Khối ngoại bán ròng và phản ứng của nhà đầu tư cá nhân trong nước
“Tây cũng có tây đầu cơ tây đầu tư, đủ cả. Lúc VN-Index rơi xuống loanh quanh 1.000 thì khối ngoại mua ròng rồi, giờ thị trường cũng hồi được gần 10%, chốt lãi chẳng có gì lạ. Chỉ lạ ở chỗ là nhà đầu tư trong nước cứ mãi bán quanh 1000 rồi mua lại ở 1100; 1200. Cái đó mới đáng lo”...
Áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn chưa dừng lại. Chỉ tính riêng trong 10 phiên giao dịch gần nhất, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5.600 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2023 tới nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 21.000 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng từ đầu năm đến nay tập trung ở một số mã cổ phiếu nhất định. Các nhóm Ngân hàng, Thực phẩm đồ uống và Bán lẻ chiếm tỷ trọng chi phối trên giá trị bán ròng hơn 12,5 nghìn tỷ đồng của thị trường. Động thái bán ròng tập trung cục bộ ở 3 mã EIB (-5 nghìn tỷ đồng), VPB (-3 nghìn tỷ đồng) và MWG (-3,2 nghìn tỷ đồng).
Khối ngoại rút ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh dòng tiền toàn cầu đang có xu hướng rút về thị trường Mỹ, đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Sự giảm nhiệt của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và kỳ vọng vào việc đảo chiều chính sách tiền tệ ở Mỹ đã giúp cho dòng tiền nhanh chóng quay trở lại thị trường cổ phiếu.
Theo số liệu của SSI, dòng vốn vào quỹ cổ phiếu DM bứt phá khi vào ròng 40,3 tỷ USD – mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Sức hút từ thị trường Mỹ vào ròng 46,6 tỷ USD trong tháng 11 là nhân tố chính nhờ những số liệu kinh tế của Mỹ đang theo hướng “hạ cánh mềm”, và thông điệp mềm mỏng từ các quan chức Fed. Tuy nhiên, dòng tiền có sự phân hóa khi chủ yếu vào các cổ phiếu công nghệ và tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường cũng tăng lên đáng kể.
Tại thị trường Việt Nam, việc khối ngoại xả hàng tác động tâm lý tiêu cực đến nhà đầu tư trong nước. Vn-Index giằng co bất chấp nhiều thông tin hỗ trợ thị trường như lãi suất giảm về vùng giá thấp, lãi suất kỳ hạn tại một số ngân hàng xuống chỉ còn 2,2%, kinh tế vĩ mô tiếp tục hồi phục...
Bình luận về xu hướng bán ròng của khối ngoại, ông Vicente Nguyen, Giám đốc quỹ đầu tư AFC Vietnam (quỹ đầu tư quy mô hơn 70 triệu USD) cho rằng nhà đầu tư nước ngoài hiện nay không chỉ đầu tư dài hạn mà họ đầu cơ lướt sóng nên việc mua bán là hết sức bình thường, không có gì lạ.
Sau nhiều năm, nhà đầu tư nước ngoài cũng không còn đóng vai trò cốt lõi nữa. Trước kia họ đóng tầm 30-40% giao dịch (10 năm trước), đến giờ chỉ còn loanh quanh 10-15% là nhiều nhất vậy rõ ràng nhóm chi phối thị trường là nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước chứ không phải nhóm nhà đầu tư nước ngoài nên không cần quan tâm quá đến giao dịch của nhóm này.
“Tây cũng có tây đầu cơ tây đầu tư, đủ cả. Lúc VN-Index rơi xuống loanh quanh 1.000 thì khối ngoại mua ròng rồi, giờ thị trường cũng hồi được gần 10%, chốt lãi chẳng có gì lạ. Chỉ lạ ở chỗ là nhà đầu tư trong nước cứ mãi bán quanh 1000 rồi mua lại ở 1100; 1200. Cái đó mới đáng lo”, ông Vicente Nguyen nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc quỹ đầu tư AFC Vietnam, kể từ khi thị trường Việt Nam mở cửa hơn ngày càng nhiều quỹ ETF bước vào Việt Nam. Những quỹ này rất linh hoạt, rút ra đẩy vào hàng ngày do tính chất linh hoạt và cơ động. Nên họ phải bán khi nhà đầu tư yêu cầu rút vốn hay lại mua vào khi nhà đầu tư bơm vốn. Nên chẳng có lý do gì để suy nghĩ, hành động bán là yếu tố tiêu cực.
"Thay vì quan tâm nhà đầu tư nước ngoài làm gì, thì hãy chăm chú nghiên cứu vào các công ty mà bạn đầu tư, hiểu thêm về hoạt động kinh doanh của họ. Từ đó đưa ra quyết định đúng đắn. Tuyệt đối không hành động theo cảm xúc đặc biệt là sự xúi giục của một số môi giới kém trình độ và kinh nghiệm. Cháy tài khoản chỉ là chuyện trước sau", ông Vicente Nguyen khuyến cáo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận