Không chỉ Sông Đuống, Nhà máy nước Sông Đà của đại gia Tuấn 'Gelex' cũng từng được trợ giá hơn nửa nghìn tỷ
Biên độ trợ giá đối với Nhà máy nước Sông Đà từng lên tới 45%, cao hơn nhiều Nhà máy nước sông Đuống.
Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao trước thông tin mức giá mua nước sạch của Nhà máy nước mặt Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, cao hơn nhiều nhà máy nước sạch khác. Nói về mức giá này, Phó chánh Văn phòng UBND TP.Hà Nội, ông Võ Tuấn Anh cho biết, đây chỉ là giá tạm tính tối đa để ký kết thỏa thuận, không phải giá bán đến người tiêu dùng hay giá bán lẻ. Bên cạnh đó, việc giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cao hơn nước sạch sông Đà do nhiều yếu tố cấu thành như: tổng mức đầu tư, nguyên giá tài sản, chi phí lãi vay,….
Ngoài ra, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà thông tin, thành phố chưa trợ giá đồng nào cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống, do hiện tại dự án chưa được quyết toán nên chưa xác định được giá nước sạch.
Dù vậy, không quá ngạc nhiên nếu nhà máy nước này nhận được khoản trợ giá trong tương lai. Bởi lẽ, tìm hiểu của PV cho thấy, chính Nhà máy nước Sông Đà (CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà - Viwasupco, tiền thân là CTCP Nước sạch Vinaconex) của đại gia Tuấn “Gelex” cũng từng được TP Hà Nội trợ giá số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng (giai đoạn 2009 – 2014).
Cụ thể, Quyết định số 213/QĐ-UBND ngày 13/5/2010 của UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt giá mua nước sạch và phương án trợ giá tạm thời cho Viwasupco, giai đoạn từ 1/4/2009 đến 31/12/2009, khoản trợ giá 1.996 đồng/m3 là phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất nước (4.269 đồng/m3) với giá bán nước sạch cho TP Hà Nội (2.273 đồng/m3) và theo khối lượng nước thực tế.
Giai đoạn 1/1/2009 đến 31/12/2011, trợ giá 1.920,54 đồng/m3 và đây là phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất nước (4.269 đồng/m3) với giá bán nước sạch cho TP Hà Nội (2.348,46 đồng/m3) và theo khối lượng nước thực tế.
Tính ra, tỷ lệ trợ giá/chi phí sản xuất nước trong 2 giai đoạn trên lần lượt là 46,75% và 44,98%, cao hơn nhiều biên độ trợ giá đối với Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Qua các năm, khoản trợ giá này ngày càng giảm do giá bán buôn dần tăng và chi phí sản xuất nước vẫn giữ nguyên.
Trong giai đoạn cuối từ ngày 1/1/2014 - 31/12/2014, TP.Hà Nội chỉ trợ giá 669 đồng/m3, tương ứng phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất nước (4.269 đồng/m3) và giá bán buôn nước sạch cho TP.Hà Nội (3.600 đồng/m3), tương ứng tỷ lệ trợ giá/chi phí là 15,6%. Năm 2015, Hà Nội không bù giá nước cho Viwasupco .
Thống kê của PV cho thấy, nếu không có khoản phụ trợ này, Viwasupco chắc chắn sẽ lỗ trong 4 năm tài chính, từ năm 2010 đến năm 2013. Đây cũng là 4 năm Viwasupco nhận được mức trợ giá lớn từ thành phố, cụ thể là năm 2010 nhận gần 120 tỷ đồng; năm 2011 nhận 96,1 tỷ đồng, 2 năm 2012 và 2013 nhận lần lượt 112,9 tỷ đồng và 165,9 tỷ đồng.
Theo tính toán, Nhà máy nước Sông Đà đã nhận tổng cộng gần 550 tỷ đồng tiền trợ giá cho hoạt động kinh doanh nước sạch.
Nước sạch đóng vai trò quan trọng và thiết yếu trong đời sống và kinh doanh. Ý thức được điều này, không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương đang khuyến khích khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung với nhiều ưu đãi.
Ngoài Viwasupco, nhiều nhà máy nước khác cũng nhận được sự hỗ trợ của các địa phương. Đơn cử như tại tỉnh Đồng Tháp, nhằm khuyến khích doanh nghiệp cấp nước sạch nông thông, UBND Tỉnh đã ban hành Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND quy định về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý thực hiện chương trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như: ưu tiên bố trí đất để làm mặt bằng xây dựng công trình cấp nước một cách hợp lý, miễn thuế, giảm thuế, hỗ trợ giá nước (là phần chênh lệch giữa giá nước sạch được tính theo quy định Nhà nước và giá tiêu thụ do UBND tỉnh quyết định).
Ngoài trợ giá, Nhà máy nước Sông Đà còn có ưu đãi gì?
“Công ty đang được lựa chọn giữa hai hình thức ưu đãi: (1) Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm và miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo áp dụng đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư phát triển nhà máy nước hoặc (2) Thuế suất ưu đãi 20% trong thời hạn 10 năm và miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo áp dụng đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 124/2008/NĐ-CP 24 ngày 11/1/2008 của Chính phủ".
Nhà máy nước Sông Đà đã áp dụng lựa chọn hình thức ưu đãi thứ 2.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận