Khối ngoại mua ròng trở lại
Sau chuỗi phiên bán ròng liên tục quy mô lớn, nhà đầu tư nước ngoài gần đây đã mua ròng trở lại trên thị trường chứng khoán, phần nào hỗ trợ nhịp phục hồi của chỉ số và tâm lý nhà đầu tư.
Khối ngoại dứt chuỗi bán ròng
Giao dịch của khối ngoại trở thành tâm điểm chú ý của thị trường hai tháng gần đây. Trong những tuần cuối tháng 11, nhóm này liên tục bán ròng với quy mô lớn, nhiều phiên trên mức nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh thanh khoản chung suy giảm cùng sự thận trọng của khối nội, diễn biến này góp phần vào đà giảm của VN-Index.
“Việc khối ngoại bán ròng liên tiếp với quy mô lớn đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, vốn đã ở trạng thái thận trọng trong bối cảnh tỷ giá tăng cao” - ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta, nhận xét.
Chỉ tính riêng từ đầu tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 12.000 tỷ đồng trên HoSE. Ba phiên giao dịch, từ ngày 18-20/11, khối ngoại bán ròng trên HoSE đều trên 1.000 tỷ đồng, với quy mô giao dịch chiếm 14-18% tổng giá trị toàn sàn.
Tuy nhiên, sau chuỗi bán ròng liên tiếp hàng chục phiên từ đầu tháng 10, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại trạng thái mua ròng trong những phiên gần đây.
Ba phiên gần nhất, ngày 25-27/11, khối ngoại mua ròng khoảng 200-400 tỷ đồng mỗi phiên trên HoSE. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất ở cổ phiếu FPT với giá trị hơn 775 tỷ đồng, MSN xếp sau với quy mô mua ròng hơn 60 tỷ đồng. Một số giao dịch lớn đã được các quỹ thực hiện. Như ngày 21/11, nhóm cổ đông đại diện bởi Công ty TNHH Quản lý quỹ KIM Việt Nam đã mua vào tổng cộng gần 7,4 triệu cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept, nâng sở hữu lên gần 29 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,31%).
Động thái này, theo giới phân tích, cũng giúp tâm lý thị trường được cải thiện và đóng góp phần nào vào đà phục hồi của chỉ số.
VN-Index sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ cứng 1.200 điểm đã phục hồi trở lại trong những phiên gần đây. Sau gần một tuần, chỉ số của sàn HoSE đã trở lại ngưỡng 1.240 điểm, tăng hơn 3% so với mức đáy gần nhất phiên 20/11.
Dòng tiền có thể sớm trở lại
Theo phân tích của ông Thế Minh, phần lớn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chủ yếu là các khoản đầu tư chiến lược, nắm giữ dài hạn, như cổ đông chiến lược các ngân hàng và một số doanh nghiệp bluechip. Theo đó, tỷ trọng cổ phiếu trên thị trường Việt Nam để “trading” của các nhà đầu tư nước ngoài có thể chỉ còn dưới 1% vốn hóa, sau động thái bán ròng với quy mô hơn 80.000 tỷ đồng từ đầu năm trên HoSE.
“Với sức mạnh đồng bạc xanh và áp lực rút vốn gần đây trên nhiều thị trường, việc đảo chiều hoàn toàn xu hướng dòng vốn có thể khó diễn ra ngay lập tức. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng áp lực bán ròng sẽ thu hẹp đáng kể trong ngắn hạn, không còn tình trạng mỗi phiên bán ròng nghìn tỷ đồng”, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta bình luận.
Đặc biệt trong giai đoạn cuối tháng 11, khối ngoại có nhiều phiên bán ròng với diễn biến “lạ”. Việc bán ròng được thực hiện mạnh tay từ đầu mỗi phiên, với quy mô nghìn tỷ đồng, theo ông Thế Minh, cho thấy áp lực “tất toán danh mục bằng mọi giá” diễn ra ở một số quỹ. Diễn biến này không phải việc xảy ra thường xuyên.
Minh chứng cho nhận xét này là động thái bán ròng đã thu hẹp đáng kể sau nhiều phiên bán ròng quy mô lớn. Trong bốn phiên gần nhất, khối ngoại trở lại mua ròng vài trăm tỷ đồng, hoặc nếu bán ròng cũng thu hẹp tương đương.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Dragon Capital cho rằng, đồng USD mạnh lên có thể kéo dài việc rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi để chuyển về Mỹ. Tuy nhiên, lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực.
“Kết quả này cho thấy khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam và củng cố kỳ vọng tăng trưởng 16 - 18% vào năm 2025”, ông Hưng nhận xét trong báo cáo mới đây gửi nhà đầu tư. Với việc danh sách doanh nghiệp đang theo dõi của Dragon Capital đang giao dịch ở mức P/E dự phóng là 11,6 lần so với mức trung bình 13,9 lần trong 5 năm qua, ông Hưng cho rằng khả năng giảm thêm là không cao, một phần cũng nhờ vào quan điểm tích cực của các nhà đầu tư trong nước.
Trong khi đó, phân tích từ Chứng khoán Shinhan cho rằng, nhà đầu tư có thể hạn chế tác động của việc đồng USD mạnh lên và động thái bán ròng của khối ngoại bằng danh mục những cổ phiếu an toàn hơn. Những lựa chọn có thể cân nhắc là nhóm doanh nghiệp niêm yết hoạt động kinh doanh chính tại thị trường nội địa Việt Nam, ít các khoản vay nước ngoài, được niêm yết trên sàn UpCom hay HNX vì các cổ phiếu sẽ ít được quan tâm bởi các quỹ ETF thụ động, và có biến động cổ phiếu thấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường