menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Vũ Tường

Kiểm toán nhập cuộc, Hải Phát của ông Đỗ Quý Hải lộ “sơ suất”, nhiều năm dính “tai tiếng”

Hải Phát của ông Đỗ Quý Hải khiến cho nhà đầu tư thất vọng khi kế hoạch kinh doanh của 2- 3 năm nay đều bị “phá sản” do không hoàn thành mục tiêu, năm 2020 cũng không ngoại lệ.

Kiểm toán nhập cuộc, Hải Phát Invest của ông Đỗ Quý Hải lộ "sơ suất"

CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest- Mã: HPX) dưới sự dẫn dắt của ông Đỗ Quý Hải vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đã kiểm toán của Hải Phát khiến cổ đông "hụt hẫng" khi chỉ còn chưa đầy 100 tỷ năm 2020.

Cụ thể, sau kiểm toán lãi ròng của Hải Phát giảm mạnh 67% so với báo cáo tự lập, từ 281,5 tỷ đồng xuống còn hơn 92 tỷ đồng.

Kiểm toán nhập cuộc, Hải Phát của ông Đỗ Quý Hải lộ “sơ suất”, nhiều năm dính “tai tiếng”
Lợi nhuận sau kiểm toán của Hải Phát "bốc hơi" so với báo cáo tự lập

Theo giải trình của doanh nghiệp, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của các công ty thành viên, kéo theo lợi nhuận hợp nhuận hợp nhất giảm mạnh và một phần do công ty "sơ suất" điều chỉnh không cập nhật lại bút toán hợp nhất từ việc chuyển nhượng một phần công ty con.

Sau kiểm toán, doanh thu từ hoạt động tài chính của Hải Phát giảm mạnh 63% so với trước kiểm toán, từ 404 tỷ đồng xuống 148 tỷ đồng.

Phần lớn doanh thu tài chính của Hải Phát đến từ lãi chuyển nhượng cổ phần và chuyển nhượng vốn góp hợp tác đầu tư (127 tỷ đồng), bao gồm khoản lãi hơn 65 tỷ đồng phát sinh từ việc chuyển nhượng khoản vốn góp tại dự án khu đô thị sinh thái Tây Nam Bà Rịa - Vũng Tàu và khoản lãi hơn 59 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Đại Đông Á.

Năm 2020, Hải Phát Invest đặt mục tiêu doanh thu từ 1.600 tỷ - 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất từ 350 - 400 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoachk kết quả thực hiện doanh thu và lợi nhuận của Hải Phát Invest mới chỉ đạt khoảng 40% mục tiêu kế hoạch.

Đây không phải là năm đầu tiên Hải Phát Invest dưới sự dẫn dắt của ông Đỗ Quý Hải rơi vào tình trạng vỡ kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Kiểm toán nhập cuộc, Hải Phát của ông Đỗ Quý Hải lộ “sơ suất”, nhiều năm dính “tai tiếng”

Năm 2018 Hải Phát của ông Đỗ Quý Hải đặt mục tiêu doanh thu thuần 3.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả, doanh nghiệp chỉ thực hiện được 60% doanh thu thuần (hơn 2.000 tỷ đồng).

Về chỉ tiêu lợi nhuận, ban đầu, lãi sau thuế năm 2018 của Hải Phát trên báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán là hơn 452 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2020, doanh nghiệp trình bày lại khiến lãi ròng tăng lên hơn 493 tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2018, mặc dù chỉ thực hiện 60% kế hoạch doanh thu thuần nhưng Hải Phát đã đạt 110% kế hoạch lãi sau thuế.

Bước sang năm 2019, Hải Phát đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.294,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 720 tỷ đồng, tăng trưởng 59,3% so với năm 2018, tương đương con số tuyệt đối tăng là 267,7 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2019, doanh thu thuần của Hải Phát đạt hơn 3.442 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 451 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch kinh doanh doanh nghiệp của ông Đỗ Quý Hải "phá sản" khi chỉ thực hiện được 80% kế hoạch doanh thu và 63% kế hoạch lợi nhuận.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect (dựa theo kết quả kinh doanh quý III/2020 của Hải Phát, nếu tính theo thang điểm 10 thì ở hạng mục cam kết với cổ đông, Hải Phát của ông Đỗ Quý Hải chỉ đạt 3 điểm (tính theo thang điểm 10).

Còn xét về tổng quan, bao gồm các khía cạnh cam kết với cổ đông, tốc độ tăng trưởng, sức khỏe tài chính, khả năng sinh lời và vị thế doanh nghiệp, Hải Phát chỉ đạt 4/10.

Kiểm toán nhập cuộc, Hải Phát của ông Đỗ Quý Hải lộ “sơ suất”, nhiều năm dính “tai tiếng”

Dữ liệu được tính trên kỳ báo cáo tài chính 30/9/2020 của Hải Phát

"Cắm loạt dự án", nợ vay ngang ngửa vốn điều lệ

Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát được doanh nhân Đỗ Quý Hải thành lập năm 2003. Qua nhiều lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của Hải Phát xấp xỉ 2.645 tỷ đồng, gấp 330 lần so với ban đầu.

Nợ phải trả tính đến cuối năm 2020 đứng ở mức 3.757 tỷ đồng, trong đó riêng nợ vay ngắn hạn 1.472 tỷ đồng và dài hạn 968 tỷ đồng.

Như vậy, tổng nợ vay của Hải Phát tới trên 2.500 tỷ đồng – ngang ngửa với vốn điều lệ của doanh nghiệp này.

Danh mục hàng tồn kho của doanh nghiệp tính đến cuối kỳ của Hải Phát chủ yếu là bất động sản để bán đang xây dựng (1.325 tỷ đồng), còn lại là bất động sản để bán đã hoàn thành (942 tỷ đồng) và hàng tồn kho khác.

Trong đó, các dự án Tuy Hòa - Phú Yên, dự án Hải Phát Plaza (Nam Từ Liêm, Hà Nội); tổ hợp thương mại, dịch vụ, nhà ở Cẩm Bình (TP Cẩm Phả) và dự án Hà Phong - Khe Cá Quảng Ninh đang được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của Hải Phát tại các ngân hàng.

Riêng đối với dự án Phú Hài (TP Phan Thiết) đang được làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của một công ty là bên liên quan.

Tại thời điểm ngày 31/12/2020, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Hải Phát có tổng giá trị hơn 76 tỷ đồng, tập trung tại hai dự án Tân Tây Đô và dự án Hà Phong - Khe Cá Quảng Ninh.

Liên tiếp gặp "tai tiếng"

Hiện, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát là chủ đầu tư của hàng loạt các dự án bất động sản lớn nhỏ chủ yếu tập trung tại khu vực Hà Nội và thời gian gần đây trải dài ra nhiều tỉnh thành khác từ Bắc vào Nam trên cả nước.

Một số dự án do Hải Phát thực hiện được thị trường biết đến trong thời gian qua như dự án Khu đô thị Văn Phú, Khu đô thị Tân Tây Đô, Dự án nhà ở xã hội The Vesta, Nhà phố thương mại 24h,…

Tuy nhiên, rất nhiều trong số những dự án đã và đang hoạt động của Hải Phát đều dính những "sự cố" lùm xùm khiến dư luận không khỏi quan tâm.

Kiểm toán nhập cuộc, Hải Phát của ông Đỗ Quý Hải lộ “sơ suất”, nhiều năm dính “tai tiếng”
Hải Phát của ông Đỗ Quý Hải gặp tai tiếng tại nhiều dự án

Dự án nhà ở xã hội The Vesta (Phú Lãm – Hà Đông) là một trong số đó. Cụ thể, Hải Phát Invest dính vào lùm xùm quanh sự việc khách hàng từ chối nhận nhà tại dự án nhà ở xã hội The Vesta (Phú Lãm – Hà Đông) do căn hộ không đúng như mô tả, tư vấn và cả hợp đồng trước đó.

Tháng 9/2020, phản ánh tới Dân Việt nhiều cư dân tại The Vesta cho rằng họ đã bị chủ đầu tư lừa khi mua nhà, và hàng nghìn cư dân đã tập trung căng băng rôn với khẩu hiệu có nội dung đề nghị chủ đầu tư không phá bỏ khu vui chơi trẻ em để làm bãi đỗ xe tại dự án này.

Dự án Khu đô thị Tân Tây Đô (hoàn thành 2014) của Hải Phát cũng được biết đến là dự án gây nhiều tranh cãi nhất liên quan đến vấn đề xây dựng và vận hành tòa nhà, và đặc biệt là chậm trễ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án do doanh nghiệp sai phạm về đầu tư, đất đai, quy hoạch, kiến trúc, các nghĩa vụ tài chính liên quan đến dự án.

Mới đây nhất, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản kết luận những sai phạm của chủ đầu tư dự án chung cư N023 tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên (Hà Nội) và CT2-105 của Công ty CP Hải Phát Thủ Đô.

Kết luận nêu rõ, tổng số kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo diện tích được duyệt là hơn 33,3 tỷ đồng; trong đó 33,1 tỷ đồng là thu từ phần căn hộ bán cho khách hàng còn hơn 209 triệu đồng là thu từ khu thương mại.

Quá trình thu phí bảo trì đã được Công ty CP Hải Phát Thủ Đô thực hiện ngay khi quá trình bàn giao nhà. Điều đáng nói là khi thu phí bảo trì, đơn vị Chủ đầu tư không mở tài khoản để gửi khoản kinh phí này theo đúng quy định của pháp luật mà chuyển thẳng về tài khoản chung của đơn vị.

Tại dự án Chung cư CT2-105, đến thời điểm tháng 12/2020, chủ đầu tư đã tiến hành thu hơn 14,5 tỷ đồng phí bảo trì của dư dân nhưng vẫn không mở tài khoản riêng theo quy định. Trong khi đó, khoản thu phí bảo trì tại khu dịch vụ thương mại cũng không được chủ đầu tư chuyển vào tài khoản riêng.

Được biết, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát hiện đang là cổ đông lớn của Hải Phát Thủ Đô với tỷ lệ sở hữu 17,79% - theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 của Hải Phát.

Thu nhập Chủ tịch Đỗ Quý Hải vẫn tăng

Trong khi hoạt động kinh doanh ảm đạm, dính nhiều tai tiếng tại các dự án song Hải Phát vẫn chi thu nhập "hậu hĩnh" cho Chủ tịch Đỗ Quý Hải.

Cụ thể, mức thu nhập năm 2020 của ông Hải không giảm, thậm chí còn tăng thêm 5% so với năm 2019, đạt gần 2,7 tỷ đồng, bình quân 225 triệu đồng/tháng.

Ngược lại, Phó Chủ tịch thường trực, Phó Chủ tịch HĐQT thù lao lần lượt giảm xuống chỉ còn 837 triệu đồng và 690 triệu đồng.

Tuy nhiên, do số lượng thành viên tăng, tổng thu nhập cho các thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc và Ban Kiểm soát của Hải Phát đạt 13,6 tỷ đồng năm 2020, cao hơn con số 10,9 tỷ đồng của năm 2019.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

6.67

+0.25 (+3.89%)

Biểu đồ mã HPX
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại