Khó hiểu việc giá vàng SJC tăng liên tục sau đấu thầu
Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.
Vào lúc 11h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC 82,8 - 85 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 700.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết vàng miếng SJC 83 - 84,9 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 600.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới tăng nhẹ lên mốc 2.334 USD/ounce, tăng 3 USD/ounce so với đầu giờ sáng.
Với mức giá này, giá vàng thế giới quy đổi (chưa bao gồm thuế, phí) tương đương khoảng 71,86 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng thế giới đang thấp hơn vàng nhẫn trong nước hơn 4 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng miếng SJC gần 13 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC liên tục tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng lần 1 sau 11 năm dừng hoạt động này. Trong lần gọi thầu đầu tiên, theo giới kinh doanh, họ không kịp chuyển tiền đặt cọc do thông báo mời thầu được gửi sát giờ đóng cửa của các ngân hàng vào thứ 6 tuần trước (19/4), nên phiên đấu thầu bị hủy.
Lần thứ hai, đấu thầu được tổ chức thành công nhưng chỉ có 2/11 đơn vị trả giá với khối lượng trúng là 3.400 lượng và Ngân hàng Nhà nước còn "ế" 13.400 lượng vàng miếng. Hầu hết đơn vị tham gia "không thỏa mãn" với mức giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố khi xét tới việc phải bỏ ra lượng vốn lớn trong bối cảnh giá thế giới có xu hướng đi xuống.
Trong lần gọi thầu mới nhất sáng 25/4, Ngân hàng Nhà nước cũng chào thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, nhưng không thông báo chi tiết giá tham chiếu. Tuy nhiên, sau đó, phiên đấu thầu này cũng bị huỷ và chưa rõ báo giờ tổ chức lại.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước hoãn phiên đấu thầu vàng lần 2 và không biết bao giờ đấu trở lại. Hầu hết đơn vị tham gia "không thỏa mãn" với mức giá sàn do nhà điều hành công bố khi xét tới việc phải bỏ ra lượng vốn lớn trong bối cảnh giá thế giới có xu hướng giảm hoặc đi ngang.
Theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc các quy định khi tổ chức đấu thầu vàng miếng gồm quy định khối lượng tối thiểu đặt thầu, mức giá đặt cọc cũng như mức giá sàn đấu thầu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên xem lại mức giá tham chiếu. Việc đặt cọc 10% khi đấu thầu trong khi giá tham chiếu để đặt cọc cao cũng là vấn đề khiến các doanh nghiệp, ngân hàng cân nhắc, tính toán trước khi tham gia đấu thầu.
"Bỏ ra một số tiền lớn tham gia đấu thầu thì doanh nghiệp phải tính đến chuyện làm sao để kinh doanh có lãi đã. Do đó, muốn những phiên đấu thầu vàng tiếp theo hiệu quả hơn, Ngân hàng Nhà nước cần xác định mức giá đấu thầu hợp lý, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, mới dễ dàng thu hút họ", ông Thịnh nói.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu muốn thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới thì Ngân hàng Nhà nước phải tính bằng giá trên mới hấp dẫn các đơn vị tham gia đấu thầu. Còn nếu tính giá cọc như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục không bỏ thầu.
"Cách đây hơn 10 năm, việc đấu thầu vàng miếng kéo giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn chênh nhau hơn 4 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng miếng cao hơn thế giới hơn 10 triệu đồng/lượng và có thời điểm gần 20 triệu đồng/lượng. Chỉ đạo của Chính phủ nhằm mục tiêu ổn định thị trường vàng trong nước, kéo chênh lệch giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, nhưng việc tính giá cọc như hiện nay, mục tiêu này chưa đạt được”, ông Long cho hay.
Ông Long đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc các quy định khi tổ chức đấu thầu vàng miếng gồm quy định khối lượng tối thiểu đặt thầu, mức giá đặt cọc cũng như mức giá sàn đấu thầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận