24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Nam Trung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

'Khủng hoảng thế giới có thể là cơ hội cho startup Fintech Việt Nam'

Tin tức kinh doanh, doanh nhân & doanh nghiệp, kinh nghiệm, phân tích kinh doanh, chứng khoán, bất động sản, lãi suất ngân hàng.

Trong bối cảnh thị trường Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều Fintech đình đám trên thế giới đồng thời các ngân hàng trong nước có bước chuyển mình mạnh mẽ, doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech đứng trước nhiều cơ hội và thách thức để phát triển. Để hiểu rõ hơn thị trường Fintech tại Việt Nam bên cạnh cơ hội, thách thức của các startup, ông Bùi Thành Đô – Founding Partner & CEO ThinkZone Ventures, quỹ đầu tư có nguồn lực nội địa lớn nhất Việt Nam chia sẻ:

Ông Bùi Thành Đô - Founding Partner  CEO ThinkZone Ventures, quỹ đầu tư có nguồn lực nội địa lớn nhất Việt Nam. Ảnh: NVCC data-natural-h371 data-natural-width660

Ông Bùi Thành Đô - Founding Partner & CEO ThinkZone Ventures, quỹ đầu tư có nguồn lực nội địa lớn nhất Việt Nam. Ảnh: NVCC

- Theo thống kê, nguồn vốn đầu tư Fintech tại ASEAN tăng mạnh, vốn trong 9 tháng đầu năm 2021 cao gấp 3 lần năm 2020 và đạt 3.5 tỷ USD. So với các nước trong khu vực, Fintech Việt Nam đang đứng ở đâu?

- Trong những năm gần đây, thị trường startup Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực Fintech đang tăng trưởng mạnh. Có nhiều quỹ đầu tư tìm kiếm người đại diện ở thị trường Việt Nam hoặc mở các văn phòng chi nhánh. Tổng vốn đầu tư vào Việt Nam tăng, tốc độ tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực.

Nhìn về thị trường Fintech tại Việt Nam, một số loại hình đang được đầu tư chủ yếu là thanh toán, cho vay, dịch vụ tín dụng,.... Việt Nam hiện có 4 doanh nghiệp kỳ lân, hai trong số đó là Momo và VNLife hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính, đặc biệt là thanh toán.

Theo một số thống kê, thanh toán trực tuyến đang tăng nhanh với tốc độ 80% hàng năm và dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2026. Việt Nam được kỳ vọng là thị trường phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Đồng thời lĩnh vực thanh toán được cải thiện sẽ giúp ích cho nhiều hoạt động khác như kinh doanh online, giáo dục trực tuyến... phát triển.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các loại hình Fintech mới tại Việt Nam như Buy now pay later (Mua trước trả sau), Earn Wage Access (EWA) chi nhận lương linh hoạt được phổ biến rộng rãi. Điều này tạo ra một thị trường Fintech thực sự sôi động, thu hút quan tâm của nhiều dòng vốn đầu tư đồng thời cũng đặt ra thách thức trong vấn đề quản lý nhà nước.

- Vậy điều gì làm nên sức hấp dẫn của thị trường Fintech tại Việt Nam, thưa ông?

- Thứ nhất, thị trường Việt Nam có quy mô dân số gần 100 triệu dân trong đó số người trong độ tuổi lao động, dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Với đặc điểm dân số trẻ, dễ thích nghi với nhiều loại hình dịch vụ mới, các Fintech sẽ dễ dàng trong việc triển khai thử nghiệm.

Thứ hai, tỷ lệ ngưởi dân Việt Nam sử dụng Internet rất cao thuộc top các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam là một trong 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Ngoài ra, trung bình người Việt sử dụng Internet trên 6 tiếng/ngày. Những yếu tố này tạo điều kiện cho Fintech bùng nổ.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ người sử dụng điện thoại cao. Tất cả các yếu tố trên tạo ra tiềm năng phát triển dịch vụ Fintech và sức hấp dẫn đầu tư vào loại hình này rất lớn.

- Với tiềm năng phát triển Fintech lớn, theo ông, các doanh nghiệp startup Fintech tại Việt Nam có cơ hội như thế nào để phát triển trong lĩnh vực này?

- Những khủng hoảng trên thế giới và các lệnh trừng phạt thương mại tạo nên rủi ro về chênh lệch tỷ giá dòng tiền. Ở thị trường nội địa, nếu doanh nghiệp sử dụng được nguồn vốn nội trong hoạt động kinh doanh tín dụng sẽ mang đến lợi thế lớn.

Sự khủng hoảng của thị trường cũng tạo ra nhiều nhu cầu khác của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm các loại hình dịch vụ tài chính mới. Từ dữ liệu người dùng, các công ty startup có thể cung cấp các giải pháp đáp ứng chính xác nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Thị trường bán lẻ và tiêu dùng ở Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh, song song với đó, thị trường kinh tế trên Internet (Internet economy) tại nước ta được dự báo tăng trưởng lên tới 11 lần đến năm 2030, đứng đầu về tốc độ tại Đông Nam Á. Với cơ hội đó, các Fintech tại Việt Nam vẫn còn một mảnh đất màu mỡ để sáng tạo với các dịch vụ mang tính cách mạng. Quan trọng, các nhà sáng lập phải dám nghĩ, dám làm và thực sự hiểu cuộc chơi, không xây dựng các mô hình có tính ngắn hạn, thiếu sự bền vững.

- Bên cạnh cơ hội, đâu là các thách thức mà các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech tại Việt Nam phải đối mặt?

- Tùy từng mô hình Fintech khác nhau sẽ đối diện với các thách thức không giống nhau trong giai đoạn này. Ví dụ, với các công ty dịch vụ tín dụng, sử dụng nguồn vốn từ nước ngoài để cấp gói tín dụng tài chính, rủi ro phải đối mặt là chênh lệch tỷ giá vay ngoại tệ dẫn đến chi phí vốn tăng. Đồng thời, với các công ty này, nếu không kiểm soát được nợ xấu sẽ rất nguy hiểm.

Thách thức của các doanh nghiệp startup là tạo ra giải pháp mang tính cách mạng, dễ tiếp cận, mang đến giá trị cho người dùng. Để startup thành công, các công ty phải đồng thời giải các bài toán về phân loại khách hàng, mô hình doanh nghiệp, giải quyết nợ xấu, ứng dụng công nghệ trong việc tối ưu giải pháp, quy trình,...

Ngoài ra, một thách thức khác là tại Việt Nam, dữ liệu người dùng khá phân mảnh. Nếu cải thiện được thách thức này, trong tương lại sẽ có nhiều giải pháp đột phá hơn đến từ các startup. Bởi gen của founder là luôn cố gắng 24/7 để tìm mọi cách để tối ưu những sản phẩm của công ty, doanh nghiệp giải quyết được các yêu cầu của thị trường.

- Tại Việt Nam, những năm gần đây chứng kiến sự đổ bộ mạnh mẽ của các Fintech đình đám thế giới như Alipay, Wechat Pay, Amazon Pay... Ngoài ra, các ngân hàng trong nước cũng đẩy mạnh số hóa. Theo ông, điều này có làm hạn chế sự phát triển của các startup Fintech tại Việt Nam không?

- Các Fintech đình đám thế giới, các công ty kỳ lân khi vào Việt Nam sẽ mang đến thách thức cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khi họ có nguồn vốn mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn đề không phải ở việc mang một mô hình thành công ở nước ngoài vào Việt Nam sẽ đạt được những thành công tương tự. Các doanh nghiệp lớn khi đầu tư vào thị trường Việt cũng sẽ gặp một số rào cản nhất định về cơ cấu đầu tư nước ngoài, sở hữu nước ngoài và hành lang pháp lý tại Việt Nam.

Để tạo ra một mô hình Fintech phù hợp tại Việt Nam, các startup trong nước có lợi thế khi am hiểu thị trường. Đây là ưu thế lớn, các doanh nghiệp cần tận dụng và phát triển nhanh để duy trì lợi thế đó.

Liên quan đến các ngân hàng truyền thống, trên thực tế, các ngân hàng ở Việt Nam đang chuyển mình nhanh, nhưng để triển khai các loại hình Fintech cũng cần hóa giải nhiều thách thức.

Với các ngân hàng, bộ máy hiện tại của họ được thành lập chưa thực sự để giải quyết các nhu cầu vay quy mô nhỏ, vay tiêu dùng. Đồng thời, chi phí vận hành của một tổ chức lớn thường sẽ cồng kềnh hơn. Khi chi phí tiếp cận khách hàng cao, thời gian để giải ngân, hoàn thiện các thủ tục đến tay khách hàng sẽ kéo dài và không thể đáp ứng với nhu cầu của phân khúc mới.

Với đối tượng khách hàng trẻ, điều họ cần là giải pháp nhanh, dễ dàng, thuận tiện. Các ngân hàng truyền thông có thể gặp khó khăn khi giải quyết nhu cầu này so với các doanh nghiệp startup. Do đó, các startup Fintech vẫn có những lợi thế nhất định nếu thực sự chịu khó tìm hiểu, có những triết lý phát triển sản phẩm mới giải quyết được đòi hỏi của thị trường.

- 70% doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam là startup, vậy một doanh nghiệp startup Fintech như thế nào có thể khiến ông quyết định đầu tư?

- Điều đầu tiên ở một startup tôi quan tâm là mô hình của họ có thực sự khả thi để phát triển tại thị trường. Mình luôn phải đặt ra câu hỏi mô hình, sản phẩm có những cơ hội và thách thức nào để phát triển.

Trong một số thương vụ gần đây, ThinkZone vẫn đầu tư vào các mô hình đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại và đi xuống trên thế giới. Nhiều người hoài nghi về quyết định này, tuy nhiên, ThinkZone không đầu tư theo xu hướng và cũng không đầu tư vào một startup mà chỉ copy y nguyên từ các kỳ lân trên toàn cầu. ThinkZone quan tâm vào các startup ở đó founder thực sự hiểu rất sâu các thách thức họ phải giải quyết.

Về khía cạnh xã hội, ThinkZone đánh giá cao các doanh nghiệp giải quyết được các nhu cầu cấp thiết của khách hàng, mang được những giải pháp tài chính tích cực cho xã hội. Một trong những định nghĩa thành công với doanh nghiệp chúng tôi đầu tư là tính bền vững, phát triển nhanh và mang đến những giá trị tích cực chứ không đơn thuần là tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận. Chúng tôi không đầu tư vào các công ty kiếm tiền trên yếu tố "tiêu cực" họ tạo ra cho xã hội.

CEO ThinkZone sẽ góp mặt trong workshop Khởi nghiệp lĩnh vực Fintech: Bí quyết Growth Hacking cùng các diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. data-natural-h1599 data-natural-width2399

CEO ThinkZone sẽ góp mặt trong workshop "Khởi nghiệp lĩnh vực Fintech: Bí quyết Growth Hacking" cùng các diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ.

- Vậy đâu là lời khuyên của ông để giúp các startups Fintech có thể chinh phục các quỹ đầu tư và khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này?

- Đầu tiên, để gọi vốn thành công, doanh nghiệp phải hiểu về "khẩu vị" của nhà đầu tư. Mỗi quỹ đầu tư sẽ có những chiến lược đầu tư và định nghĩ thành công khác nhau. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải biết rõ tại sao quỹ đầu tư này phù hợp với mình, việc hợp tác với quỹ sẽ đem lại những lợi gì cho doanh nghiệp ngoài tiền đầu tư.

Thứ hai, doanh nghiệp khi kêu gọi đầu tư cần trung thực và hiểu rõ mô hình kinh doanh, minh bạch trong các con số bởi để tìm một nhà đầu tư đi đường dài thì cần có sự thấu hiểu nhất định.

Thứ ba, cần thể hiện những con số đủ sức cam kết với nhà đầu tư. Trong hai năm đại dịch, tôi ấn tượng với các doanh nghiệp được ThinkZone đầu tư. Khó khăn là vậy nhưng họ chưa bao giờ dừng lại, thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đạt mức tăng trưởng vượt trội.

Đừng đi tiếp cận quá nhiều nhà đầu tư, các công ty khởi nghiệp nên tập trung vào sản phẩm, doanh nghiệp và khách hàng. Trên thực tế, có nhiều startup dành từ 3 đến 6 tháng chỉ gọi vốn và tiếp cận các nhà đầu tư. Với thời gian dài như vậy, founder sẽ không có thời gian quản lý công ty, không thể tìm hiểu được mong muốn của khách hàng để tối ưu hoá sản phẩm của mình.

Tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều quỹ đầu tư, vì vậy các doanh nghiệp khởi nghiệp hãy tập trung chinh phục những quỹ thực sự phù hợp với doanh nghiệp của mình từ phân khúc, tầm nhìn để có thể "chốt deal" trong thời gian ngắn. Các startup hãy cứ tập trung vào doanh nghiệp của mình, các quỹ đầu tư phù hợp sẽ tự tìm tới.

Lưu

Chia sẻCopy link thành công

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả