Không để khan hàng, sốt giá hàng hóa trong dịp Tết
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều cam kết tăng nguồn cung hàng hoá cho thị trường gấp từ 2-3 lần để phục vụ người tiêu dùng, kiên quyết không để khan hàng, sốt giá dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán 2022.
Theo Sở Công Thương Nghệ An, dự kiến sức mua thị trường trong những tháng giáp Tết Nguyên đán sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Mặc dù dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, tuy nhiên từ cuối năm 2021, các hoạt động kinh tế đang được hồi phục dần nên việc chuẩn bị Tết Nguyên đán đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động triển khai sớm.
Hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào. Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn; trong đó, sản lượng gia cầm, thủy sản, thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng gia cầm các loại của Nghệ An đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân; rau và trái cây đáp ứng 70%-90% nhu cầu. Số còn lại Nghệ An sẽ nhập hàng từ các tỉnh, thành phố khác.
Trước Tết 3 tháng, Siêu thị BigC Vinh đã lên kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu khác. Cùng với đó là các chương trình giảm giá, khuyến mại để kích thích tiêu dùng. Đánh giá tình hình sức mua của người dân bị ảnh hưởng sau dịch bệnh nên lượng hàng chuẩn bị dự trữ năm nay của Siêu thị BigC Vinh sẽ tăng ít (khoảng 2%-3%), có mặt hàng không tăng so với năm trước. Căn cứ diễn biến cung cầu hàng hóa trên thị trường, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm lượng hàng nhập để đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân và hạn chế chi phí hủy hàng tươi sống do cung vượt cầu.
Ông Trần An Khang, Giám đốc BigC Vinh cho biết, năm nay do dịch bệnh kéo dài, BigC cũng không thể dự đoán sức mua của người dân nên cũng không dám trữ nhiều hàng như các năm trước. Nếu như năm trước, BigC trữ 150 tỷ đồng tiền hàng hoá, thì năm nay chỉ dự trù khoảng 120-130 tỷ đồng tiền hàng; trong đó, nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, giá cả bình ổn, siêu thị vừa nhập khẩu vừa sử dụng nguồn cung cấp ở địa phương đối với các loại thực phẩm dễ dàng cho người tiêu dùng lựa chọn.
Với hệ thống các cửa hàng rải khắp trên địa bàn tỉnh, Siêu thị VinMart cũng đã có kế hoạch cụ thể phục vụ người dân trước, trong và sau dịp Tết. Chị Trần Thị Thu Ngân, Giám đốc Siêu thị VinMart Nghệ An cho biết, đã có kế hoạch mở cửa từ 7 giờ sáng đến 24 giờ đêm đối với mỗi cửa hàng, cam kết bình ổn giá để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng dịp Tết. Ngoài ra, còn có chương trình khuyến mãi lớn đối với mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn đã chuẩn bị các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, ước tổng giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng. Hiện Sở Công Thương cũng đang tăng cường các hoạt động giám sát bình ổn thị trường nhằm cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng và tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh làm tốt việc phòng chống dịch tại siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối, Sở Công Thương còn xây dựng và hoàn thiện các kịch bản ứng phó trong những tình huống cụ thể, như: kịch bản dự trữ hàng hóa, cung ứng hàng hóa, phối hợp với quản lý thị trường và cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm soát thị trường vừa chống hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng vừa chống hiện tượng đầu cơ và găm giá.
Ông Phạm Văn Hoá, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, cơ quan sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa, bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch.
Song song với việc chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ người dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì phương án bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 và đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận