menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Cường

Kiến nghị giao ACV đầu tư, khai thác sân bay Long Thành

Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đồng thuận phương án giao ACV là nhà đầu tư, khai thác CHK quốc tế Long Thành..

Không làm tăng nợ công

Bộ GTVT vừa đề xuất phương án giao TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, khai thác CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Đề xuất này nếu được chấp thuận, theo Bộ GTVT sẽ giúp Nhà nước chủ động điều hành, quyết định các nhiệm vụ quan trọng, thực hiện công cụ điều tiết vĩ mô phục vụ phát triển KT-XH của đất nước, đảm bảo an ninh, an toàn, phối hợp tốt hoạt động dân dụng và quân sự tại CHK quốc tế Long Thành.

“Việc giao ACV là nhà đầu tư, khai thác sẽ đảm bảo thực hiện vai trò chủ đạo của ACV trong lĩnh vực khai thác cảng hàng không theo Quyết định số 236 của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ GTVT nêu.

Đáng lưu ý, theo Bộ GTVT, việc giao ACV làm nhà đầu tư, khai thác sân bay Long Thành sẽ không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA. Hơn nữa, theo phương án tài chính, nếu được giao là nhà đầu tư, khai thác, hàng năm ACV sẽ có thêm nguồn thu từ 2.390 - 4.780 tỷ đồng (tương đương 100 - 200 triệu USD) để nộp ngân sách Nhà nước hoặc tích lũy đầu tư phát triển các cảng hàng không như: Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Điện Biên, Nà Sản, Lai Châu... phục vụ phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Hiện nay, ACV thực hiện đầu tư xây dựng tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan. Do đó, ACV sẽ tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu xây lắp... đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo cơ hội tham gia cho các doanh nghiệp có năng lực tham gia thực hiện dự án, qua đó giúp giảm chi phí đầu tư, đem lại lợi ích cho Nhà nước và xã hội.

Cũng theo Bộ GTVT, được giao làm nhà đầu tư, khai thác cảng, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, ACV sẽ triển khai công tác thiết kế kỹ thuật để có thể khởi công vào đầu năm 2020 và hoàn thành năm 2025.

“Dù chưa đầu tư CHK mới có quy mô tương tự, nhưng với năng lực và kinh nghiệm đã thực hiện từng hạng mục tương tự các hạng mục chính của dự án, ACV có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án này”, Bộ GTVT đánh giá và cho biết thêm: ACV đã thực hiện đầu tư các đường cất/ hạ cánh mới CHK Phú Quốc, Cần Thơ. Doanh nghiệp này cũng thực hiện đầu tư sân đỗ lớn tại CHK quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng... cũng như thực hiện đầu tư nhà ga hành khách quốc tế CHK quốc tế Nội Bài (10 triệu hành khách/năm), nhà ga hành khách quốc tế CHK quốc tế Tân Sơn Nhất (10 triệu hành khách/năm), đầu tư mới CHK quốc tế Phú Quốc.

Đảm bảo cân đối được vốn chủ sở hữu 1,5 tỷ USD

CHK quốc tế Long Thành là dự án đầu tư CHK mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định không đấu thầu mà giao ACV (là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 95,4% cổ phần đang quản lý, khai thác 21/22 cảng hàng không của cả nước) trực tiếp đầu tư, khai thác cảng. Theo Nghị quyết 94/2015/QH13, dự án này sẽ được Quốc hội thông qua trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư, do vậy Quốc hội sẽ có Nghị quyết về chấp thuận phương án và hình thức đầu tư CHK Long Thành.

Liên quan đến việc huy động vốn, theo Bộ GTVT, dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành có nhu cầu vốn rất lớn. Theo tính toán của tư vấn, dự kiến nhà đầu tư sẽ phải huy động trên thị trường vốn quốc tế. Thời gian vay 20 năm, ân hạn 5 năm, lãi suất khoảng 6%/năm.

Tư vấn cũng cho hay, để đảm bảo khả năng trả nợ, các tổ chức tín dụng quốc tế thường yêu cầu hệ số trả nợ tối thiểu (DSCR) 1,4. Yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư là 33,4%. Do vậy với tổng số đầu tư 4,225 tỷ USD, thì vốn chủ sở hữu của ACV phải tương đương 1,411 tỷ USD.

Theo số liệu báo cáo tài chính đến cuối năm 2018, ACV đã tích lũy được hơn 24.268 tỷ đồng và tiếp tục tích lũy nguồn từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2019 - 2025. Theo đó, ACV sẽ cân đối được tổng cộng 1,522 tỷ USD để thực hiện dự án này.

Hơn nữa, ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền.

Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho hay, ACV đã làm việc với một số tổ chức tài chính như các ngân hàng trong nước, các ngân hàng quốc tế, các quỹ đầu tư. Theo đó, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường. Cụ thể, điều kiện vay của các tổ chức tài chính đưa ra đối với ACV như sau: Loại tiền vay là USD, thời gian vay 20 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất 5%/năm.

Như vậy, với khả năng huy động vốn chủ sở hữu và khả năng tiếp cận nguồn vốn vay có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường nên việc ACV là nhà đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án.

ACV sẵn sàng đầu tư cả 2 giai đoạn sau của dự án

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện ACV cũng đã dự kiến phương án bố trí nguồn lực để đầu tư giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của CHK Long Thành.

Theo đó, trong giai đoạn 2 (đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất/ hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa năm), dự báo giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ nghiên cứu, chuẩn bị, đầu tư giai đoạn 2 với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 48.600 tỷ đồng, tương đương 2,08 tỷ USD. Thời gian thực hiện đầu tư dự kiến từ năm 2028-2032.

“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch kinh doanh, tích lũy nguồn tiền đến giai đoạn 2030 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng CHK Long Thành giai đoạn 2, cũng như các dự án tại các CHK trọng điểm của ACV”, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh nói và cho biết thêm: Giai đoạn 2025-2030, sau khi đã cân đối vốn để đầu tư các dự án tại 23 CHK (bao gồm cả Nà Sản và Long Thành) do ACV quản lý, ACV tích lũy được khoảng 70.820 tỷ đồng (tương đương khoảng 3,03 tỷ USD), đủ để thực hiện đầu tư giai đoạn 2 của dự án Long Thành mà không sử dụng vốn vay.

Giai đoạn 3 (hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 05 triệu tấn hàng hóa/năm), thời gian thực hiện đầu tư dự kiến từ năm 2038-2043, với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 136.000 tỷ đồng, tương đương 5,819 tỷ USD. Với kế hoạch kinh doanh và nguồn tiền tích lũy giai đoạn 2026-2030 và tiếp tục tăng trưởng giai đoạn tiếp theo, trung bình dòng tiền tích lũy khoảng 30.000 tỷ đồng/năm, việc đầu tư giai đoạn 3 dự án CHK Long Thành do ACV tiếp tục thực hiện là khả thi, đảm bảo cân đối đủ vốn, ít sử dụng vốn vay. Việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cụ thể của giai đoạn 3 sẽ được thực hiện trong quá trình triển khai giai đoạn 2 của Dự án CHK quốc tế Long Thành.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại