Khủng hoảng trần nợ Mỹ: Ngày X của Phố Wall cũng cận kề
Mặc dù có rất ít tiến triển ở Washington, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn hy vọng rằng Mỹ có thể tránh được tình trạng vỡ nợ như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Cơ hội ngăn chặn khả năng vỡ nợ của Mỹ đang thu hẹp lại từng ngày sau khi cuộc đàm phán giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy hôm 9/5 không mang lại nhiều kết quả.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, bộ này có thể sẽ cạn kiệt tiền mặt và các biện pháp đặc biệt để thanh toán tất cả các khoản chi của chính phủ ngay sau ngày 1/6. Thời gian còn chưa tới 3 tuần.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết, Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 8/6, sớm hơn đáng kể so với dự đoán trước đó là ngày 18/8.
Ngày X - ngày chính phủ Mỹ cạn kiệt tiền mặt để thanh toán các hóa đơn đã gần kề, nhưng điều kỳ lạ là thị trường chứng khoán lại không có dấu hiệu hoảng loạn. Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 7% trong năm nay. Công ty quản lý tài sản Janus Henderson tuần này cũng cho rằng xác suất vỡ nợ hoàn toàn đối với trái phiếu kho bạc chỉ ở mức dưới 1%.
Giải pháp vào giờ chót
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã lên tiếng cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ ngay đầu tháng 6, và theo nhiều nhà đầu tư, rủi ro của lần vỡ nợ này thậm chí còn lớn hơn cả năm 2011, khi rủi ro vượt trần nợ trong gang tấc khiến Standard & Poor’s tước đi xếp hạng tín dụng cao nhất của Mỹ.
Các nhà kinh tế tại Nhà Trắng cho biết một vụ vỡ nợ kéo dài sẽ xóa sạch khoảng 8,3 triệu việc làm và khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng lên 5%. Ngay cả khi vỡ nợ diễn ra trong thời gian ngắn hơn, nền kinh tế Mỹ cũng sẽ bị mất khoảng nửa triệu việc làm, và tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0,3%.
Bên cạnh đó, vai trò trung tâm tài chính toàn cầu của Mỹ có thể suy yếu, đẩy nền kinh tế của nước này vào suy thoái.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như không hoảng sợ. Thị trường thậm chí còn tăng cao hơn trong giao dịch sau giờ làm việc hôm 9/5.
Lý do cho sự “bình tĩnh” này là vì nhiều người trên thị trường tài chính kỳ vọng rằng một số thỏa thuận sẽ được thực hiện, một phần vì đó là điều luôn xảy ra trước đây, ngay cả khi mọi thứ đã đi đến hồi kết.
Kể từ khi trần nợ được thiết lập vào năm 1917, nó đã bị đình chỉ hoặc nâng lên hơn 100 lần. Cuộc khủng hoảng trần nợ năm 2011 đã khiến Standard and Poor’s hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử. Vào năm 2013, quốc gia này cũng đã vỡ nợ trong vòng vài ngày.
“Chuyện này sẽ được giải quyết vào phút cuối. Đó điều mà chúng ta đã thấy trong quá khứ”, theo ông Greg Valliere, trưởng bộ phận chiến lược chính sách Mỹ tại công ty AGF Investments.
Còn theo giáo sư tài chính Gustavo Schwenkler tại Trường Kinh doanh Leavey thuộc Đại học Santa Clara, các nhà đầu tư có thể đang xem xét cuộc khủng hoảng một cách nghiêm túc, nhưng không biết nên phản ứng như thế nào. Ông Schwenkler cho rằng thị trường có thể phản ứng chậm lại trong khi các nhà đầu tư chờ đợi thêm thông tin.
Tuy nhiên, thị trường sẽ có thể phục hồi nhanh chóng. Việc khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ sau cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp và không chắc chắn. Trong khi đó, quá trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng vỡ nợ có thể sẽ bắt đầu vào ngày Quốc hội đình chỉ trần nợ”, ông Kelly nói thêm.
Ngày X ở Phố Wall
Tuy nhiên, sự yên ắng này sẽ không kéo dài bao lâu nữa. Các nhà phân tích cho biết, Phố Wall đã xác định ngày X của riêng mình vào cuối tháng 5 và nếu Quốc hội Mỹ không có động thái lớn nào cho đến thời điểm đó, sẽ có một số biến động lớn trên thị trường.
Chỉ còn khoảng một tuần nữa thôi là các nhà đầu tư sẽ bắt đầu căng thẳng, ông Nicholas Bohnsack, chủ tịch kiêm trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại công ty tư vấn Strategas cho biết.
Trong một lưu ý vào tuần trước, giám đốc chiến lược toàn cầu của công ty quản lý tài sản JPMorgan Asset Management David Kelly cũng đã xác định, những ngày cuối cùng của tháng 5 là thời điểm biến động thị trường chứng khoán sẽ tăng lên.
Nếu Quốc hội không tăng hoặc đình chỉ trần nợ kịp thời, thì sẽ có một cuộc khủng hoảng lớn trên thị trường chứng khoán, ông Kelly nhận định.
Tình trạng bế tắc hiện tại cũng tương tự như cuộc khủng hoảng trần nợ vào tháng 8/2011. Chỉ một tháng trước đó, S&P 500 đã giao dịch ở gần mức cao nhất trong năm. Tuy nhiên, vào ngày 5/8, khi S&P hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ, chỉ số này đã giảm hơn 10%. Vài ngày sau, chỉ số này đã giảm hơn 16% so với mức đỉnh hồi tháng 7.
Một số nhà đầu tư đã nhận thức được những rủi ro, do đó đã tìm cách rút lui khỏi các khoản nợ chính phủ đáo hạn vào khoảng thời gian dự kiến vỡ nợ xảy ra.
Giá vàng đã tăng hơn 10% trong 2 tháng qua, một phần là do các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn của kim loại quý, vốn được cho là sẽ giữ nguyên giá trị của nó qua những đợt hỗn loạn của thị trường.
Ngay cả các nhà đầu tư chứng khoán cũng đã bắt đầu phòng ngừa rủi ro bằng cách mua các công cụ phái sinh để phòng khi có sự sụt giảm đột ngột trên thị trường chứng khoán trong những tháng tới.
Theo nhà phân tích vốn chủ sở hữu tại Citigroup Stuart Kaiser, ông đã tư vấn cho các nhà đầu tư về phần nào của thị trường chứng khoán phụ thuộc nhiều nhất vào tài trợ của chính phủ, chẳng hạn như cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và quốc phòng.
Những công ty đó có thể bị bỏ lại với các hóa đơn chưa thanh toán trong trường hợp vỡ nợ, hoặc phải đối mặt với việc cắt giảm tài trợ như một phần của thỏa thuận được đàm phán ở Washington.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận