Khơi thông thủ tục để dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng sớm về đích
Từ sự vào cuộc của Chính phủ, UBND Tp.HCM sẽ đẩy nhanh tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để tiếp tục dự án ngăn triều giải quyết ngập.
Tìm phương án thanh toán cho dự án
Ngày 28/7, tại buổi giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Đoàn Đại biểu Quốc hội đối với UBND Tp.HCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, Tp.HCM sẽ thanh toán cho nhà đầu tư dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng theo đúng quy định.
Theo người đứng đầu chính quyền Tp.HCM, do yêu cầu bức thiết của địa phương nên đã thực hiện dự án chống ngập do triều với kinh phí lên tới 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, về mặt hồ sơ, thủ tục chưa được đầy đủ. Đặc biệt, tại thời điểm đó so với bây giờ, có những quy định đã khác.
“Trách nhiệm của Thành phố là phải cùng với nhà đầu tư ngồi lại để gỡ những vướng mắc. Thành phố cam kết thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư nhưng phải làm chặt chẽ, đúng quy định”, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi nói.
Tháng 7/2022, theo báo cáo của Sở Xây dựng Tp.HCM, dự án giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM 10.000 tỷ đồng, đến nay đã đạt 93% tiến độ. Trong đó, 20 cống ngăn triều đã thi công đạt hơn 90%.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (nhà đầu tư) cho biết, tính đến nay, dự án đã tạm dừng thi công 3 lần vào các năm 2018, 2019 và 2020. Một trong những nguyên nhân khiến dự án chưa thể tái khởi động là phát sinh một số vướng mắc dẫn đến phụ lục hợp đồng vẫn chưa được ký kết.
Nhà đầu tư là Công ty Trung Nam còn băn khoăn: “Dự án đang phải chịu lãi quá hạn và lãi phát sinh theo từng ngày. Số tiền lãi này đang rất cao và chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa nếu như dự án vẫn còn tiếp tục kéo dài. Khi đó, nguy cơ tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỷ đồng là không thể kiểm soát được”.
Đối với dự án này, tháng 4/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết 40/NQ-CP "giải cứu". Theo đó, UBND Tp.HCM được tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù được Thủ tướng Chính phủ đồng ý trước đó và các thủ tục được cơ quan thẩm quyền chấp thuận.
Nghị quyết nêu rõ trách nhiệm toàn diện của UBND Tp.HCM là “bảo đảm yêu cầu về chất lượng, an toàn công trình, tiến độ dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí ngân sách và tài sản Nhà nước".
Phấn đấu giải ngân để hoàn thành dự án
Sau khi Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP về tiếp tục triển khai dự án, UBND Tp.HCM tổ chức họp về việc thực hiện nghị quyết và đến tháng 10/2021 ban hành quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2016-2020 thành 2016-2023.
Ngày 20/7, bằng văn bản số 6050/SKHĐT-PPP, tổ đàm phán do Sở KH-ĐT làm tổ trưởng đã báo cáo UBND Tp.HCM, đưa ra 2 phương án để điều chỉnh nội dung phụ lục hợp đồng BT của dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM.
Nếu chỉ điều chỉnh thời gian thì Phụ lục Hợp đồng BT, Phụ lục Hợp đồng tín dụng có thể không được ký kết. Từ đó, cũng không đủ cơ sở pháp lý để UBND Tp.HCM trình Ngân hàng Nhà nước thủ tục gia hạn thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn cho dự án.
Phương án tối ưu hơn là đồng thời điều chỉnh thời gian và quỹ đất để tạo sự đồng thuận giữa UBND Tp.HCM, Ngân hàng BIDV và nhà đầu tư trong việc giải ngân vốn cho dự án, hoàn thành theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ.
Đến ngày 27/7, trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi đề xuất Chính phủ cho phép Tp.HCM dùng 7 khu đất thanh toán cho 2 dự án BT.
Một trong hai dự án đó là dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM có xét đến biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 gần 10.000 tỷ đồng do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư.
Cụ thể là khu đất tại Lô C8A - Khu A – Đô thị mới Nam Thành phố rộng 5.500 m2 (quận 7); khu đất tại 762 Bình Quới rộng 4.298m2 (quận Bình Thạnh) và khu đất 232 Đỗ Xuân Hợp rộng hơn 17.500 m2 (Tp.Thủ Đức).
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND Tp.HCM sẽ thực hiện thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường giao, thuê đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hợp đồng đã ký kết. Nếu việc ký kết phụ lục hợp đồng và giải ngân vốn đúng tiến độ thì dự án có thể hoàn thành, đưa vào vận hành vào quý I/2023.
Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Tp.HCM giúp kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho khu vực rộng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố được hưởng lợi.
Với dự án này, Tp.HCM chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước các dự án thoát nước đô thị. Trước mắt, dự án giải quyết ngập do triều cho 4 đường Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn và Quốc lộ 50.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận