Khủng hoảng năng lượng ở EU không còn chịu tác động của xung đột Nga – Ukraine?
Mới đây, quan chức ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố khối này đã hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Theo đài Sputnik (Nga), Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Joseph Borrell cho rằng EU không còn cần khí đốt của Nga để đảm bảo an ninh năng lượng. Ông cũng giải thích rằng chi phí năng lượng tăng cao trong khu vực không phải do xung đột ở Ukraine, mà là do các yếu tố kinh tế không liên quan.
“Ngày nay, phụ thuộc lẫn nhau là chính là vũ khí chiến tranh và chúng tôi đã tạo ra thay đổi mạnh mẽ. Chỉ trong vòng vài tháng, chúng tôi đã xoá bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga mà chúng tôi đã tạo ra suốt nhiều năm qua”, ông Borell nói trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Tây Ban Nha hôm 22/1.
Khi được yêu cầu bình luận về nguy cơ nghèo hóa châu Âu do chi phí năng lượng tăng vọt, nhà ngoại giao này đảm bảo rằng sau giai đoạn tăng giá vô cùng căng thẳng, chi phí năng lượng đã giảm về mốc trước khi xung đột ở Ukraine xảy ra.
“Giá khí đốt đã trở lại mức trước chiến sự, vốn đã rất cao. Nhưng chi phí tăng cao tàn khốc hồi tháng 8/2022 phần lớn là do căng thẳng đầu cơ trên thị trường,” ông Borrell nói.
Theo ông Borrell, căng thẳng trên thị trường năng lượng giờ đây không còn do tình hình ở Ukraine, mà là vấn đề cấu trúc của ngành và đặc biệt là mối tương quan giữa giá khí đốt và giá điện. Ông hy vọng Ủy ban châu Âu sẽ sớm đưa ra đề xuất để khắc phục tình hình.
Ông Borrell đảm bảo rằng Brussels đã thực hiện các biện pháp hiệu quả để kiểm soát giá cả. Quan chức này cho hay “Nga đã và sẽ mất rất nhiều tiền” khi giảm xuất khẩu năng lượng sang châu Âu. Song theo giới phân tích tuyên bố này dường như không phù hợp với số liệu thống kê kinh tế do Ngân hàng Trung ương Nga công bố vào tuần trước - cho thấy Nga có thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục 227 tỷ USD trong năm 2022.
Trạm trung chuyển khí đốt ở Rembelszczyzna, gần Vácsava, Ba Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong năm 2022, các nước châu Âu đã tăng mạnh nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Trung Đông để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Nga. Tuy nhiên, do nhu cầu hóa lỏng LNG bằng phương pháp đông lạnh, chuyển hàng lên các tàu chuyên dụng lớn, vận chuyển đến các kho cảng và khí hóa lại, giá của LNG có xu hướng cao hơn nhiều so với khí đốt vận chuyển đường ống thông thường. Theo nghiên cứu gần đây của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, chi phí nhập khẩu LNG cao hơn gấp 4 lần so với giá mua khí đốt thông thường.
Hơn nữa, trong khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden dường như đang hài lòng khi thu được lợi nhuận cao từ khi các khách hàng châu Âu, thì các nhà sản xuất LNG khác không tin rằng châu Âu sẽ có thể chịu được áp lực về nguồn cung và giá cả đó trong thời gian dài.
Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Qatar - nước xuất khẩu LNG lớn thứ 2 thế giới - dự đoán Nga chắc chắn sẽ nối lại việc cung cấp khí đốt quy mô lớn cho châu Âu để khôi phục sự ổn định cho thị trường năng lượng toàn cầu.
“Đây sẽ là tình huống không ổn định trong thời gian tới. Chúng tôi đã cung cấp nhiều khí đốt cho thị trường, nhưng vẫn chưa đủ. Theo quan điểm của tôi, khí đốt của Nga sẽ quay trở lại châu Âu. Có thể là năm tới, có thể là 5 năm tới, tôi không rõ, nhưng khi tình hình này được giải quyết, tôi nghĩ rằng đó sẽ là cứu trợ lớn cho toàn bộ lĩnh vực khí đốt, cho toàn bộ thị trường châu Âu và sẽ ổn định giá cả”, Bộ trưởng Saad al-Kaabi phát biểu tại một diễn đàn năng lượng.
Trong khi đó, giới chức đang dõi theo những nỗ lực của Brussels nhằm thoát khỏi "tấm đệm" năng lượng của Moskva, bằng cách cắt giảm năng lượng của Nga vào mùa xuân năm ngoái. Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng EU đang “tự sát về kinh tế” khi cắt giảm đáng kể nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Trước đó, cả Pháp và Đức từng phàn nàn về việc Mỹ đang bán LNG cho các đồng minh và đối tác ở châu Âu với giá cao gấp vài lần so với thị trường nội địa. Năm 2022, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức đã cảnh báo về khả năng phi công nghiệp hóa của khối, khi chi phí năng lượng leo thang khiến cho sản xuất kém cạnh tranh.
Hồi tháng 8, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định, mô hình kinh tế của nước này trong nhiều năm qua đã phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ nhập từ Nga. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, mô hình này sẽ không bao giờ thực hiện được nữa sau khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chỉ trích Washington, cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng lôi kéo các nhà sản xuất đến Mỹ bằng cách sử dụng các khoản trợ cấp xa hoa và năng lượng rẻ hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận