 2019 đã được ĐHĐCĐ thường niên 2020 thông qua để giữ lại tái đầu tư. Thêm vào đó, HĐQT trình cổ đông thông qua ủy quyền cho HĐQT xây dựng phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ chi tiết, tăng vốn từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến cuối năm 2020.
KBC cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án, kế hoạch bàn giao đất cho khách hàng. Do đó, dòng tiền của doanh nghiệp chỉ đảm bảo việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho dự án khu công nghiệp Tràng Cát lên tới 3.500 tỷ đồng để hưởng lợi giá vốn cho dự án do năm 2021 giá tiền thuê đất dự kiến sẽ bị điều chỉnh tăng lên.
Mới đây, KBC đã thông qua phương án phát hành 15 triệu trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo với tổng giá trị huy động theo mệnh giá vào mức 1.500 tỷ đồng nhằm chi cho vay tại các đơn vị phát triển KCN Sài Gòn - Bắc Giang (500 tỷ), KCN Sài Gòn - Hải Phòng (600 tỷ), Phát triển Đô thị Sài Gòn - Tây Bắc (400 tỷ đồng).
Trong quý 1/2021, KBC đã lên kế hoạch huy động 400 tỷ đồng thông qua chào bán trái phiếu riêng lẻ nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và/hoặc giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các dự án công ty con đang triển khai như KCN Sài Gòn - Hải Phòng (chủ đầu tư khu công nghiệp Tràng Duệ) và KCN Sài Gòn - Bắc Giang.
Trước đó, trong năm 2020, KBC đã đầu tư trực tiếp vào các dự án khu công nghiệp khu đô thị số tiền 4.518 tỷ đồng, gấp 6,2 lần so với năm trước. Riêng dự án khu đô thị Tràng Cát, tổng công ty rót 3.503 tỷ đồng để hoàn thành nộp tiền sử dụng đất. Hải Phòng đã bàn giao hiện trạng đất trên thực địa để công ty làm các thủ tục triển khai, đầu tư xây dựng dự án.
Ngoài ra, KBC cũng đầu tư hơn 600 tỷ vào khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh và khu công nghiệp Quang Châu để xây dựng cơ cở hạ tầng, đền bù đất.
Hưởng lợi từ quỹ đất lớn
Dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng và các doanh nghiệp đã đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Việt Nam. SSI Research cho rằng một khi dịch bệnh lắng xuống nhu cầu đối với các khu công nghiệp Việt Nam sẽ tăng đáng kể.
Bên cạnh đó, quy hoạch khu công nghiệp mới của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 có thể gia tăng diện tích đất khu công nghiệp mới trong tương lai, đặc biệt đối với các khu công nghiệp lớn với tổng diện tích đất trên 1000 ha đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI.
Ngoài ra, giá cho thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực, cụ thể thấp hơn khoảng 25-30% so với Indonesia và Thái Lan, là các quốc gia hưởng lợi từ dòng vốn FDI. Giá đất khu công nghiệp tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 7-8% tại khu vực phía Nam và 5-6% tại khu vực phía Bắc trong năm 2021.
Cùng quan điểm, VCBS đánh giá quỹ đất lớn sẽ là nền tảng để KBC tạo ra giá trị và duy trì tăng trưởng giai đoạn tiếp theo trong bối cảnh quỹ đất phát triển khu công nghiệp đang dần cạn kiệt, đặc biệt tại khu vực miền Bắc.
Trên thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát tình hình dịch bệnh tốt nhất trong khu vực và đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn lên kế hoạch dịch chuyển đến như Microsoft, Google, LG, Foxconn, Luxshare ICT... Đầu năm 2021, Foxconn đã đầu tư dự án sản xuất máy tính trị giá 270 triệu USD tại KCN Quảng Châu (Bắc Giang) thuộc sở hữu của KBC.
Theo VCBS, kết quả kinh doanh mảng cho thuê đất công nghiệp giai đoạn tiếp theo của KBC chủ yếu đến từ 4 khu công nghiệp KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tràng Duệ 3, KCN Quang Châu, KCN Tân Phú Trung. Trong mảng phát triển khu đô thị, Phúc Ninh và Tràng Duệ là 2 dự án kinh doanh trọng tâm của KBC thời gian tới.
Mặt khác, VCBS cho rằng những thay đổi liên quan đến chính sách quản lý về hoạt động kinh doanh KCN có ảnh hưởng lớn lên các doanh nghiệp như KBC. Rủi ro này đến từ việc khó thành lập các dự án mới; dự án bị thu hồi; dự án bị chuyển đổi mục đích sử dụng; thay đổi chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư; các quy định ưu đãi chồng chéo, không rõ ràng, gây hiểu lầm; thay đổi chính sách thuế; thay đổi chính sách về đóng tiền thuê đất hàng năm; thay đổi các quy định về giá đất đền bù…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận