KIDO thiệt hại bao nhiêu ở dự án “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn?
KIDO dự kiến chỉ thu hồi được khoảng hơn 323 tỷ đồng từ thương vụ rót hơn 1.000 tỷ đồng vào dự án 8-12 Lê Duẩn.
Ngày 20/9 vừa qua, Hội đồng xét xử đã đưa ra phán quyết đối trong dự án “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.
Một vấn đề được quan tâm trong phán quyết của tòa đó chính là “số phận” của dự án 8-12 Lê Duẩn.
Theo đó, tòa sơ thẩm nhận định, CTCP Đầu tư Lavenue không thuộc đối tượng được chỉ định giao đất thực hiện dự án tại số 8-12 Lê Duẩn nên giao UBND TP.HCM thực thu hồi, quản lý sử dụng toàn bộ khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn theo quy định pháp luật. Lavenue có trách nhiệm nộp lại bản chính các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê đất cho Sở Tài nguyên và Môi trường TP.
TP.HCM đã có chủ trương thu hồi “đất vàng” từ trước
Trên thực tế, trước khi vụ án được đưa ra xét xử, UBND TP.HCM đã có chủ trương thu hồi đối với khu đất 8-12 Lê Duẩn.
Cụ thể, ngày 11/12/2018, TP đã ban hành Quyết định số 5671 về việc thu hồi hơn 4.896 m2 số 8 - 12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1. Trong đó, diện tích đất tại địa chỉ số 8 là 3.456,7 m2 và tại số 12 là 1.431,6 m2 do Lavenue được thuê đất ngày 5/5/2016.
Việc thu hồi đất được UBND TP căn cứ quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai. Cụ thể là đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng theo Kết luận thanh tra số 645 ngày 4/5/2018 của Thanh tra Chính phủ, được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến kết luận tại Thông báo số 249 ngày 18/7/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Theo Quyết định của UBND TP thì khu đất được giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp nhận, quản lý, chuẩn bị cho việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của phát luật.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 18/12/2018, UBND TP đã ban hành quyết định thu hồi quyết định 5671.
Theo lãnh đạo Văn phòng UBND TP chia sẻ với báo chí khi đó, nguyên nhân thu hồi quyết định 5671 là do đang giai đoạn tố tụng, điều tra mở rộng và theo đề nghị của Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an. Theo đó, TP có sự điều chỉnh kịp thời, hủy quyết định thu hồi để chờ kết quả cuối cùng, khi có kết quả sẽ tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật, thu hồi và bán đấu giá.
Lãnh đạo Văn phòng UBND TP khẳng định, việc hủy quyết định thu hồi không có nghĩa là Nhà nước không kiểm soát quyền tài sản liên quan đến khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn. Khu đất bị phong tỏa để phục vụ công tác điều tra, thực tế là như vậy nên không có uẩn khúc gì cả.
KIDO đã thiệt hại bao nhiêu?
Ngày 10/9/2010, Công ty Lavenue thành lập với số vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, các cổ đông gồm Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM góp 20%, Công ty Hoa Tháng Năm góp 30%, 4 công ty thuộc Bộ Công thương góp tổng cộng 50%.
Sau đó, 4 công ty trên đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Lavenue cho phía KIDO (trước đây là Kinh Đô) với giá 250 tỷ đồng. Trước đó, 4 công ty này được KIDO cho mượn tiền để góp vốn, sau khi trừ đi thì thu về khoản lợi 200 tỷ đồng.
Theo thông tin trên website của Lavenue vào thời điểm tháng 8/2015, công ty Lavenue đã nâng vốn điều lệ lên 2.100 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là Công ty Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM, Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty KIDO. Trong đó, KIDO góp 1.050 tỷ, chiếm tỷ lệ 50%.
Ngoài phán quyết tuyên thu hồi khu đất, TAND TP.HCM còn cho biết, Lavenue đã nộp vào ngân sách 647 tỷ để thực hiện nghĩa vụ tài chính, trong đó Công ty Hoa Tháng Năm góp 30%, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP góp 20%, Công ty KIDO góp 50%. Hội đồng xét xử tuyên tịch thu vốn góp của Công ty Hoa Tháng Năm do số tiền này được sử dụng vào việc phạm tội. Trả lại số tiền góp vốn của Công ty Quản lý kinh doanh TP và Công ty KIDO.
Tòa cũng tuyên thu hồi số tiền 200 tỷ đồng mà 4 công ty thuộc Bộ Công Thương đã hưởng lợi từ việc chuyển nhượng 50% cổ phần tại Lavenue.
Trước đó, tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã đối đáp với đại diện KIDO về quan điểm đề nghị thu hồi các khoản tiền. Cụ thể, đại diện VKS lập luận, tất cả vốn của Lavenue được sử dụng vào việc phạm tội, mà người phạm tội đại diện Lavenue thực hiện hành vi là bị cáo Lê Thị Thanh Thúy.
Phía VKS nêu, số tiền của Công ty Hoa Tháng Năm đi liền với bị cáo chính là sở hữu của bị cáo trực tiếp sử dụng vào việc phạm tội, còn tiền của KIDO là tiền sở hữu nhưng có lỗi để cho người khác dùng vào việc phạm tội ở đây là bị cáo Thúy, dùng quyền đại diện của mình thực hiện các hành vi dẫn đến vụ án này.
Đại diện VKS cũng cho biết, ngoài số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước thì Công ty Lavenue đã tiêu hết, cho nên đây là việc kinh doanh thua lỗ, chuyện các đối tượng tham gia góp vốn phải chịu.
Như vậy, với phán quyết của phía tòa cũng như thông tin của VKS, thì số tiền mà KIDO có thể thu về được từ dự án 8-12 Lê Duẩn chỉ nằm ở tỷ lệ 50% khoản tiền Lavenue đã nộp vào ngân sách, tương đương hơn 323 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc khoản vốn KIDO rót vào hơn 1.000 tỷ đồng đã “bốc hơi” khoảng 700 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận