Khó đòi bồi thường trong vụ án thao túng chứng khoán
Trong các vụ án “thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty Louis Holdings, Công ty FLC…, điều dễ nhận thấy là rất nhiều nhà đầu tư đã bị những bị can/bị cáo này làm cho thiệt hại nặng nề, nhưng họ lại không thể chứng minh thiệt hại của bản thân để có cơ sở yêu cầu bồi thường dân sự.
Tiền của nhà đầu tư nhưng phải sung công
Đầu tháng 5/2023, Toà án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên toà xét xử cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Louis Holdings Đỗ Thành Nhân và 7 đồng phạm trong vụ án “thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty Louis Holdings, Công ty Quản lý tài sản Trí Việt và các đối tượng liên quan vào năm 2021.
Theo phán quyết của Toà án, được sự giúp sức của Đỗ Đức Nam - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt (cho vay 748 tỷ đồng thông qua hợp tác đầu tư), Đỗ Thành Nhân dùng tài khoản chứng khoán cá nhân và 17 tài khoản của người thân, nhân viên Công ty, liên tục đặt lệnh giao dịch để tạo cung - cầu giả tạo đối với hai mã BII và TGG của hai công ty con là Louis Capital và Louis Land.
Bằng cách thức này, từ tháng 1 đến tháng 9/2021, Nhân và đồng phạm đã “thổi” giá hai mã BII và TGG từ mức 1.000 - 3.000 đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh 33.800 - 74.800 đồng/cổ phiếu (tương đương tăng 34 và 42 lần); sau đó bán tháo, thu lợi bất chính hơn 154 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, ngoài án phạt tù dành cho các bị cáo, trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự này được tuyên như sau: “Hội đồng xét xử nhận thấy, khoản tiền hơn 154 tỷ đồng các bị cáo thu lợi bất hợp pháp cần thu hồi để sung công quỹ”.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), khách thể của tội thao túng thị trường chứng khoán là những quan hệ xã hội được luật pháp bảo vệ nhưng đã bị tội phạm xâm hại. Cụ thể, tội thao túng thị trường chứng khoán xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, tội này có khách thể vật chất (bị hại) là các nhà đầu tư đã bỏ tiền mua hai mã cổ phiếu BII và TGG trong thời gian các đối tượng thao túng.
Để được giải quyết bồi thường, những nhà đầu tư này cần làm đơn đề nghị công nhận bị hại và có tài liệu, chứng cứ chứng minh đầu tư và bị thiệt hại do hành vi thao túng của các đối tượng.
Tuy nhiên, trên thực tế, hồ sơ vụ án Louis Holdings không ghi nhận bị hại nào; do đó, số tiền hơn 154 tỷ đồng thu lời bất chính của các bị cáo đã được Toà án tịch thu để sung công.
Lý giải nguyên nhân, luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, việc không ghi nhận bị hại trong vụ án Louis Holdings có thể bắt nguồn từ 2 lý do: một là, nhà đầu tư giao dịch chứng khoán liên tục nên khó chứng minh được thiệt hại; hai là, có thể nhiều nhà đầu tư thuộc đối tượng bị hại nhưng cũng tham gia vào quá trình thao túng chứng khoán nên không dám lên tiếng đòi bồi thường (?).
Khó chứng minh thiệt hại để đòi bồi thường
Ngày 28/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) ban hành Kết luận điều tra vụ án “thao túng thị trường chứng khoán” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty cổ phần Xây dựng Faross và các công ty liên quan.
Theo đó, C03 ra quyết định khởi tố ông Trịnh Văn Quyết và 19 bị can về tội “thao túng thị trường chứng khoán” quy định tại khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự 2015. Kết luận điều tra cho thấy, từ ngày 26/5/2017 đến 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (kế toán Công ty FLC) cùng đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART rồi bán tháo, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, C03 bổ sung quyết định khởi tố bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 đối với ông Trịnh Văn Quyết và 3 bị can khác.
Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, các cổ đông chỉ góp hơn 1.197 tỷ đồng vốn điều lệ vào Công ty Xây dựng Faros (mã ROS), nhưng ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo thuộc cấp và các cá nhân có liên quan lập và ký khống hồ sơ, chứng từ góp vốn khống hơn 3.102 tỷ đồng, làm tăng khống vốn chủ sở hữu của Công ty Xây dựng Faros lên 4.300 tỷ đồng.
Sau đó, các bị cáo đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM để bán, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Bình luận về trách nhiệm dân sự trong vụ án FLC, luật sư Bùi Đình Ứng nhận định, khác với vụ án Louis Holdings chỉ có một tội danh “thao túng thị trường chứng khoán” thường khó chứng minh thiệt hại của bị hại, vụ án FLC có thêm tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thường dễ xác định, chứng minh thiệt hại hơn nên khả năng được bồi thường là có cơ sở hơn.
Theo cơ quan điều tra, trong 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ban đầu hình thành từ vốn góp khống, có 26.379 nhà đầu tư đã bán hết trên 208 triệu cổ phiếu; còn 4.024 nhà đầu tư đang sở hữu hơn 82,7 triệu cổ phiếu (tổng giá trị tại thời điểm hủy niêm yết là 207,7 tỷ đồng).
Đáng lưu ý, trước khi kết thúc điều tra, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) đã trưng cầu giám định từ Bộ Tài chính. Kết quả giám định cho hay, pháp luật hình sự chưa có quy định hướng dẫn về xác định việc thu lời bất chính và khoản thiệt hại cho nhà đầu tư phát sinh từ các hành vi tội phạm về chứng khoán.
Đối với tội danh “thao túng thị trường chứng khoán” của các bị can, chủ thể bị thiệt hại tài sản là các nhà đầu tư đã bỏ tiền để mua 5 mã cổ phiếu trong thời gian các đối tượng thao túng. Về lý thuyết, các nhà đầu tư bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã kết luận là chưa có căn cứ xác định thiệt hại của các nhà đầu tư do hành vi thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây ra đối với 5 mã chứng khoán.
“Vì vậy, việc nhà đầu yêu cầu bồi thường thiệt hại là rất khó khi mà yêu cầu này chỉ được cơ quan tố tụng xem xét chấp nhận khi nhà đầu tư có đơn đề nghị kèm những tài liệu, chứng cứ thể hiện họ đã đầu tư và thiệt hại”, luật sư Bùi Đình Ứng nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Nam Sơn, Giám đốc Khối Pháp chế và Quản trị rủi ro, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) phân tích, trong vụ án FLC, để kết luận tội lừa đảo chiếm đoạt thì bắt buộc phải có người bị hại; còn với tội thao túng thị trường chứng khoán thì không cần, bởi tội danh đó đã có đủ chủ thể, khách thể, hành vi và yếu tố lỗi. Việc chứng minh thiệt hại chỉ có giá trị trong trách nhiệm bồi thường dân sự.
Tuy nhiên, trong những vụ án hình sự, việc chứng minh yếu tố cấu thành thiệt hại là trách nhiệm của cơ quan tố tụng. Người dân chỉ có trách nhiệm chứng minh thiệt hại trong những vụ án dân sự có quan hệ ngang bằng, còn đối với vụ án hình sự thì họ thường không có đủ cơ sở để chứng minh.
Việc cơ quan tố tụng không chứng minh được thiệt hại trong vụ án thao túng chứng khoán, theo ông Sơn, thể hiện “lỗ hổng” trong quy định của pháp luật về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhìn nhận, do đặc thù hành vi giao dịch trên thị trường chứng khoán là tự nguyện, chủ động, liên tục nên trong khoảng thời gian mà các đối tượng thao túng giá chứng khoán thì vẫn có những người giao dịch vì nhu cầu thật của họ, vẫn có người hưởng lợi hoặc bị thiệt hại vì lý do nội tại doanh nghiệp, lý do thị trường, chứ không hẳn do thao túng.
Bên cạnh đó, khi một lệnh bán số lượng lớn được tung ra, sẽ có nhiều tài khoản khớp lệnh từng phần, việc chứng minh thiệt hại nếu trong một vài phiên còn có thể khả thi (dựa vào đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có thể quyết định huỷ bỏ giao dịch được xác định là thao túng để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư), nhưng nếu trong một thời gian dài thì cũng là gánh nặng cho hoạt động tố tụng.
“Hơn nữa, việc xác định được bị hại trong vụ án thao túng chứng khoán còn khó khăn do bị hại không hợp tác hoặc không biết bị hại ở đâu, hay bị hại không yêu cầu xử lý hình sự…”, ông Sơn nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận