Kiểm soát tới 40% PG Bank chỉ với giá từ hơn 2.500 tỷ đồng: Cơ hội hiếm?
Để kiểm soát 40% lợi ích kinh tế tại PG Bank, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra không dưới 2.500 tỷ đồng đấu giá cổ phần từ Petrolimex. Với cái giá như vậy, nhà đầu tư quan tâm ra sao?
Tổng giá vốn tính theo giá khởi điểm thấp và so với tỷ lệ cổ phần chi phối tại một ngân hàng, là một trong những lợi thế và điểm nhấn mà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX) nhấn mạnh khi chào bán 120.000.000 cổ phiếu thứ cấp, tương đương 40% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, PGB) do Petrolimex sở hữu.
Ông Trần Ngọc Năm Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách đại diện vốn của PLX tại PG Bank chia sẻ: Chúng tôi đánh giá khi tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD theo quy định lên tới 30%, và room ngoại tại PG Bank gần như là còn nguyên 30%; Do đó, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có khả năng tham gia rất cao.
"Nếu như nhà đầu tư theo quan điểm dài hạn thì sẽ nhìn nhận đây là một cơ hội tốt, bởi không dễ dàng mà có những cơ hội để vào một ngân hàng, nắm giữ một tỷ phần trăm rất cao trong điều kiện đối với ngân hàng rất khác, không như các loại hình doanh nghiệp khác được mở room ngoại thoải mái, việc thành lập mới cũng phải được cấp phép không dễ dàng gì", ông Năm nói.
Người đại diện vốn Petrolimex tại PG Bank cũng cho biết với Petrolimex, việc thoái vốn là phải thực hiện theo quy định của Nhà nước, chứ không dễ dàng gì có một cơ hội đầu tư ngân hàng này. Ngoài ra, theo ông Năm, về mặt giá, giá đấu giá khởi điểm 21.300 đồng/cp là hợp lý, không hề cao. Bởi điều quan trọng khi nhà đầu tư tham gia đấu giá sở hữu cổ phần ngân hàng khối lượng lớn, thì sẽ có chiến lược dài hạn và định giá triển vọng tương lai.
"Tiếng là tỷ lệ sở hữu cổ phần tới 40%, nhưng giá trị lại không nhiều vì vốn điều lệ của PG Bank đang thấp. Với một lượng tiền không quá lớn mà lại có cơ hội, khả năng để đầu tư rất thực tiễn", ông Năm nhấn mạnh lần nữa và cũng cho biết thêm quan điểm của Petrolimex là không đi tìm nhà đầu tư trực tiếp mà đấu giá công khai, người đến sớm hay đến muộn có quyền như nhau. "Vấn đề là người ta phân tích, đánh giá cơ hội và khả năng đầu tư để ra quyết định, Petrolimex không tác động gì để phải tạo ra các kỳ vọng thay nhà đầu tư. Nhà đầu tư họ có thể giỏi hơn Petrolimex và cũng có những đánh giá của riêng họ".
PG Bank hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 4.500 tỷ đồng. Trong nhiều năm kể từ 2012, do phải cơ cấu lại nên ngân hàng không tăng thêm vốn điều lệ và mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch. Điều này khiến quy mô vốn, mạng lưới hệ thống của PG Bank có phần khiêm tốn và nằm ở "chiếu chót" các ngân hàng có vốn điều lệ vừa đúng mức pháp định quy định. Nhưng cũng chính vì điều này, như lý giải ở trên của đại diện vốn Petrolimex tại PG Bank, nó khiến ngân hàng "vừa tầm", nhiều nhà đầu tư dễ cân nhắc cơ hội "xuống tiền" hơn nhằm sở hữu gần một nửa cổ phần tại một nhà băng đang hoạt động, có lợi nhuận và đang có nhiều chỉ tiêu tài chính - kinh doanh tăng trưởng tích cực mỗi năm.
Trong quá khứ, ngay khi PG Bank vừa cơ cấu lại chưa lâu và nợ xấu còn cao, hoạt động chưa hoàn toàn ổn định như hiện tại, từ cách đây mấy năm trước, những ngân hàng lớn như VietinBank, HDBank... đều đã lần lượt "dạm ngõ", bàn cơ hội nhận sáp nhập PG Bank... Các thương vụ tuy dở dang nhưng cho thấy kỳ vọng của các ngân hàng lớn vào nền tảng, lợi thế để thúc đẩy "làm đẹp", mở mang thêm PG Bank.
Ở một quy mô khác, nhiều lợi thế mảng miếng khác tại những ngân hàng khác như Kienlong Bank, NCB, Eximbank..., thị trường cũng đã chứng kiến cuộc thâu tóm ngoạn mục với cái giá phải trả hàng nghìn tỷ đồng để sở hữu một tỷ lệ kiểm soát lợi ích kinh tế “vừa đủ”. Thậm chí, có những nhà đầu tư cũng phải bỏ hàng nghìn tỷ đồng vào Eximbank trong nhiều năm, đeo bám “cuộc chiến thượng tầng” nhưng cái kết chưa hẳn như ý. Những thương vụ như vậy một lần nữa gián tiếp củng cố thực tế rằng: Sở hữu cổ phần chi phối một nhà băng với giá từ hơn 2.500 tỷ đồng, đúng là không phải cơ hội lúc nào cũng xuất hiện.
Điều quan trọng là, như chính ông Năm đề cập, nhà đầu tư có chiến lược, khẩu vị, đánh giá ra sao về thương vụ?
Ở góc nhìn của đơn vị tư vấn độc quyền giao dịch thoái vốn, bà Bà Cao Thị Ngọc Quỳnh - Giám đốc phụ trách dịch vụ ngân hàng đầu tư (phát triển kinh doanh) của Chứng khoán SSI, cho biết việc Petrolimex thoái vốn nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.
Một số nhà đầu tư tại buổi roadshow cơ hội đầu tư cổ phiếu PG Bank do Petrolimex tổ chức, đã bày tỏ sự quan tâm về vấn đề hợp tác giữa Petrolimex và PG Bank hậu bán vốn.
Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Petrolimex - cho biết hai bên không có cam kết cụ thể liên quan số dư tiền gửi tại PG Bank. “Tuy nhiên, với tình cảm và trách nhiệm của nhà đầu tư đã gắn bó trên 16 năm, Petrolimex sẽ có ưu tiên nhất định với PG Bank trên nguyên tắc bình đẳng", ông Thanh tiết lộ vẫn hỗ trợ PG Bank trong phạm vi pháp luật và các điều kiện cụ thể.
Dư nợ cho vay khách hàng phần lớn là khách hàng doanh nghiệp, trong đó có nhiều khách hàng là công ty con, đối tác của Petrolimex, khiến việc hợp tác giữa Petrolimex và PG Bank hậu thoái vốn trở thành một trong "chìa khóa" đánh giá sức hút cổ phiếu PGB
Trong 16 năm là cổ đông lớn tại PG Bank, thực tế tầm ảnh hưởng của Petrolimex tới ngân hàng không nhỏ. Petrolimex có nhiều hợp tác chiến lược với PG Bank như gửi tiền mặt số lượng lớn, 2.600 trạm xăng chấp thuận thanh toán thẻ PG Bank, hệ thống 184 công ty con, thành viên, đối tác của Petrolimex cũng có hợp tác làm ăn với ngân hàng... Theo đó, việc “ưu tiên” nhưng không có cam kết không khỏi khiến nhà đầu tư sẽ phải suy xét về tác động đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng liên quan đến tiền gửi, khoản vay, bảo lãnh phát hành, tài khoản ngân hàng, dịch vụ thanh toán... - những mảng kinh doanh cốt lõi của PG Bank - hậu Petrolimex hoàn tất thương vụ.
Khẳng định vẫn coi vẫn coi Petrolimex và các công ty thành viên là khách hàng lâu năm và uy tín, ông Nguyễn Quang Định - Chủ tịch PG Bank - cho biết nhiều sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho Petrolimex vẫn sẽ có tính cạnh tranh về giá cả và chất lượng, ngân hàng vẫn hợp tác với Petrolimex sau thoái vốn.
“Việc Petrolimex sắp thoái vốn toàn bộ khỏi PG Bank chính là cơ hội cho nhà đầu tư mới. Nếu vốn được tăng thêm, cùng với hỗ trợ của nhà đầu tư mới, kèm xu hướng phát triển của ngành ngân hàng, PG Bank sẽ có bước phát triển đột phá hơn", ông Định khẳng định.
Chủ tịch PG Bank cũng thông tin trong 2 tháng đầu năm 2023, PG Bank đang có kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, dự kiến lợi nhuận trước thuế quý I/2023 là 150 tỷ đồng. Do chưa ĐHĐCĐ thường niên nên ngân hàng đặt chỉ tiêu kinh doanh dự kiến năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 530 tỷ đồng, đây là mức có thể thay đổi sau ĐHĐCĐ và đặc biệt nếu có cổ đông mới, có các thay đổi về tăng vốn, mở rộng mạng lưới...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận