Khuyến nghị mua cổ phiếu BMP
Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán BIDV – BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Nhựa Bình Minh (BMP) trong năm 2022 lần lượt ở mức 5.527 tỷ đồng (tăng 21,4% yoy) và 513 tỷ đồng (tăng 139,7% yoy). Dựa trên 2 phương pháp định giá PE và FCFF, tỷ lệ 50:50, BSC khuyến nghị mua cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 76.900 đồng/cp.
Trong quý 2/2022, doanh thu thuần của Công ty CP Nhựa Bình Minh (HOSE - Mã chứng khoán: BMP) tăng nhẹ (+7% yoy) nhưng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh (2,5x so với cùng kỳ) do hưởng lợi nhờ giá nguyên liệu giảm. Tình hình tài chính tốt, doanh nghiệp hầu như không có nợ vay, số dư tiền và đầu tư tài chính chiếm 35% tổng tài sản.
Ngoài ra, tài sản cố định lớn dự kiến sẽ khấu hao hết trong năm 2024 và sẽ bổ sung thêm khoảng 200 tỷ đồng vào lợi nhuận hoạt động hàng năm của doanh nghiệp.
Sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2022 giảm 12% yoy, hoàn thành 48% kế hoạch tiêu thụ năm 2022. BSC cho rằng, sản lượng tiêu thụ giảm do nhu cầu thị trường đang chậm lại khi giá vật liệu xây dựng tăng cao trong các tháng đầu năm và việc thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình xây dựng.
BSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ tăng 11,9% yoy trong nửa cuối năm 2022, đưa sản lượng cả năm 2022 sẽ tăng trưởng nhẹ, ở mức tăng 5,9% yoy nhờ sản lượng quý 3/2022 sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ do không chịu tác động của dịch bệnh, và lợi thế về thị phần chi phối khu vực phía Nam sẽ giúp sản lượng tiêu thụ của BMP phục hồi về mức trước dịch.
BSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ phục hồi về mức 105 – 110 nghìn tấn kể từ năm 2023: Thực tế nhu cầu tiêu thụ ống nhựa tại Việt Nam tương đối ổn định, đặc biệt với các doanh nghiệp có thị phần chi phối như BMP.
BSC cho rằng, sản lượng bán hàng sẽ trở lại mức bình quân trước dịch nhờ (i) Hoạt động xây dựng dân dụng phục hồi khi chi phí vật liệu xây dựng ổn định, trong đó giá thép (chiếm 20% - 30% chi phí xây dựng) đã giảm mạnh, và (ii) các doanh nghiệp trong ngành không có kế hoạch tăng công suất trong năm tới.
Nguyên liệu đầu vào chính của BMP là hạt nhựa PVC. Giá PVC tương đối ổn định trong 6 tháng đầu năm 2022, thấp hơn 3,8% so với mức trung bình năm 2021, tuy nhiên đã giảm mạnh kể từ cuối tháng 6/2022, về quanh mức 900 USD/tấn (-30% Ytd), theo đà giảm của giá hàng hóa toàn cầu.
BSC cho rằng, giá PVC sẽ không tăng trở lại mức đỉnh đầu năm do: (i) Nhu cầu PVC của Trung Quốc suy giảm. Trung Quốc là nước tiêu thụ PVC lớn nhất thế giới (chiếm 28,8% tiêu thụ PVC toàn cầu). Việc tiếp tục duy trì chính sách Zero Covid khiến nhu cầu đối với PVC cho sản xuất và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc suy giảm. (ii) Giá dầu đã giảm mạnh.
Trong quá khứ, có sự tương quan giữa giá dầu thô và giá hạt nhựa (một sản phẩm của quá trình lọc dầu). Giá dầu giảm mạnh do lo ngại suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ, vì vậy BSC cho rằng giá hạt nhựa sẽ không phục hồi mức đỉnh đầu năm khi giá dầu đạt đỉnh.
BSC ước tính biên lợi nhuận gộp năm 2022 sẽ tăng lên mức 23,4% (+790 bps Yoy). Doanh nghiệp chia sẻ không thực hiện việc tích trữ hàng tồn kho số lượng lớn, do đó BSC kỳ vọng giá nguyên liệu đầu vào giảm trong nửa cuối năm 2022 sẽ có tác động đến giá vốn hàng bán ngay trong quý 3 này, giúp tăng biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vẫn duy trì chính sách không cạnh tranh bằng tăng tỷ lệ chiết khấu bán hàng cho đại lý, thay vào đó áp dụng chính sách hỗ trợ phí vận chuyển hàng đến chân công trình áp dụng cho các đơn hàng đạt giá trị thanh toán nhất định. Giá xăng dù đã giảm mạnh kể từ mức đỉnh nhưng vẫn cao hơn nhiều so với bình quân năm 2021, do đó BSC dự báo tỷ lệ chi phí bán hàng/ doanh thu thuần tăng lên mức 8,3% trong năm 2022.
BMP trả cổ tức tiền mặt cao và đều đặn: Mức chi trả cổ tức tiền mặt thông thường ở mức 40% - 60%, kể cả trong giai đoạn kinh doanh gặp khó khăn như năm 2021, doanh nghiệp vẫn trả cổ tức 26%. Năm 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch chi cổ tức tối thiếu 50% lợi nhuận sau thuế của công ty.
Tuy nhiên, BSC cũng nhấn mạnh rằng, trong 5 năm trở lại đây, BMP chi cổ tức với tỷ lệ trung bình 88% lợi nhuận sau thuế và BSC kỳ vọng BMP tiếp tục chi cổ tức với tỷ lệ cao trong năm 2022 do doanh nghiệp vẫn đang hoạt động gần mức công suất tối đa và chưa có kế hoạch đầu tư tăng công suất, tương đương tỷ suất cổ tức ở mức 7,6% theo ước tính của BSC.
BSC ước tính PE forward năm 2022 - 2023 lần lượt ở mức 9,9x và 9,6x, thấp hơn mức PE bình quân 5 năm của BMP (~12.5x). BSC cho rằng mức định giá này là hấp dẫn dựa trên triển vọng lợi nhuận năm 2022 hồi phục về mức tương đương năm 2020, đồng thời với đặc thù ngành ổn định và vị thế đầu ngành, định giá cổ phiếu BMP xứng đáng trở lại mức bình quân trong quá khứ.
Rủi ro: Nguyên vật liệu chiếm khoảng 75% trong cơ cấu chi sản xuất của doanh nghiệp. Do đó biến động giá nguyên liệu nhựa (chủ yếu là nhựa PVC) có tác động lớn tới giá vốn hàng bán.
Ngoài ra, BSC lưu ý rằng, nguồn nguồn liệu nhựa của BMP chủ yếu đến từ các nhà cung cấp thuộc sở hữu của cổ đông lớn Tập đoàn SCG (Thái Lan), do đó giá nguyên liệu đầu vào của BMP sẽ phụ thuộc lớn vào giá chào bán của các nhà cung cấp này.
Sản lượng tiêu thụ thấp làm tăng chi phí cố định trên 1 đơn vị sản phẩm. Tuy nhiên, BSC đánh giá rủi ro này không lớn bởi: (i) dịch bệnh hiện đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam và nhu cầu tiêu thụ ống nhựa tương đối ổn định; (ii) tỷ lệ chi phí khấu hao trong cơ cấu chi phí sản xuất tương đối thấp, chỉ ở mức 5% đối với BMP.
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của BMP trong năm 2022 lần lượt ở mức 5.527 tỷ đồng (+21,4% yoy) và 513 tỷ đồng (+139,7% yoy) dựa trên các giả định: Sản lượng tiêu thụ tăng nhẹ, +5,8% yoy do (i) hoạt động sản xuất trong quý 3/2022 không còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên (ii) sản lượng các quý còn lại giảm nhẹ do hoạt động xây dựng chậm lại trong năm 2022; Giá bán bình quân +15% yoy; Giá nguyên vật liệu bình quân đi ngang so với năm 2021.
Trong năm 2023, BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 5.937 tỷ đồng (+7,1% yoy) và 531 tỷ đồng (+3,5% yoy) với giả định sản lượng tiêu thụ phục hồi về mức 105-110 nghìn tấn trước dịch, tiệm cận mức công suất tối đa.
Sử dụng 2 phương pháp so sánh P/E và chiết khấu dòng tiền FCFF (tỷ lệ 50:50), BSC khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 76.900 đồng/cp, upside 24% so với giá đóng cửa ngày 7/09/2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận