Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu chuyển biến tích cực, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh. Các yếu tố này đã hỗ trợ tích cực, từng bước khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tháng 5 tiếp tục có chuyển biến so với tháng 4 và quý I/2023. Tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II.
Tuy nhiên, do những khó khăn, thách thức chung của thế giới, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về dòng tiền, thị trường và đơn hàng; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai…
"Đây là thách thức lớn, cần tập trung hỗ trợ, tháo gỡ để củng cố, thúc đẩy các xu hướng chuyển biến tích cực của nền kinh tế, tạo điều kiện phấn đấu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển năm 2023", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Xét về tổng thể chung, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%) dù đã điều chỉnh tăng giá điện 3% từ ngày 4/5/2023; lạm phát cơ bản tiếp tục chuyển biến tích cực.
Đồng thời, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay giảm; ổn định tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 48% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 48,4% dự toán.
Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu tháng 5 ước lần lượt tăng 5,3%, 4,3% và 6,4% so với tháng trước (tháng 4 lần lượt giảm 7,7%, 7,3% và 8,1%); tính chung 5 tháng ước xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2022 là 0,24 tỷ USD).
FDI đăng ký tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đạt 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng chỉ bằng 82,1% so với cùng kỳ).
Đáng chú ý, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp ổn định; sản lượng nuôi trồng thủy sản 5 tháng tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 2,2% so với tháng trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 05 tháng tăng 12,6%, là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2015 trở lại đây.
Tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội để phục hồi kinh tế
Đánh giá chung về tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu chuyển biến tích cực, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh… Các yếu tố này đã hỗ trợ tích cực, từng bước khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, những khó khăn, thách thức của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, thu hút đầu tư của nước ta.
“Những khó khăn, thách thức mà các nền kinh tế đang phải đối mặt, không thể có chuyển biến rõ rệt ngay trong "một sớm, một chiều", trong khi áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong nước tăng cao", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp trong nước sau thời gian dài của dịch COVID-19 đã đến mức tới hạn. Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn. Đồng thời, cần tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi kinh tế, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường