Khởi đầu thách thức của kinh tế Đức năm 2024
Tàu lửa hủy chuyến, máy bay không cất cánh, còn đường cao tốc bị phong tỏa bởi nông dân là bức tranh gập ghềnh đầu năm của kinh tế Đức.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu và thứ tư thế giới bước sang 2024 với không mấy suôn sẻ. Cuộc đình công của nhân viên mặt đất hãng hàng không Lufthansa tuần này là diễn biến mới nhất trong hỗn loạn vận tải cả tháng nay. Trước đó, tài xế đường sắt dừng việc vì tranh chấp tiền lương. Trên cao tốc, nông dân biểu tình phản đối kế hoạch cắt giảm trợ cấp.
Theo CNN, các cuộc đình công rộng rãi ở quốc gia nổi tiếng trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động mạnh mẽ cho thấy bất ổn đang bao trùm nước Đức. Nền kinh tế này đã suy giảm vào năm ngoái và triển vọng không sáng sủa hơn nhiều. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Đức sẽ là nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm nhất năm 2024, chỉ 0,5%.
Các chuyên gia bi quan hơn còn cho rằng GDP sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp, khi nền kinh tế này phải vật lộn với thời kỳ giá năng lượng cao kéo dài, chi phí đi vay tăng cao và nhu cầu yếu đối với hàng hóa "Made in Germany" trong lẫn ngoài nước.
"Sự bất ổn đang trì hoãn sự phục hồi vì nó làm tăng xu hướng tiết kiệm của người tiêu dùng và làm giảm sự sẵn sàng đầu tư của các công ty và hộ gia đình", Timo Wollmershaeuser, Trưởng bộ phận dự báo Viện Ifo nhận định.
Tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Ukraine đã được tiếp tục bộc lộ hôm thứ tư (7/2), khi dữ liệu công bố cho biết sản xuất công nghiệp đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp tính đến tháng 12/2023, là đà suy giảm dài kỷ lục.
Xuất khẩu tháng 12 giảm 4,6% so với tháng 11, cao hơn dự báo 2% theo thăm dò của Reuters. Klaus Wohlrabe, Trưởng bộ phận khảo sát tại Viện Ifo nói các nhà xuất khẩu cần động lực mới. "Nền kinh tế xuất khẩu của Đức có khởi đầu tệ hơn trong năm mới", ông nói.
Vì vậy, theo các nhà kinh tế, điều cần thiết không gì khác hơn là một cuộc đại tu kinh tế cho Đức. Marcel Fratzcher, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức tại Berlin, nói nước này cần một sự chuyển đổi kinh tế cơ bản. "Thách thức lớn nhất đối với Đức không phải là hai năm tới mà là 10 năm tới, khi cần phải định hình lại ngành công nghiệp của mình", ông nói.
Chính phủ đã có những bước đi thăm dò. Họ khuyến khích đầu tư, tăng cường tài trợ cho các công ty khởi nghiệp, đẩy nhanh quá trình phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng và nới lỏng các quy định nhập cư cho công nhân lành nghề để giải quyết tình trạng thiếu lao động.
Nhiều việc cần làm hơn nhưng các chính trị gia Đức có quyền lực hạn chế. Trong đó, giới hạn chặt chẽ với nợ công được hiến pháp quy định có thể kiềm hãm các chương trình chi tiêu lớn. Carsten Brzeski, Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô toàn cầu tại ngân hàng ING (Hà Lan) cho rằng gần như không thể thực hiện bất kỳ cuộc cải tổ nào cho kinh tế Đức nếu quan điểm thắt lưng buộc bụng tài chính vẫn là xu hướng chủ đạo.
Thách thức tiếp theo là mô hình kinh tế. Đức từ lâu đã là một trong những quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới, tạo ra mọi thứ từ ôtô, máy giặt và dụng cụ điện cho đến thiết bị y tế và dược phẩm. Họ có những kỹ sư xuất sắc và nhiều hàng hóa chất lượng cao, nhưng những rạn nứt đang bắt đầu lộ rõ.
Constanze Stelzenmuller, Giám đốc Trung tâm Mỹ và châu Âu tại Viện Brookings, đánh giá nước này đang phải gánh chịu hậu quả của việc "đặt cược chiến lược vào việc hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau và toàn cầu hóa".
"Họ giao an ninh cho Mỹ, tăng trưởng nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc và nhu cầu năng lượng của họ cho Nga", bà nói. Vì vậy, Đức giờ nhận thấy bản thân cực kỳ dễ bị tổn thương trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Đức - đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Những thay đổi cơ bản trong nền kinh tế Trung Quốc có nghĩa là nhu cầu có thể không quay trở lại. "Trung Quốc đã trở thành đối thủ. Giờ đây họ có thể sản xuất hàng hóa tương tự mà họ thường nhập khẩu từ châu Âu", Brzeski của ING cho biết.
Chỉ riêng thực tế đó đã đe dọa mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Đức là ôtô. Xuất khẩu ôtô của Trung Quốc đã vượt qua Đức năm 2022 nhờ sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của các thương hiệu xe điện của nước này, đặc biệt là BYD. Đó là vấn đề không chỉ đối với "đứa con cưng" của ngành sản xuất Đức - Volkswagen - mà còn đối với hàng nghìn công ty trong chuỗi cung ứng ôtô ở Đức và châu Âu.
Trong khi đó, Mỹ - điểm đến hàng đầu cho hàng xuất khẩu của Đức từ năm 2015 - đã chuyển hướng bảo hộ, trợ cấp cho các nhà sản xuất năng lượng xanh và sản phẩm thân thiện với khí hậu trong nước, theo Đạo luật Giảm lạm phát. "Giống như phần còn lại của nền kinh tế Đức, xuất khẩu vẫn đang ở giao điểm giữa suy thoái và trì trệ", Carsten Brzeski, Trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu tại ING, nhận định.
Ở nội địa, giá khí đốt tăng đột biến năm 2022 sau xung đột Ukraine và liên tục cao ở châu Âu đã làm tê liệt nhiều ngành công nghiệp của Đức. Đất nước này đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt, sau khi ngừng hoàn toàn hoạt động sản xuất điện hạt nhân từ đợt thảm họa Fukushima ở Nhật Bản hồi 2011.
Bên cạnh môi trường bên ngoài ngày càng trở nên bất lợi với nền kinh tế hướng ngoại của Đức, bầu không khí chính trị nội bộ cũng trở nên ngột ngạt. Căng thẳng trong liên minh cầm quyền ba bên đang cản trở việc hoạch định chính sách, làm tăng thêm sự bất ổn cho các doanh nghiệp và khiến nhiều người Đức cảm thấy rằng chính phủ hiện tại có rất ít giải pháp cho vô số vấn đề của đất nước.
Một số CEO hiếm khi bình luận về chính trị cũng cảnh báo về mối đe dọa mà chủ nghĩa cực đoan cánh hữu gây ra cho nền kinh tế. CEO Deutsche Bank Christian Stitch nói nó là "mối nguy hiểm nghiêm trọng" với môi trường kinh doanh.
Các nhà đầu tư, những người bị thu hút bởi Đức đang ngần ngại trong việc triển khai vốn, theo Christian Stitch. Người đứng đầu công ty phần mềm SAP và nhà sản xuất chip Infineon cũng đã lên tiếng.
Trong số đó có Jungheinrich trụ sở tại Hamburg, chuyên sản xuất xe nâng và các phương tiện khác cho nhà kho. Năm ngoái, công ty 70 tuổi này đã trở thành một trong những nhà sản xuất xe nâng đầu tiên trên thế giới loại bỏ động cơ đốt trong nhờ tiên phong sử dụng công nghệ pin lithium-ion.
Hay như MAN Energy Solutions ở Munich đang tái sử dụng máy nén - thường được sử dụng để vận chuyển dầu và khí đốt - cho các dự án thu hồi carbon quy mô lớn và xây dựng hệ thống bơm nhiệt lớn nhất thế giới trong thành phố tại Esbjerg (Đan Mạch).
Những doanh nghiệp như thế này có thể tìm thấy thị trường và ứng dụng mới cho bí quyết kỹ thuật của họ, giúp vực dậy nền kinh tế Đức. Nhiều công ty nhỏ hơn cũng đang chuyển đổi, bao gồm cả những công ty trước đây phục vụ chuỗi cung ứng sản xuất ôtô truyền thống.
Karl Haeusgen, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất máy móc và thiết bị Đức (VDMA), đại diện cho hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết 7 hoặc 8 năm trước không ai nghĩ đến việc sản xuất pin. Ngày nay, họ có hơn 100 công ty thành viên tập trung vào các bước khác nhau của chuỗi giá trị pin.
"Thế mạnh mà chúng tôi có trong nhiều công nghệ kỹ thuật và sản xuất vẫn dẫn đầu và độc đáo, đồng thời tôi thực sự tin tưởng vào khả năng các công ty thích ứng với môi trường toàn cầu đang thay đổi", Karl Haeusgen nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận