Kinh Bắc City: Doanh thu đạt 2.752 tỷ đồng, nợ dài hạn tăng mạnh thêm gần 1.400 tỷ đồng
Sau 3 đợt phát hành trái phiếu, nợ vay của Kinh Bắc City tăng mạnh trong nửa đầu năm. Chủ nợ lớn nhất của Kinh Bắc hiện nay là PVcomBank với dư nợ 2.500 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm.
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc City, mã KBC - HoSE) công bố BCTC hợp nhất quý II/2021 với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, riêng trong quý II/2021, doanh thu thuần của Kinh Bắc đạt xấp xỉ 750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 70,6 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 34,4 tỷ đồng), lần lượt tăng 336% và 541% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý II/2021 tăng đột biến là do công ty tăng ghi nhận doanh thu từ hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị.
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận quý II/2021 tăng cao so với cùng kỳ tuy nhiên so với 2 quý gần đây thì lại thấp hơn đáng kể.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 785 tỷ đồng, lần lượt tăng 278% và 647% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, KBC đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 2.000 tỷ đồng. Như vậy, Kinh Bắc đã hoàn thành được 42% chỉ tiêu doanh thu và 39% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của Kinh Bắc tăng 16,6% so với cuối năm 2020, lên 27.732 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 11.623 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản, tập trung lớn nhất là ở dự án Khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát (7.270 tỷ đồng).
So với đầu năm, lượng tiền mặt của Kinh Bắc cũng tăng lên đáng kể. Công ty có 2.184 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng 108% so với đầu năm.
Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của Kinh Bắc tăng lên đáng kể, trong đó có nhiều giao dịch liên quan đến các công ty trong "hệ sinh thái" của Chủ tịch Kinh Bắc City Đặng Thành Tâm.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý II/2021, Kinh Bắc có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn trị giá hơn 675 tỷ đồng với CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT), tăng mạnh so với con số 275 tỷ đồng hồi cuối quý I/2021. Ngoài ra, Kinh Bắc còn có phải thu khác về cho vay dài hạn lên đến 599,5 tỷ đồng tại SGT.
Bản thân ông Đặng Thành Tâm cũng đang được Kinh Bắc tạm ứng 147,4 tỷ đồng.
Về nợ, vay ngắn hạn của Kinh Bắc tăng 334 tỷ đồng so với đầu năm, ghi nhận ở mức 1.881 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2021. Chủ yếu trong đó là vay dài hạn đến hạn trả, đạt 1.270 tỷ đồng.
Đáng chú ý hơn là vay dài hạn của công ty tăng mạnh thêm 1.392 tỷ đồng lên 5.610 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do công ty đã phát hành trái phiếu huy động vốn trong kỳ. Vào tháng 3, tháng 4 và tháng 6, Kinh Bắc đã huy động thành công được hơn 2.411 tỷ đồng với lãi suất 10,5 - 10,8%/năm.
Về vốn vay ngân hàng, chủ nợ lớn nhất của Kinh Bắc là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) với dư nợ 2.500 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm, giải ngân từ tháng 12/2020. Kinh Bắc thế chấp cho khoản vay này bằng toàn bộ tài sản liên quan đến dự án Tràng Cát.
Việc nợ vay tăng mạnh trong kỳ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chi phí tài chính của công ty tăng mạnh 230% trong quý II lên 157 tỷ đồng.
Tại một hội thảo cuối tháng 7/2021, ông Đặng Thành Tâm cho biết, hoạt động kinh doanh năm nay và năm sau của Kinh Bắc sẽ có lợi nhuận đột biến nên công ty buộc phải nâng vốn để thực hiện dự án, đáp ứng được các tiêu chí khi đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận