Kim ngạch xuất khẩu giảm, doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh tìm thị trường
Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đang giảm mạnh nên doanh nghiệp phải bàn giải pháp để vượt giai đoạn khó khăn này.
Xuất khẩu giảm sâu, đơn hàng nhỏ lẻ
Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cung cấp thông tin, xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2023 dự kiến đạt 18,6 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, kết quả đạt được vẫn còn xa so với mục tiêu 45 - 47 tỷ USD trong cả năm nay.
Sức cầu thị trường thấp, lượng hàng tồn kho của thế giới vẫn ở mức cao, khiến các đơn hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam suy giảm về cả số lượng và giá bán.
Ông Trương Văn Cầm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thừa nhận, ngành dệt may đang rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn giai đoạn Covid-19. Để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động và khách hàng, nhiều doanh nghiệp buộc phải nhận đơn hàng vốn không phải là thế mạnh.
“Dự báo trong các tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may và thời trang vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid-19”, ông Cầm nhận định.
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, tình hình hiện tại của nhiều doanh nghiệp dệt may là phải làm nhưng đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún, giá gia công thấp.
“Chưa bao giờ có tiền lệ doanh nghiệp may quy mô vài ngàn lao động phải nhận đơn hàng đơn vị 500, 700 đến 1.000 áo jacket, nhưng bây giờ phải làm, vì nếu không làm, khách không biết đến mình và doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng", ông Hiếu nói.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, có những đơn hàng đã gia công xong nhưng khách lùi thời gian nhận hàng, gây khó cho doanh nghiệp về dòng tiền, phải lo kho bãi để lưu trữ sản phẩm khi mà hàng chưa xuất.
“Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tại các thị trường chủ lực của ngành như Mỹ, Trung Quốc,… đều giảm trên 30% hay Châu Âu cũng giảm 12%. Dự kiến quý II/2023 chỉ đạt được 20% so với kế hoạch”, ông Hiếu đánh giá.
Ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Trung Quy chia sẻ: “Các đơn đặt hàng trong tháng 1 và tháng 2 đang chậm, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để nhà máy có thể hoạt động khoảng 70% công suất và xuất khẩu đến các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, châu Âu, Mỹ...”.
Còn đại diện Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Tim Đỏ nhận xét, về thị trường xuất khẩu, các quốc gia có những đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng so với trước. Đơn giá sản xuất giảm, nhưng đòi hỏi chất lượng cao hơn, chuyển đổi sang các phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thân thiện môi trường.
Cần đa dạng hóa thị trường
Trước các yếu tố tác động mạnh đến năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam khiến cho kim ngạch xuất khẩu bị suy giảm, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng các giải pháp bảo tồn nguồn lực để vượt qua năm kinh doanh có nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực con người chất lượng cao và tài chính.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng trong giai đoạn các thị trường truyền thống giảm mạnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp dệt may phải chuyển dịch, đa dạng hóa thị trường.
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm ra những phân khúc thị trường riêng, đặc biệt là thị trường của các nước khu vực SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập) bởi đơn hàng tại khu vực này đã bắt đầu tăng nhanh. Ngoài ra, thị trường khác mà các doanh nghiệp dệt may có thể hướng đến là thị trường Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông.
“Đây là mục tiêu có tính then chốt. Chúng ta phải tập trung vào đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nhãn hàng và đa dạng hóa kiểu dáng của các sản phẩm để làm sao có thể thích ứng được với tất cả những yêu cầu và đòi hỏi của thị trường”, ông Giang cho biết.
Thêm nữa, ông Giang đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng giải pháp về thích ứng với phát triển bền vững của ngành dệt may toàn cầu theo yêu cầu từ các nhà nhập khẩu, từ các nước nhập khẩu.
Hiệp hội sẽ luôn chia sẻ thông tin và đưa ra những cảnh báo, cũng như những giải pháp của thị trường để các Hội viên tiếp tục nắm thông tin từ đó đưa ra những giải pháp về đầu tư chiều sâu, đầu tư về chiến lược và đầu tư về cơ sở vật chất, đáp ứng những yêu cầu của các nhãn hàng.
Cuối cũng là xây dựng giải pháp về chiến lược nguồn lực. Ông Giang đánh giá, đây là giải pháp sống còn của ngành dệt may Việt Nam.
“Nguồn lực của ngành dệt may Việt Nam phải đáp ứng được nhu cầu, thích ứng nhanh với những cơ chế thị trường đang có chuyển biến rất nhanh với đòi hỏi phải giao hàng nhanh, giá thành phải cạnh tranh và chất lượng phải luôn ổn định. Đặc biệt, là đòi hỏi sự minh bạch trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Giang chỉ ra.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcap công bố cuối tháng 6/2023 cho biết, các thương hiệu và nhà bán lẻ toàn cầu đã giảm mạnh hàng tồn kho trong giai đoạn hiện nay do nhu cầu của người tiêu dùng cuối giảm.
Trong quá trình này, họ đã đặt các đơn hàng nhỏ hơn với thời gian thực hiện ngắn hơn và đơn giá thấp hơn. Do đó, họ ưu tiên các cơ sở tìm nguồn cung ứng gần hơn như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc có chi phí thấp hơn như Bangladesh.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã mở cửa trở lại nền kinh tế vào quý I/2023. Tỷ giá của đồng VND cũng tăng so với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia nên đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp trong nước bị dừng hoặc nếu có cũng chỉ là các đơn hàng nhỏ lẻ, đơn giá thấp hơn từ 20 - 50% so với năm 2022. Có nhiều đơn vị do không có đơn hàng phải dừng lao động, đóng cửa nhà máy hay là cắt giảm hợp đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận