Khối ngoại liên tục mua ròng sau khi VN-Index vượt đỉnh
Thị trường gần đây thường xuyên ghi nhận giao dịch bùng nổ với thanh khoản tăng vọt, chỉ số chung liên tục lập đỉnh lịch sử mới và khối ngoại cũng có những tín hiệu tích cực khi ngắt mạch bán ròng.
Tương tự với tuần liền trước, dòng tiền tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, đẩy VNMidcap và VNSmallcap Index tăng tương ứng +1,77% và +1,13%. Trong khi đó, VN30 Index chỉ tăng nhẹ +0,25%, đạt 1.535,66 điểm.
Cùng với tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư, khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh mua ròng trong phiên đầu tuần ngày 8/11 với giá trị hơn 544,02 tỷ đồng, tăng 77,6% về lượng và 144% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 5/11 (mua ròng 222,92 tỷ đồng), tâm điểm mua vào cổ phiếu HPG và VHM, còn tập trung bán cổ phiếu chứng khoán SSI.
Cụ thể, trên sàn giao dịch HOSE, khối ngoại đã mua ròng 4,48 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 506,74 tỷ đồng, tăng 64,14% về lượng và 122,4% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Còn trên sàn giao dịch HNX, khối ngoại đã mua ròng 9,57 tỷ đồng, tăng 35,94% so với phiên trước đó. Với sàn UPCOM, khối ngoại mua ròng 27,71 tỷ đồng, trong khi phiên trước đó bán ròng 11,97 tỷ đồng.
Đây là một tín hiệu tích cực của khối ngoại khi ngắt mạch bán ròng trong 2 tuần giao dịch gần đây. Cụ thể, thống kê từ phiên 25/10-8/11, trên sàn HOSE, khối ngoại đã thực hiện 5 phiên bán ròng và 6 phiên mua ròng; sàn HNX với 2 phiên mua ròng và 9 phiên bán ròng, sàn Upcom có 4 phiên mua ròng và 7 phiên bán ròng.
Tính chung giao dịch 2 tuần qua trên cả 3 sàn, khối ngoại đã bán ròng xấp xỉ 39 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 1.278 tỷ đồng.
Dù vậy cần lưu ý rằng, những phiên khối ngoại gia tăng mua ròng lại là thời điểm VN-Index tìm đỉnh mới. Điển hình như ngày 27/10, sau những phiên bán ròng ròng rã, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng với giá trị 1.021 tỷ đồng trên HOSE trong phiên VN-Index tăng 31,39 điểm lên 1.423,02 điểm, hay đến phiên 29/10, khi VN-Index tiếp tục thiết lập đỉnh mới thì khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị hơn 600 tỷ đồng trên HOSE, tập trung mua HPG (+195 tỷ đồng), GAS (+108 tỷ đồng), DXG (+106 tỷ đồng),…
Đặc biệt, trong phiên 3/11 khi thanh khoản thị trường ghi nhận mức tăng đột biến và xác lập kỷ lục mới với tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt xấp xỉ 50 nghìn tỷ đồng thì khối ngoại cũng bất ngờ mua ròng trở lại 257 tỷ đồng trên toàn thị trường, lực mua tập trung vào cổ phiếu thép HPG, ngoài ra còn có GEX, VHM, KBC…
Chia sẻ với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Yuanta Việt Nam cho rằng diễn biến mua ròng gần đây của khối ngoại chủ yếu là hoạt động cơ cấu danh mục đầu tư vào thời điểm cuối năm.
“Từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng gần 53.000 tỷ đồng, do vậy, theo tôi động thái mua ròng một vài phiên gần đây là chưa đủ để thay đổi xu hướng bán ròng của khối ngoại. Trong suốt cả năm nay đôi lúc dòng vốn này cũng đảo chiều mua ròng nhưng đều chỉ là diễn biến ngắn hạn, mang tính thời điểm”, ông Minh nói.
Ở một báo cáo phân tích mới đây, SSI cho rằng xu hướng rút vốn của các quỹ ETF có thể sẽ được cải thiện trong 2 tháng cuối năm khi tỷ lệ tiêm chủng tại Việt Nam đã đạt mức tương đối cao (gần 60% dân số đã tiêm mũi 1 và 30% tiêm mũi 2) và sự khôi phục trở lại của hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, thống kê lịch sử cũng cho thấy dòng vốn đầu tư thường sẽ được giải ngân trở lại trong giai đoạn cuối năm.
Cụ thể, trong 4 năm trở lại đây, ngoại trừ năm 2018 (xu hướng rút ròng ở thị trường mới nổi khi FED tăng lãi suất), các quỹ ETF đều mua ròng trong 2 tháng cuối năm. Trong khi đó, nền tảng vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì trong dài hạn và kỳ vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng trong 2023 – 2025 sẽ là động lực giúp dòng vốn từ các quỹ chủ động quay trở lại trong năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận