24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoa Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khó cứu nổi các dự án thua lỗ thuộc Vinachem

Chìm ngập trong nợ nần, 3 doanh nghiệp trong danh sách 12 doanh nghiệp, dự án thua lỗ yếu kém ngành công thương thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) bị Kiểm toán Nhà nước đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt.

Ba doanh nghiệp thuộc Vinachem có tên trong Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của Kiểm toán Nhà nước gửi các đại biểu Quốc hội là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP - Vinachem. Hệ số nợ của các đơn vị này gia tăng đến mức đáng lo ngại, trong đó hệ số nợ phải trả của Hóa chất và Phân đạm Hà Bắc lên tới 73,7 lần.

Chịu gánh nặng nợ nần ngày càng lớn từ khối nợ của các dự án thua lỗ, ngay chính Tập đoàn Vinachem cũng được nêu tên trong danh sách các doanh nghiệp nhà nước có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao. Trong khi đó, theo báo cáo kiểm toán, Công ty mẹ - Vinachem không có khả năng thanh toán khoản vay đến hạn nợ gốc và lãi quá hạn tại thời điểm 31/7/2019 là 1.000 tỷ đồng.

Tình hình trở nên bi đát hơn khi đầu năm 2020, tác động từ dịch Covid-19 khiến loạt doanh nghiệp yếu kém càng lún sâu trong nợ nần, gia tăng sức ép và nguy cơ đối với Tập đoàn Vinachem. Kết thúc quý I/2020, riêng 4 doanh nghiệp trong danh sách yếu kém lỗ thêm hơn 800 tỷ đồng, tăng 246% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong kiến nghị mới đây gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Vinachem tiếp tục đề xuất Ủy ban báo cáo Thủ tướng cân nhắc các giải pháp gỡ khó cho các dự án.

Trong đó, gỡ khó cho một số khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho 3 dự án thua lỗ là Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP số 2 - Vinachem, đồng thời cho phép các dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai được tiếp tục giảm 50% mức trích khấu hao tài sản cố định hàng năm theo phương pháp đường thẳng từ năm 2020 đến 2025, phần giá trị giãn khấu hao sẽ được phân bổ vào những năm còn lại của tài sản cố định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần mạnh dạn để thị trường thực hiện đúng vai trò định đoạt trên nguyên tắc chọn lọc của thị trường, thay vì tiếp tục dùng nguồn lực nhà nước gia cố thêm, ngay kể cả việc xem xét cân nhắc gỡ khó các khoản vay cũng rất có thể tiếp tục dẫn tới tình trạng tiêu tốn thêm nguồn lực tài chính vào các dự án khó có thể phục hồi.

“Nếu không mạnh dạn chấp nhận các giải pháp mang tính thị trường thì sẽ rất khó có thể xử lý triệt để các vướng mắc. Thậm chí, càng quanh quẩn, loay hoay với các nguồn lực của nhà nước, nguy cơ sẽ còn thiệt hại thêm”, PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhấn mạnh quan điểm xử lý một cách dứt khoát các dự án thua lỗ, yếu kém.

Theo ông Thế Anh, sớm đưa các dự án ra thị trường để chính thị trường thực hiện vai trò thẩm định và định đoạt thì còn có cơ hội cứu vãn. Nếu Nhà nước và doanh nghiệp tiếp tục loay hoay với các giải pháp mang tính thỏa hiệp như kéo dài thời hạn vay, khoanh nợ để có thời gian phục hồi sản xuất, lùi thời gian khấu hao thì rất khó có thể xử lý triệt để các vướng mắc, việc xử lý sẽ rất nan giải.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico giữ nguyên quan điểm nên mạnh dạn cho phá sản doanh nghiệp để sớm thu lại các tài sản của Nhà nước đưa ra kinh doanh, giải phóng các nguồn lực đang tắc nghẽn, lãng phí như hiện nay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đối với các doanh nghiệp đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt, nhất là với các dự án yếu kém, thua lỗ kéo dài, thì phải thực hiện chuyển đổi sở hữu hoặc giải thể, phá sản theo quy định.

“Cần có một thời hạn nhất định để doanh nghiệp áp dụng phương án khắc phục, cơ cấu lại. Hết thời hạn này, doanh nghiệp không phục hồi được thì bắt buộc phải tính đến phương án phá sản, giải thể..., tránh càng kéo dài càng thêm gánh nặng nợ nần cho Nhà nước và chính doanh nghiệp”, ông Thịnh khuyến nghị.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả