24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Nam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khó khăn thực sự của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là gì?

Từ cuối năm 2021, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải giảm công suất, thậm chí đứng trước nguy cơ dừng hoạt động do khó khăn tài chính...

Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, giá các mặt hàng như gas, xăng dầu đang chịu tác động rất lớn từ thị trường thế giới. Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao. Trong khi đó, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, một trong những nhà máy có vai trò sản xuất, cung ứng khí hoá lỏng LPG, xăng, diesel, dầu hoả/nhiên liệu máy bay... chủ yếu sử dụng cho thị trường trong nước lại đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động do khó khăn về tài chính, điều này tác động rất lớn đến nguồn cung xăng dầu trong nước.

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trực thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), được thành lập vào tháng 4/2008 do 4 thành viên góp vốn là Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN chiếm 25,1% vốn điều lệ, Công ty Idenmitsu Kosan 35,1%, Công ty Hóa chất Mitsui 4,7%, Tập đoàn dầu mỏ Cô-oét 35,1%.

Dự án Nghi Sơn được kỳ vọng góp phần bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, tạo điều kiện căn bản cho các ngành công nghiệp sau lọc dầu và dịch vụ phát triển; tăng thu ngân sách, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và của cả nước nói chung.

Mặc dù được xây dựng với sứ mệnh đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng vốn góp của đại diện Việt Nam, cụ thể là PVN tại NSRP chỉ chiếm 25,1%, không đủ quyền quyết định những vấn đề quan trọng của nhà máy. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong quản trị, điều hành của NSPR.

Theo đại diện PVN, khó khăn về tài chính của PSRP xuất phát từ công tác quản trị do phía nước ngoài điều hành còn nhiều bất cập. Với vai trò nước chủ nhà, PVN đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo cam kết và đã liên tục có nhiều văn bản, ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy tiến độ dự án, cải thiện công tác quản lý quản trị nhằm tăng hiệu quả hoạt động của NSRP.

Lý giải về tỷ lệ vốn góp 25,1% tại NSRP, lãnh đạo PVN cho rằng, dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn ra đời trong bối cảnh Việt Nam cần cần tìm nguồn cung xăng dầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ ngày càng cạn kiệt, Việt Nam phải tìm nguồn cung dầu thô.

Liên quan đến việc NSRP phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 01/2022 và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/2/2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính gần nhất, được cho là bắt nguồn từ việc PVN chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận (RPA) và thanh toán sớm (EP) Hợp đồng FPOA. Tuy nhiên, PVN cho rằng, Ban điều hành NSRP phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành Nhà máy…

Khó khăn thực sự của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là gì?
Sau 3 năm vận hành thương mại (2018-2020), NSRP lỗ hơn 61.200 tỷ đồng.
“Việc NSRP tự ý hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động Nhà máy hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban điều hành NSRP, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và EP. Các vấn đề về RPA và EP là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP và đang trong quá trình đàm phán”, đại diện PVN nhấn mạnh.

Vấn đề của Nghi Sơn nằm ở chỗ: Theo thỏa thuận giữa Chính phủ (do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư), PVN sẽ là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, với giá bán buôn tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà cộng thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen...). Trong 10 năm (đến 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho NSRP số tiền chênh lệch này.

Tuy nhiên, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng từ năm 2023 thuế nhập khẩu đã xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Diesel và mazut là 0% từ năm 2016. Còn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ 2016 là 5% và từ năm 2018 là 0%, riêng mazut từ năm 2016 thuế nhập khẩu đã là 0%.

Với thoả thuận Việt Nam phải giữ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ở mức không thấp hơn 7% cho đến hết năm 2028, PVN sẽ phải bù lỗ hàng tỷ USD cho Nghi Sơn.

Do đó, sau 3 năm vận hành thương mại (2018-2020), NSRP lỗ hơn 61.200 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 11.000 tỷ đồng. Doanh thu năm 2019 đạt 86.675 tỷ thì năm 2020 giảm chỉ còn 74.848 tỷ đồng.

Theo PVN, do Dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được đưa vào vận hành thương mại trong bối cảnh toàn thế giới có xu thế dịch chuyển nguồn năng lượng mạnh mẽ (năng lượng tái tạo, thay thế động cơ đốt trong bằng động cơ điện nên nhu cầu xăng dầu giảm), thị trường biến động bất lợi, biên lợi nhuận chế biến của ngành lọc dầu giảm mạnh và tác động của dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả SXKD của Dự án.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả