24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dương Hải
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kiến thiết kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Chứng khoán đã và đang khẳng định vai trò là một kênh huy động vốn cho doanh nghiệp hiệu quả.

Ngày 28/11/1996, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được thành lập đã đặt dấu mốc rất quan trọng cho sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trải qua 25 năm, cho đến nay có thể khẳng định vai trò của Ủy ban trong việc thúc đẩy thị trường chứng khoán ngày càng phát huy được vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho các doanh nghiệp nói riêng, cho nền kinh tế nói chung. Nhiều thành viên thị trường đã cùng chia sẻ nhìn nhận của mình trên Talkshow Phố Tài chính mới đây.

Đưa vốn trung và dài hạn đến doanh nghiệp

Ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoà Phát

Thị trường chứng khoán Việt Nam đưa các doanh nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới trong đó có Tập đoàn Hòa Phát. Kể từ khi lên sàn chứng khoán Việt Nam tháng 11 năm 2007, vốn điều lệnh của tập đoàn đã tăng 33 lần và đưa tập đoàn Hòa Phát thành doanh nghiệp thép lớn nhất Đông Nam Á, Top 15 thế giới về vốn hóa. Chắc chắn là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là kênh huy động vốn tốt nhất và lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều người cũng đánh giá, ngành chứng khoán đã và đang khẳng định vai trò là một kênh khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn bền vững cho các doanh nghiệp, giảm áp lực vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Tính đến cuối tháng 10/2021, thị trường chứng khoán đã có tổng cộng 1.651 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trong đó, có 755 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và 896 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Chỉ tính riêng trong 10 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán đã giúp huy động 2,9 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Trong đó, huy động vốn qua thị trường cổ phiếu đạt 365 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị huy động của Nhà nước thông qua đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn tại 2 Sở Giao dịch Chứng khoán là 255 nghìn tỷ đồng, giúp hình thành hệ thống các doanh nghiệp quy mô lớn hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Kiến thiết kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế
Bà Phạm Thị Thanh Hoài

Bà Phạm Thị Thanh Hoài, Thành viên HĐQT Ngân hàng VietinBank

Diễn biến hết sức tích cực của thị trường chứng khoán tạo ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp phát hành vốn và tăng vốn điều lệ thành công.

Trong xu hướng chung đó, VietinBank với mã cổ phiếu là CTG cũng đã phát hành thành công tăng vốn điều lệ năm 2021, nhờ vậy chúng tôi trở thành ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ với số vốn trên 48.000 tỷ đồng, tạo ra nền tảng và tiền đề rất tốt để chúng tôi phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực tài chính.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua đã và đang góp phần thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của một quốc gia.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital

Cách đây hơn 10 năm, trên thị trường vốn của Việt Nam mới chỉ có 2-3 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ đô la. Bây giờ, chúng ta có khoảng 60 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ đô la và có đến 6-7 doanh nghiệp có giá trị đạt trên 10 tỷ đô la. Ở đây tôi không chỉ nói về con số mà muốn nói đến sự lớn lên, sự mạnh lên của các tập đoàn tư nhân của Việt Nam mà có lẽ là những chủ thể chính trong sự phát triển sau này

Trong khi đó, thị trường trái phiếu từ khi đi vào hoạt động đến nay đã giúp huy động 2,47 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, hiện nay cơ quan quản lý đang nghiên cứu phát triển thị trường trái phiếu riêng lẻ, tiến tới việc các trái chủ có thể thực hiện được giao dịch trên thị trường thứ cấp. Các thành viên đang đánh giá rất cao nếu thị trường này đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS)

Đó là một cơ hội rất lớn, không những cho khách hàng cá nhân, thậm chí cho các quỹ đầu tư nội địa - nơi mà hiện nay đang rất khát nguồn trái phiếu niêm yết, trái phiếu đại chúng trên thị trường. Nhà đầu tư đều có thể tham gia những trái phiếu đã được niêm yết và sàng lọc bởi công ty tư vấn cũng như UBCKNN các Sở Giao dịch Chứng khoán và được niêm yết thanh khoản tốt trên thị trường.

Bên cạnh đó, sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà đầu tư chính là yếu tố quan trọng giúp cho thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ. Số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đạt mức cao kỷ lục, 3,86 triệu tài khoản tính đến cuối tháng 10/2021, gấp 1.328 lần so với cuối năm 2000. Chính vì vậy, các công ty chứng khoán và các công ty quản lý quỹ - đơn vị cầu nối giữa các nhà đầu tư và thị trường - đã liên tục nâng cao về quy mô vốn, chất lượng quản trị, nguồn nhân lực và công nghệ, cũng như đa dạng hoá các sản phẩm để phục vụ nhà đầu tư.

Ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Kiến thiết kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế
Ông Trần Hải Hà

Trong tầm nhìn 5 năm, khi mà thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng và có sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân, chúng ta có thể đón chờ những giao dịch chứng khoán có vốn trên 1 tỷ đô.

Với các nghiệp vụ kinh doanh ngày càng đa dạng, công ty chứng khoán sẽ đem đến các thương vụ M&A và trị giá hàng tỷ đô trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Công ty chứng khoán sẽ cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng và đặc biệt là dịch vụ quản lý tài sản cá nhân, góp phần vào sự thịnh vượng chung của người Việt.

Bà Trần Thu Thuỷ, Thành viên HĐQT, Công ty Chứng khoán VPS

Với các nhà đầu tư mới, đặc biệt khi họ là những người trẻ, yêu thích công nghệ và quan tâm tới quản lý tài chính sớm, việc đầu tư đang trở nên dễ dàng hơn và thực sự cơ hội đầu tư đang dành cho tất cả mọi người. Đóng góp vào xu hướng này là nỗ lực chung của cả thị trường.

Riêng chúng tôi cũng đã có những giải pháp rất đột phá để hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Ví dụ như bắt đầu đầu tư từ số tiền rất là nhỏ, miễn giảm phí giao dịch, dành những ưu đãi rất đặc biệt cho các nhà đầu tư thuộc thế hệ gen Z, toàn bộ tiện ích giao dịch được thực hiện online.

Dấu mốc 25 ngành chứng khoán được các thành viên đánh giá là một cột mốc quan trọng khi thị trường đã tăng trưởng cả về chất và lượng, chuyển sang một giai đoạn mới đi vào chiều sâu hơn.

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội

Ngày kỷ niệm 25 năm thực sự là một dấu mốc của thị trường chứng khoán Việt Nam vì năm 2021 này đã đánh dấu một sự chuyển biến vượt bậc, thị trường chứng khoán Việt Nam đã định vị được mình, đúng vai trò trong nền kinh tế, đã tăng trưởng cả về lượng và chất.

Những thành quả mà thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được là bản lề, vì khi kiến tạo được vị thế của mình thì cùng với những lợi thế của Việt Nam, ví dụ như là một nền kinh tế có hệ thống giá trị ổn định, nền kinh tế năng động, có lượng lao động trẻ, một nền kinh tế giữ được tăng trưởng GDP cao ở trên thế giới, sẽ tiếp tục đặt ra dấu ấn, tạo đà phát triển cho thị trường.

Dù còn nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước nhưng các thành viên đều bày tỏ sự quyết tâm và sự tin tưởng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn tiếp tục nâng vao vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Kênh dẫn vốn cho nền kinh tế

Tính đến giữa tháng 11/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.678.000 tỷ đồng, tương đương 122% GDP, gấp 7.787 lần so với cuối năm 2.000.

Hệ thống công nghệ, hệ thống giao dịch đã đạt một bước phát triển mới, giúp mức thanh khoản bình quân đạt hơn 25.000 tỷ đồng/phiên (tương đương trên 1 tỷ USD/phiên), tăng gấp hơn 18.380 lần so với bình quân năm 2.000…

Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh

Kể từ khi khai chương thị trường chứng khoán vào năm 2000 với hai cổ phiếu ban đầu, đến nay trên thị trường đã có gần 4 triệu tài khoản giao dịch, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã vượt quá 100% GDP và Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia trong khu vực ASEAN có tỷ lệ này. Giá trị giao dịch hàng ngày hiện nay cũng đã vượt quá ngưỡng 1 tỷ đô la Mỹ. Những con số đó cho thấy một nền kinh tế cổ phiếu đã hình thành.

Thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả với khối lượng giao dịch bình quân năm 2021 gấp 17,4 lần so với bình quân năm 2017. Trong khi đó, thị trường trái phiếu duy trì ổn định với thanh khoản trái phiếu tính đến giữa tháng năm 2021, đạt mức 10,94 nghìn tỷ đồng/phiên, gấp 30 lần so với năm 2009. Lãi suất huy động bình quân giảm từ 8% xuống mức 2,29% trong năm nay, kỳ hạn huy động tăng từ 2-3 năm, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu và tăng tính bền vững cho danh mục nợ công quốc gia và chủ động nguồn vốn cho đầu tư công.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội

Chúng tôi đã giúp cho Bộ Tài chính mà thông qua kênh của Kho bạc Nhà nước phát hành hàng năm khoảng hơn 250 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Qua đó, giúp huy động vốn cho ngân sách và làm cho lãi suất giảm, kỳ hạn trái phiếu kéo dài hơn.

Có thể nói giao dịch trái phiếu chính phủ, đối với cả thị trường thứ cấp, đã tăng trưởng qua hàng năm và cũng đã được Ngân hàng ADB đánh giá là một trong những thị trường trái phiếu phát triển tương đối mạnh trong khu vực Châu Á, với tốc độ tăng trưởng 27% qua các năm trong thập kỷ qua.

Còn về hoạt động về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, trong 25 năm hình thành và phát triển ngành chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp gần 2.400 mã chứng khoán cho thị trường với tổng số gần 200 tỷ chứng khoán được đăng ký, gấp khoảng 66 lần so với giai đoạn đầu.

Từ năm 2006 đến nay, đã có khoảng 30 triệu tỷ đồng được thanh toán qua VSD, gấp 77 lần so với ban đầu. Qua đó, đóng góp quan trọng trong hoàn thiện thể chế, cấu trúc của thị trường chứng khoán.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam

Kiến thiết kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế
Ông Nguyễn Sơn

Trong giai đoạn sắp tới đến 2025 và 2030, chúng tôi tập trung vào phát triển nền tảng công nghệ cho thị trường trên cơ sở các nền tảng của các công nghệ chuỗi khối, công nghệ sổ cái phân tán cũng như các sản phẩm về tài chính mã hóa. Chúng tôi cũng từng bước tiếp cận với các thông lệ quốc tế để đưa vào các sản phẩm mới, đáp ứng yêu cầu ra thị trường.

Trong khi đó, hệ thống các văn bản pháp luật của thị trường chứng khoán cũng ngày càng hoàn thiện hơn, đặc biệt là Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua và có hiệu lực thi hành đã góp phần thúc đẩy chất lượng doanh nghiệp niêm yết, gia tăng tính minh bạch trên thị trường, tiệm cận hơn với các thông lệ quốc tế. Cùng với việc nâng hạng thị trường sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh mẽ hơn.

Tính đến tháng 10/2021, số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường chứng khoán đến là hơn 38.700 tài khoản. Giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã gấp khoảng 6,5 lần trong vòng 10 năm qua và hiện đạt khoảng 50 tỷ USD.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital

Nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội trên thế giới, tuy nhiên Việt Nam vẫn là cơ hội tốt khi môi trường lãi suất thấp và nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt hoặc còn tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Hy vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường MSCI FM( Frontier Markets) lên thị trường MSCI (Emerging Markets). Khi lên thị trường Emerging Markets thì sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng ít nhất 100 lần so với quy mô hiện nay.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN

Kiến thiết kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế
Ông Phạm Hồng Sơn

Ngành chứng khoán của chúng ta đã đạt được những kết quả rất là tốt, đặc biệt đã có một cái nền tảng pháp lý cho cái thị trường hoàn chỉnh, cơ cấu thị trường ngày càng được hoàn thiện hơn đã có được những kết quả của ngày hôm nay thì chúng ta thấy rằng là đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính và sự tham gia hết sức tích cực của các thành viên thị trường cho sự phát triển của thị trường chứng khoán để đạt được kết quả như ngày hôm nay.

Về mặt cơ bản, chúng ta đã đạt được những cái con số, những tiêu chí của giai đoạn 2010-2020, thì hiện nay Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo UBCKNN xây dựng đề án Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Chúng tôi đang dự thảo, đang chuẩn bị lấy ý kiến của các thành viên thị trường.

Quan điểm thứ nhất là phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam phải đồng bộ với hệ thống phát triển chung của hệ thống tài chính Việt Nam, đồng bộ với các thị trường khác.

Thứ hai là chúng ta tiếp tục mở rộng quy mô của thị trường nhưng phải nâng cao độ sâu và độ bền vững của thị trường.

Thứ ba là chúng ta phải phát triển thị trường một cách đồng bộ, phát triển thị trường phù hợp theo những sự phát triển chung của nền kinh tế.

Thứ tư, đặc biệt hết sức quan trọng, là phát triển thị trường trên cơ sở đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch để làm sao phát triển phải dựa trên cơ sở ổn định và bền vững.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
91.70 +0.20 (+0.22%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả