24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thạch Thảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khối ngoại mua ròng nhiều tuần trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Sau ba tuần tăng điểm liên tiếp, chứng khoán Việt Nam đã có sự chững lại trong tuần qua (từ 5 - 9/12) để kết tuần với mức giảm nhẹ. Thanh khoản trong tuần qua suy giảm so với tuần tăng mạnh trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất. Điểm đáng chú ý nhất có lẽ là việc khối ngoại

Điểm sáng khối ngoại

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), khối ngoại có tuần mua ròng thứ 5 liên tiếp trên hai sàn, với tổng cộng giá trị mua ròng đạt 4.351,24 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, SSI là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 21,9 triệu cổ phiếu.

Tiếp theo là FUEVFVND và STB với lần lượt 18,9 triệu chứng chỉ quỹ và 18,9 triệu cổ phiếu. Tuần trước đó, khối ngoại còn mua ròng tới 9.330,7 tỷ đồng.

Khối ngoại trở lại mua ròng rất mạnh từ tháng 11. Cụ thể, khối ngoại mua ròng hơn 15,9 nghìn tỷ đồng trong tháng 11, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018 (22,8 nghìn tỷ đồng). Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đạt 14% trong tháng 11, cao hơn mức 11,1% ở tháng 10 và bỏ xa mức 8,3% bình quân 11 tháng năm 2022.

Theo Báo cáo chiến lược thị trường tháng 12/2022 với chủ đề "cơ hội đi cùng rủi ro" của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), dòng tiền mới từ khối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh đã tạo động lực cho dòng tiền cá nhân tham gia tìm cơ hội ngắn hạn giúp thị trường giao dịch sôi động hơn.

Thực tế, thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần này đạt 20.200 tỷ đồng, dù có giảm so với tuần trước đó, nhưng vẫn cao hơn so với mức trung bình của 20 tuần gần nhất.

Về thông tin có ảnh hưởng tới thị trường, tối 5/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Sau động thái này, Ngân hàng Nhà nước đang phát đi tín hiệu sẵn sàng tạo điều kiện bằng các nguồn lực vốn dài hạn cho các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, ngày 7 và 8/12, trên kênh cầm cố thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 91 ngày, những ngân hàng trúng thầu sẽ được phép sử dụng khoản tiền hỗ trợ này đến đầu tháng 3/2023.

Giới phân tích cho rằng, việc kéo dài kỳ hạn từ 14 ngày lên 91 ngày, nhà điều hành đã phát đi tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản hệ thống với kỳ hạn dài hơn, điều mà trước đó rất hiếm gặp. Đây cũng được xem là động thái hiện thực hóa thông điệp đẩy ra thị trường một lượng vốn dài hạn hơn thường thấy.

Về kinh tế vĩ mô, SSI dự báo tăng trưởng GDP trong quý IV năm 2022 ước tính ở mức 5,5-6% và đạt 6-6,2% vào năm 2023.

SSI cho rằng, khó khăn trong thời gian tới đến từ sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất và rủi ro trong ngắn hạn tiếp tục là thanh khoản hệ thống, khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn cao dần về cuối năm và lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngoài ra, ngay trong quý IV này, ảnh hưởng từ lạm phát và lãi suất tăng có thể bộc lộ ở kết quả kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp niêm yết. Do đó, mặc dù vẫn kỳ vọng đà hồi phục thị trường sẽ tiếp diễn nhờ động lực từ khối ngoại, nhưng SSI cũng đánh giá thị trường đang đi vào vùng giá nhạy cảm và dễ phản ứng mạnh với các yếu tố rủi ro.

Trở lại diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 5 - 9/12, VN-Index giảm 28,2 điểm xuống 1.051,81 điểm, HNX-Index tăng 1,04 điểm lên 217 điểm.

Thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều sụt giảm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với 3,4% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như VCB giảm 9,1%, SHB giảm 5,4%, BID giảm 4,9%, TCB giảm 3,5%, VPB giảm 2,3%, ACB giảm 1,9%...

Tiếp theo là nhóm ngành tài chính với mức giảm 3,2% giá trị vốn hóa. Theo đó, các cổ phiếu bất động sản như NVL giảm 30%, HPX giảm 22,9%, VHM giảm 5,4%, VIC giảm 1,5%. Trong khi đó, cổ phiếu chứng khoán phục hồi khá tốt với SSI tăng 4,1%, VCI tăng 5,8%, VND tăng 11,5%, FTS tăng 11,6%...

Cổ phiếu tiện ích cộng đồng giảm mạnh thứ ba với 3,1% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm của các cổ phiếu điện, nước, xăng dầu, khí đốt. Cụ thể như GAS giảm 3%, POW và CNG đều giảm 4,3%, DTE giảm 18,4%

Ngành hàng tiêu dùng giảm 2,8%, với các cổ phiếu trụ cột như như VNM giảm 4,8%, MSN giảm 6,6%. Ngành dầu khí giảm 1,6% và nguyên vật liệu giảm 0,6%.

Ở chiều ngược lại, ngành dịch vụ tiêu dùng tăng mạnh nhất với 2,2% giá trị vốn hóa. Cụ thể, GTT tăng 14,3%, HVN tăng 0,3%, VJC tăng 4,1%, VTD tăng 3,2%, VNS tăng 3,1%, VTR tăng 2,4%... Cùng đó, ngành công nghiệp tăng 1,2% giá trị vốn hóa.

SHS cho biết, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 12/2022 đang cao hơn so với chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh 4,92 điểm, cho thấy các nhà đầu tư đang lạc quan với xu hướng của thị trường trong tuần tới.

Công ty chứng khoán này cho rằng, sau 3 tuần hồi phục liên tiếp, đặc biệt là tuần từ 28/11 - 2/12, thị trường phục hồi mạnh mẽ, dứt khoát và có tính bùng nổ thì tuần này thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh là vận động hết sức bình thường.

Vận động điều chỉnh này còn có tính tích cực, giúp thị trường tích lũy lại và củng cố nền tảng trước khi có đợt tăng tiếp theo, thị trường đã hình thành đáy trung hạn và bước vào giai đoạn phục hồi. Đây là trạng thái chủ đạo tích cực của thị trường giai đoạn hiện nay.

Có góc nhìn thận trọng hơn, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) đánh giá, VN-Index vẫn đóng cửa trên ngưỡng 1.000 điểm cho thấy xu hướng tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, rủi ro điều chỉnh vẫn còn nguyên vẹn khi áp lực bán xuất hiện quanh mức 1.100 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên chờ đợi thêm các tín hiệu tiếp theo trước khi đưa ra quyết định mua bán.

Chứng khoán thế giới đi xuống

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đi xuống.

Theo đó, Chứng khoán Mỹ sụt giảm vào phiên 9/12 và kết thúc tuần với mức giảm khá lớn, khi số liệu về giá sản xuất tại Mỹ cao hơn dự kiến khơi lại những lo lắng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ duy trì việc tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Phiên này, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,7% và đóng cửa ở mức 3.934,38 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,9% xuống 33.476,46 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm 0,7% xuống 11.004,62 điểm.

Nhìn chung, yếu tố chính chi phối thị trường chứng khoán Mỹ tuần này là những lo ngại về suy thoái kinh tế kéo dài cùng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh, khiến đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới "hạ nhiệt".

Với mức giảm trong phiên cuối 9/12, S&P 500 khép lại tuần giao dịch với mức giảm 3,4%, Dow Jones giảm 2,8% và Nasdaq Composite mất 4%.

Tuần tới, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ khá "sôi động" với số liệu lạm phát rất được chú ý và quyết định chính sách của Fed được công bố liền kề nhau. Hai sự kiện này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hướng đi của thị trường trong những tuần tới - suy giảm sâu hơn hay sẽ khởi sắc như truyền thống mùa Giáng Sinh.

Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 được công bố vào thứ Ba (13/12). Thị trường dự kiến mức độ lạm phát sẽ vừa phải so với cùng kỳ một năm trước ở cả cấp tổng thể và cốt lõi - nhưng cả hai đều vẫn duy trì trên mức 6%.

Thị trường sẽ dõi theo cuộc họp kéo dài hai ngày 13 - 14/12 của Fed. Chiều thứ Tư, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) của ngân hàng trung ương này sẽ đưa ra quyết định về lãi suất cho cuộc họp cuối cùng của năm 2022. Hiện các thị trường đang đặt cược vào mức tăng 0,5 điểm phần trăm, đưa phạm vi mục tiêu lãi suất lên khoảng 4,25% - 4,5% và chấm dứt chuỗi bốn lần tăng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp trước. Chủ tịch Fed Jerome Powell dường như đã ngầm xác nhận động thái như vậy trong những phát biểu gần đây của mình.

Tuy nhiên, các thị trường đã cho thấy rằng họ háo hức nhìn xa hơn việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ để xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, ngay cả khi các quan chức Fed tuyên bố rằng cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc. Trong giai đoạn chứng khoán thường tăng mạnh và sau đợt trượt dốc của tuần này sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Phố Wall lại khởi sắc.

Tại châu Á, các thị trường chứng khoán tăng điểm vào chiều 9/12, khi nhà đầu tư cân nhắc giữa nỗi lo về lãi suất tăng tại Mỹ cùng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu với việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 1,18% lên 27.901,01 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) tăng 2,32% (450,64 điểm) lên 19.900,87 điểm. Tại thị trường Thượng Hải (Trung Quốc), chỉ số Shanghai Composite tăng 0,30% (9,60 điểm) lên 3.206,95 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc phá vỡ chuỗi giảm điểm kéo dài năm ngày nhờ hoạt động mua vào khi giá xuống thấp của các nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài. Chỉ số Kospi tại Seoul tăng 0,76% (17,96 điểm) lên 2.389,04 điểm.

Các thị trường Sydney, Singapore, Bangkok, Mumbai và Manila cũng trong vùng tăng điểm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả